Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2018) với chủ đề Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy, Kết nối và sáng tạo diễn ra chiều 13/9 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borger Brende, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, rất đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng "kết nối và sáng tạo" để mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi tan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .
Phát biểu tại hội nghị, ông Borger Brende nhấn mạnh, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 3 thập kỷ qua là rất đáng trân trọng. Các báo cáo của WEF cho thấy Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ và Chính phủ đang nỗ lực cải thiện tình hình. Khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay chính là thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho rằng, những quốc gia nào có thể tận dụng được những yếu tố này sẽ là quốc gia thành công trong tương lai và Việt Nam là một quốc gia đang rất nỗ lực để phát triển.
"Thương mại là lĩnh vực thứ ba mà chúng tôi thấy có sự phát triển nhanh và mạnh. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những quốc gia Chính phủ ủng hộ thương mại tự do lớn nhất và mạnh nhất trên toàn thế giới; tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do trên toàn thế giới. Và gần đây nhất ví dụ chúng tôi đưa ra là CPTPP. Chính phủ hiện nay cũng có những bước đi để cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đang tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường quản trị. Chính phủ Việt Nam cũng có bước đi tốt để đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở Việt Nam", ông Borger Brende nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến khoảng 1.300 đại biểu, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước và quốc tế, một thông tin thú vị, đó là theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho tới sáng nay (13/9), đã có trên 6 nghìn tin bài về Hội nghị WEF ASEAN được phát và đăng tải trên các mạng toàn cầu và có 3 triệu người theo dõi trên Facebook và Twiter. Kết quả này cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với Hội nghị, tới WEF và Việt Nam.
Thông báo tin mừng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ các nhà đầu tư: "Đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng "kết nối và sáng tạo" để mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể coi đây là một hội nghị hưởng ứng kết quả của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, định hướng cho tương lai phát triển của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam".
Chia sẻ về định hướng và quan điểm phát triển, hội nhập của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù thế giới nổi lên chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại nhưng Việt Nam luôn nhất quán đề cao những lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.
Nhắc lại chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần này là "Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu", Thủ tướng nêu một số thực tế mà Việt Nam gặp phải, như Việt Nam chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Đây chỉ là những mắt xích thấp trong của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững.
Do đó, mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đặt ra chính là nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó, Thủ tướng cho biết: "Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới".
Thủ tướng cũng thông tin về cơ hội cho các nhà đầu tư, đó là Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của Việt Nam hiện nay đạt trên 200% GDP. Môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục;thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát…
Sau các bài phát biểu ấn tượng, lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã đặt khá nhiều câu hỏi thú vị, trực diện vào các vấn đề quan tâm dành cho cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Brende.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam đặt câu hỏi với ông Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF:
Bà Hà Thu Thanh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà WEF chọn là đối tác theo mô hình hợp tác công tư để trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ngài có thể cho biết là tại sao WEF lại chọn Việt Nam và có thể cho biết một số nội dung cụ thể hơn để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được biết?
Ngài Brende: Tại sao chúng tôi lại chọn Việt Nam, tôi cho rằng trong bài phát biểu tôi đã đưa ra kết quả cực kỳ ấn tượng trong một vài thập kỷ qua ở Việt Nam. Trong đó có xóa đói giảm nghèo, quá trình phát triển công nghiệp thành quốc gia xuất khẩu; có những bước đi quan trọng cho tương lai sản xuất của Việt Nam. Và như Ngài Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, chúng ta cần có các bước quan trọng để thực hiện vì thế giới thay đổi rất nhanh với công nghệ, phương tiện mới mà chưa từng tồn tại 20 năm trước đây. Việt Nam tỏ ra rất quan tâm với WEF ASEAN trong 3 ngày qua và mong muốn là nước phát triển nhanh. Nếu hai bên có một văn bản như vậy và tại thì sao không thúc đẩy?!. Những ngày qua chúng ta đã thảo luận nhiều về hợp tác giữa Việt Nam và WEF trong đó có trung tâm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy tại sao không có tại Việt Nam? Đó cũng có thể là bước tiếp theo của hợp tác hai bên.
Trong khi đó, Bà Ginny Foote, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Bays Global quan tâm đến Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mong muốn Hoa Kỳ cũng tham gia Hiệp định này.Bà đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Bà Amcham:Tôi rất quan tâm đến Hiệp định CPTPP. Chúc mừng Việt Nam và các nước thành viên khác đã phê chuẩn thành công Hiệp định. Tôi muốn đặt câu hỏi với Ngài Thủ tướng, Việt Nam hy vọng gì về việc thực hiện cũng như mức độ thành công của CPTPP sau khi tiến trình phê chuẩn?
Thủ tướng: Hiệp định CPTPP ký được và thực thi được tốt sẽ giúp cho sự phát triển của các nước thực thi hiệp định. Đầu tiên là đóng góp vào tăng trưởng bởi vì chúng ta mở ra không gian mới của sự phát triển cho 11 nước. Chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm, mặt hàng, nhiều loại dịch vụ mà nhiều nước yêu cầu, cho nên tăng trưởng được tăng lên, việc làm được quan tâm giải quyết tốt hơn. Việc thứ hai chúng ta đạt được là xuất khẩu sẽ tăng thêm, trong đó có nhiều thị trường mới, thậm chí những thị trường thương mại tự do đã có thì nhiều loại dịch vụ sản phẩm cũng được mở ra để tăng cường xuất khẩu tốt hơn. Và tác dụng thứ ba là thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước. Do nhu cầu của sự phát triển, nhiều nước trong hiệp định sẽ đầu tư vào Việt Nam. Những nước đã ký trước đó cũng yên tâm hơn vì có hiệp định lớn. Theo chương trình nghị sự, kỳ họp Quốc hội tháng 10 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã trực tiếp trả lời một số câu hỏi khác, trong đó, các nội chính là về xây dựng Chính phủ điện tử, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; cơ hội hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế và Việt Nam, các vấn đề về sự hỗ trợ của WEF đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.../.