(Baonghean) - Đến bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn), chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng chục phụ nữ và các cháu nhỏ tụ tập quanh một bể nước, lỉnh kỉnh xô, chậu và can nhựa. Dòng nước chảy ra từ những chiếc ru-mi-nê rất yếu, mọi người vẫn phải kiên trì chờ đợi đến lượt mình.
Lý giải tình trạng này, anh Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu cho biết: “Hiện đang là cao điểm của mùa khô, các khe suối đều cạn kiệt, hệ thống đường ống và bể chứa nước sạch tự chảy đang xuống cấp làm thất thoát, nên bà con ở đây bị thiếu nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng”. Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, bà con dân tộc Khơ mú ở Hạt Tà Vén không có cách nào khác là phải túc trực tại các bể nước để hứng. Nhưng do nhu cầu sử dụng nhiều, trong khi nguồn nước lại có hạn, có thời điểm có tới 40-50 người cùng tập trung và chen chúc tại một bể nước. Có những người không đủ kiên trì chờ đợi đã vượt 5-6 cây số vào rừng tìm những mạch nước rỉ ra từ kẽ núi để hứng rồi gùi từng can nhựa 20 lít về nhà. Do thiếu nước sinh hoạt, hầu hết các hộ dân ở Hạt Tà Vén hàng ngày phải cắt cử người ở nhà lấy nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của gia đình.
Cảnh chờ nước ở bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn).
Nhiều bản khác của xã Keng Đu cũng đang lâm vào tình trạng “khát” nguồn nước sạch. Đến các bản Kẹo Cơn, Huồi Phuôn 1, chúng tôi tiếp tục được chứng kiến cảnh bà con chen chúc quanh một bể nước để chờ tắm rửa, giặt giũ và hứng nước sạch sinh hoạt. Ngay cả bản Huồi Phuôn 2, bản trung tâm xã, nguồn nước sinh hoạt cũng đang ở tình trạng kham hiếm. Nhiều hộ dân ở bản Huồi Phuôn 2 cũng phải vượt 5- 6 km để lấy nước về dùng. Nơi đây lại tập trung các cơ quan nhà nước như Trụ sở UBND xã, Trạm Y tế và 3 trường học (mầm non, tiểu học và THCS bán trú) nên nguồn nước sinh hoạt càng trở nên cấp thiết.
Có những thời điểm, sau các buổi dạy học, anh chị em giáo viên phải đi xe máy đến những địa điểm có mạch nước nhỏ để dùng can nhựa hứng nước, rồi chở về phục vụ sinh hoạt. Thầy Trần Văn Hùng (giáo viên Trường THCSBT Keng Đu) chia sẻ: “So với những năm trước, năm nay tình trạng khô hạn và thiếu nước diễn ra hết sức gay gắt. Với anh em giáo viên, ngoài việc lên lớp, soạn bài còn thêm một mối lo khác là thiếu nước sinh hoạt hàng ngày”. Qua tìm hiểu, được biết, hệ thống nước sạch tự chảy của bản Huồi Phuôn 2 và một số bản thuộc trung tâm xã được thi công từ năm 1997. Qua hơn 15 năm sử dụng, công trình đã xuống cấp và nhiều đoạn bị hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, dẫn đến tình trạng rò rỉ, thất thoát và ách tắc nguồn nước. Thời gian qua, việc thi công tuyến đường vào bản Khe Linh đã làm hư hỏng một số đoạn đường ống dẫn nước, nay đã được khắc phục, sửa chữa, tuy vậy nguồn nước vẫn không đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của người dân.
Một giáo viên công tác lâu năm ở địa bàn Kỳ Sơn cho biết, Keng Đu chưa phải là điểm “nóng” nhất về tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt trong mùa khô, mà phải kể đến các xã Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Mường Lống và Nậm Cắn. Từ Keng Đu, chúng tôi ngược trở ra Đoọc Mạy, đến bản Phá Lếch Phay (trung tâm xã) và tiếp tục được chứng kiến cảnh đông đúc, chật chội tại các bể nước. Những bể khác đều khô trơn. Tiếp tục men theo chân dãy núi đá để lên bản Phá Tả, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Các bể chứa đều khô sạch nước.
Anh Vừ Rả Mùa, người dân bản Phá Tả cho biết: “Ở đây mùa này nước hiếm lắm, phải hứng từng giọt ở các kẽ đá ngoài rừng, hứng cả ngày vẫn không đủ dùng”. Ông Lỳ Giống Dìa- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đoọc Mạy có 6 bản, 100% là dân tộc Mông. Năm nào đến mùa khô ở đây cũng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Do ở trên núi cao nên rất khó tìm giải pháp khắc phục, hiện tại chỉ có cách lắp đặt hệ thống đường ống từ bản Huồi Lê (Keng Đu) về đây nhưng xã không có đủ kinh phí”. Nhưng, trung tâm xã Đoọc Mạy cách bản Huồi Lê 12 km chiều dài và có mặt bằng cao hơn nên giải pháp này rất khó thực hiện.
Trên đường trở về, đi qua địa bàn các xã Huồi Tụ, Mường Lống đều được chứng kiến cảnh người dân lo lắng, tất bật với chuyện thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt. Được biết, việc khắc phục, sửa chữa các công trình nước sạch trên địa bàn trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất được đặt ra trong kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2012. Ngoài các địa phương kể trên, vấn đề nước sạch cũng đang trở nên bức thiết đối với các xã Mỹ Lý, Phà Đánh và Chiêu Lưu.
Hàng năm, huyện Kỳ Sơn đều có kế hoạch đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình trước sạch trên cơ sở nguồn vốn thuộc Chương trình 135/CP. Trong năm 2012, huyện đã đầu tư sửa chữa 10 công trình nước sinh hoạt trên địa bàn các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý, Nậm Cắn, Chiêu Lưu, Phà Đánh. Năm 2013 này, huyện đang có kế hoạch tiếp tục duy tu, sửa chữa thêm 18 công trình ở các xã Na Ngoi, Bảo Thắng, Keng Đu, Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi và Chiêu Lưu.
Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 90% các bản làng của huyện Kỳ Sơn đã được đầu tư xây dựng công trình nước sạch. Nhưng do độ cao lớn, lại đang ở giai đoạn cao điểm của mùa khô, lượng mưa năm nay giảm, một số công trình nước sạch xuống cấp nên hầu hết các xã đều thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, có 3 xã thiếu nước trầm trọng là Đoọc Mạy, Huồi Tụ và Mường Lống. Vì thế, trước mắt bà con cần phải tiết kiệm trong việc sử dụng nước sinh hoạt, tích cực sắm các loại dụng cụ cần thiết (bể chứa, thùng chứa, can nhựa...) để dự trữ nước mưa. Đồng thời, các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức tự giác trong việc bảo quản, sửa chữa và duy tu các công trình nước sinh hoạt cộng đồng, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.