(Baonghean) - Với địa hình phức tạp và hiểm trở, chủ yếu là núi cao và vực sâu, nên từ bao đời nay việc đi lại ở địa bàn huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn luôn là một vấn đề nan giải. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, hầu hết các tuyến đường giao thông nội vùng đều bị sạt lở, lầy thụt dẫn đến tình trạng giao thông ách tắc. Đây chính là lực cản không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Kỳ Sơn.

Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác vào xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), nơi được đánh giá đang có sự phát triển khá sôi động bởi sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 4 và Tổng đội TNXP 10. Từ ngã ba Khe Kiền (Tương Dương) đến hết địa bàn xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), các loại phương tiện lưu thông một cách khá dễ dàng, bởi đoạn đường này đã được rải nhựa. Nhưng đoạn đường từ Nậm Càn vào Na Ngoi luôn là một nỗi ám ảnh với bất cứ người điều khiển phương tiện nào. Đoạn đường khoảng trên dưới 20 km, chúng tôi chạy xe máy mất khoảng 2 giờ. Mỗi khi gặp xe tải, người đi đường phải hứng cả một đám bụi khổng lồ.

Vừa đặt chân đến trung tâm xã Na Ngoi, Bí thư Đảng ủy Mùa Dua Thái đã nói ngay: “Đi được đến đây, các anh chị thật vất vả. Thời điểm này chưa có mưa nên việc đi lại thuận lợi nhất đó, đến mùa mưa thì không thể đi xe máy được đâu, chỉ có cách đi bộ thôi”. Chúng tôi chợt hiểu hơn, vì sao một chị bạn đang công tác ở Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 4 suốt cả mùa mưa năm trước không về thăm nhà, dù nhà chị ở cạnh Thị trấn Mường Xén, cách Na Ngoi khoảng 60km...

Ngoài khó khăn trong vấn đề đi lại, chất lượng tuyến đường còn cản trở sự lưu thông hàng hóa trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Mùa Dua Thái cho biết: “Những năm trước, bà con ở đây trồng đào rất nhiều, đến mùa không đưa ra ngoài bán được vì đường đi khó quá. Mà cũng không thấy ai vào đây thu mua, đào chín ăn không hết, rụng đầy vườn, phí công lắm”.

792760_small_94013.jpg

Đường vào xã Mường Típ (Kỳ Sơn) rất khó khăn.

Đầu tháng 8/2012, thời điểm các huyện miền núi phía Tây liên tiếp phải hứng chịu những trận mưa lớn kéo dài, gây nên tình trạng ngập lũ và sạt lở đất, chúng tôi có mặt ở địa bàn huyện Kỳ Sơn và chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng mà địa phương này phải gánh chịu. Thời điểm ấy, mưa lớn làm sạt lở và gây ách tắc hầu hết các tuyến đường nội vùng. Tuyến Mường Lống- Mỹ Lý nhiều điểm bị sạt lở, đất đá vùi lấp, đặc biệt 50m đường nựa từ bản Xốp Tụ đi bản Xiềng Tắm (Mỹ Lý) bị nước lũ cuốn trôi, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn nhiều tuyến đường khác chất lượng thấp, chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, hạn chế không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn nhất, phải kể đến tuyến Mường Xén - Mường Típ - Mường Ải - Na Ngoi - Nậm Càn. Tuyến này, có chiều dài hơn 110 km, chủ yếu là đường đất nên mùa mưa thường xuyên bị lầy thụt, sạt lở nghiêm trọng, có những thời điểm bị ách tắc toàn tuyến.

Chất lượng mặt đường thấp, lại thường xuyên bị “cày xới” bởi các loại xe trọng tải lớn chở nguyên vật liệu của các nhà thầu thi công một số công trình trên địa bàn nên ngày càng bị hư hỏng nặng. Vùng này đang được đầu tư xây dựng một số mô hình kinh tế nhưng vẫn chưa có cách gỡ “bí” cho các loại sản phẩm, vì đường sá đi lại khó khăn dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bị hạn chế. Tiếp đến là Huồi Tụ- Na Loi - Đoọc Mạy - Keng Đu với chiều dài khoảng 50km, được đầu tư thi công gần 10 năm trở về trước. Khi phê duyệt đầu tư, tuyến này được thiết kế là đường đất, qua một thời gian dài đưa vào sử dụng, đến nay nhiều đoạn đã bị xuống cấp.

Về giải pháp khắc phục hiện tượng sạt lở, chia cắt của các tuyến đường trong mùa mưa lũ, ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Huyện đầu tư một chiếc máy xúc, khi xẩy ra sạt lở sẽ điều động đến hiện trường để giải quyết. Nhưng do địa bàn rộng, hiện tượng sạt lở có thể xảy ra đồng thời trên nhiều tuyến nên phải kết hợp thực hiện giải pháp giao cho các địa phương tự quản lý, tu sửa khi bị hư hỏng, triển khai có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo cho các tuyến đường được lưu thông nhanh nhất”.

Không lâu nữa thời tiết sẽ chuyển sang mùa mưa. Điều này đồng nghĩa với mối lo ngại về vấn đề lưu thông trên các tuyến đường giao thông nội vùng ở huyện biên giới Kỳ Sơn.


Công Kiên