(Baonghean) - Cái chảo gang trong bếp lò người Mông trên Puxailaileng bây giờ không còn xê dịch. Có đường, điện, truyền hình và sóng điện thoại di động…, khoảng cách nơi “đất cao, trời thấp” với miền xuôi giờ đã ngắn lại. Miền rét sương đang dần được sưởi ấm.

Nơi “đất cao, trời thấp”


Người Thái gọi vùng Puxailaileng, nằm ở phía Tây Nam huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn (có độ cao 2.711m so với mặt biển, đỉnh núi cao thứ hai của Việt Nam, sau Phanxipăng) là miền “náo moọc mương pu” (nghĩa là miền rét sương hay vùng sương phủ), nơi “đất cao, trời thấp”! Lên đây chỉ thấy “núi ngủ trong mây; mây ấp núi, núi ấp mây”.

Rẻo cao, đêm xuống sớm, dưới chân Puxailaileng bây giờ ánh điện toả sáng như sao sa giữa đại ngàn. Anh Lầu Nhìa Ma, ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi đã cai nghiện được thuốc phiện, dưới ánh điện lung linh, xúc động nói: “Ta hút thuốc phiện hơn mười năm nay, nhờ có các anh bộ đội Đoàn 4, bộ đội Đồn Biên phòng Na Ngoi (545), cán bộ Làng thanh niên lập nghiệp, nhờ các thầy cô giáo đến nói lời dễ nghe, nên ta đã bỏ được thuốc phiện rồi, mừng lắm! Cũng nhờ mọi người khuyên nhủ, Vừ Chia Xa, bản Pù Khả 1 cũng bỏ hút thuốc phiện rồi đấy”.

Tôi chợt nhớ tới lời một cán bộ  Đồn Biên phòng Na Ngoi: “Muốn nhân dân nghe theo, muốn dân làm theo điều hay, điều tốt, thì phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”. Nhờ kiên trì “bốn cùng” vận động nhân dân cách làm ăn mới, cuộc sống của nhân dân dưới chân Puxailaileng bây giờ đã dần ổn định. Từ ngày có đường, điện, truyền hình và cả sóng điện thoại di động, khoảng cách với miền xuôi giờ như đã ngắn lại dần. Cô Lo Thị May, trí thức trẻ tình nguyện lên đây đã bén duyên anh sĩ quan biên phòng, cuộc sống nơi miền rét sương này đã được sưởi ấm!

Vùng đất biên cương Puxailaileng nay đã khai hoang được nhiều ruộng bậc thang thâm canh hai vụ. Người Mông, Khơ mú trên núi cao bao đời chỉ phát rừng chọc lỗ tra hạt, nay đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa, rau màu, chăn nuôi gà đen, lợn đen, trâu bò... Bà con đã có thu nhập khá từ bán gừng, củ dong riềng, bí xanh. Sự phối hợp giữa Đoàn 4, Đồn Biên phòng 545, Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi xây dựng mô hình trồng lúa nước hai vụ, trồng gừng, trồng dong riềng, trồng chè shan tuyết, hoa ly, các loại rau màu và nuôi thành công cá hồi theo tiến bộ khoa học… bước đầu đã mang lại kết quả.

Chảo gang không còn xê dịch

Đại tá, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP4 Vi Hiểu cho biết: Khi đưa quân lên đây làm nhiệm vụ, thấy bà con sản xuất nhiều sắn và dong riềng, không tiêu thụ được. Qua khảo sát trong vùng, có hàng trăm ha trồng được cây dong riềng, Đoàn KT-QP 4 cùng với chính quyền địa phương vận động bà con trồng nguyên liệu, thay thế diện tích trồng cây thuốc phiện phá bỏ. Bộ đội chịu trách nhiệm cấp tiền và giống mới có năng suất cao giao cho bà con đưa vào trồng và tiêu thụ. Đơn vị đã nghiên cứu lập dự án chế biến sản phẩm từ cây dong riềng, sắn và cử người ra tận huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ để học cách chế biến dong riềng ra sợi miến dong. Hệ thống dây chuyền sản xuất liên hoàn được lắp đặt, một năm tiêu thụ hàng trăm tấn nguyên liệu trong vùng dự án.

Từ ngày có hệ thống chế biến, đồng bào sản xuất sắn và dong riềng đã có nơi tiêu thụ. Cuộc sống dần ổn định, bà con người Mông, Khơ mú, Thái ở Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ giảm dần, phát rừng làm rãy, không còn di dịch cư tự do và không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Với nhãn hiệu miến dong “Pu Xai”, Đoàn KT-QP4 đã tìm ra hướng đi mới cho bà con các dân tộc nơi đây xoá đói giảm nghèo. Cùng với dự án phát triển cây dong riềng chế biến miến dong, dự án chế biến gừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn, cá tầm, cá hồi, trồng chè shan tuyết, hoa ly đang được triển khai.

Xưởng chế biến dong riềng của Đoàn KT - QP4 bây giờ tấp nập từng đoàn người, lưng gùi nặng trĩu. Ông Xò Chư Pó, bản Ka Trên, tay cầm xấp tiền, ánh mắt rạng ngời: “Trước đây, người Mông ta trồng được nhiều gừng, khoai dong riềng, sắn, người ăn, lợn, trâu, bò ăn không hết, để thối. Nay bộ đội mua, người bản Ka Trên, Ka Dưới… ở Na Ngoi ta, có thêm tiền mua các vật dụng sinh hoạt trong gia đình”. Sự có mặt của Đoàn KT-QP4, Đồn Biên phòng 545 và Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã giúp bà con nơi biên giới này từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Lên đây nghe chuyện người Mông không còn mang cái chảo gang lặc lè sau lưng như cái mai rùa ì ạch leo núi dời bản. Chuyện người Mông bỏ trồng cây anh túc, đến chuyện trồng cây dong riềng, phát triển nuôi gà đen, lợn đen, nhiều hộ có của ăn của để… Chuyện “cây, con” xóa đói, giảm nghèo trên Puxailaileng kể ra dài lắm... Chỉ biết bây giờ, miến dong Pu Xai, chè tuyết shan và lợn đen, gà đen, bò, dê… Kỳ Sơn trở thành đặc sản, cung không đủ cầu!

792762_small_94015.jpg

Bà con người Mông bản Ka Dưới, xã Na Ngoi thu hoạch gừng.

Trên đường về xuôi, dừng chân nghỉ ở trung tâm xã Nậm Càn vừa lúc gặp ông Mùa Dua Vừ, người vừa mới rời núi cao về lập bản mới Liên Sơn cưỡi “ngựa sắt” xuống xã mua hàng. Hỏi chuyện, ông khoe: "Ta nghe theo lời khuyên của bộ đội, cán bộ xã, huyện không lang thang trên núi cao nữa, nay về lập bản dưới thấp khai hoang, học cách làm ruộng nước, trồng dong riềng, gừng, bí xanh, chăn nuôi bò, lợn, gà đen… no hơn trồng cây thuốc phiện, xuống đây tiện cho con em đến trường học chữ…".

Xuân này, cứ lên Puxailaileng nhìn những nương gừng, dong riềng… ngút ngát và bí xanh chất đống, sẽ tin cái chảo gang trong bếp lò của người Mông không còn xê dịch. Và loài hoa anh túc quyến rũ ngày nào ở miền biên viễn này đang chìm vào quên lãng.


Minh Thư