Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều tồn tại. Tinh thần lấy người dân làm trung tâm chưa được nhận thức một cách nghiêm túc. Điều này được thể hiện qua các phản ánh, phàn nàn về trình độ, hành vi ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đánh giá cao cố gắng lớn của Chính phủ khi mới đây đã thông qua một Nghị định về giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó đưa ra nhiều quy định làm cơ sở để đánh giá về chuyên môn, đạo đức, cách cư xử với người dân, tuân thủ pháp luật… của cán bộ giải quyết thủ tục hành chính. Hiện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ đang chuẩn bị Thông tư hướng dẫn việc thực hiện nghị định này.
Điều khiến Giáo sư tin tưởng khi Nghị định này được đưa vào thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính đó là việc áp dụng lý thuyết quản trị, có sự đánh giá từ dưới lên. Trong đó, yếu tố đánh giá từ dưới lên cũng chính là đánh giá trực tiếp của người dân, những người cần giải quyết thủ tục hành chính, sẽ có tác dụng thay đổi mạnh mẽ, căn bản công tác giải quyết thủ tục hành chính. Bởi có thể coi đây là những đánh giá thật, được thể hiện thông qua các chỉ số rất cụ thể, qua đó sẽ thấy ai làm tốt, làm kém; người làm kém biết mình kém ở đâu để cải thiện.
Một nội dung được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra trong giải pháp đó là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đồng thời phải thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân và tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Liệu rằng cách làm này liệu có thúc đẩy cán bộ công chức thực thi công vụ một cách nghiêm túc, trách nhiệm?
Giáo sư Võ cho biết, thực tế nhiều địa phương đã có các chủ trương nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Nhà nước và bước đầu cũng đã đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, trong tổng thể, đây vẫn là câu chuyện còn cần phải tiếp tục bằng những giải pháp cụ thể, chứ không chỉ ở việc đưa ra khẩu hiệu.
“Sự thực mà nói, văn hóa “cảm ơn, xin lỗi” phổ cập ở đại đa số các nước, nhưng ở Việt Nam có vẻ hơi xa xỉ. Chúng ta cần phải cải cách từ hệ thống giáo dục, phải xây dựng, giáo dục văn hóa “cảm ơn, xin lỗi” ngay từ ở bậc học thấp nhất”, Giáo sư Võ nêu quan điểm./.