TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG PHÍA BẮC

Sản phẩm hàng hóa của Nghệ An, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp rất đa dạng, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng, đủ điều kiện để lưu thông ra thị trường. Hiện đã có 71 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và trên 200 sản phẩm OCOPđược UBND tỉnh công nhận. Một số sản phẩm trong số này đảm bảo về mặt quy mô sản xuất, sản lượng cung ứng để vào các chuỗi phân phối hàng hóa trong nước như nước mắm chế biến, lạc sen, sản phẩm chế biến từ sen, trà dược liệu Pù Mát, trà xanh, cam Vinh, sản phẩm thủy, hải sản…

Tuy nhiên, đến nay số lượng các sản phẩm hàng hóa của Nghệ Anđược các nhà phân phối lớn trong nước đưa vào tiêu thụ, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng còn rất hạn chế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm Nghệ An tiếp cận thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Sở Công Thương vừa tổ chức cuộc làm việc với các nhà phân phối hàng hóa tại thành phố Hà Nội, gồm: Trung tâm thương mại BigC Thăng Long, Lotte Mart, MM Mega Market Thăng Long, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên.

image_7526071_22122021.jpegVụ thị trường trong nước Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Nghệ An làm việc kết nối tiêu thụ sản phẩm tại siêu thị MM Mega Market. Ảnh: TH

Tham gia giới thiệu sản phẩm lần này có cam Nghĩa Đàn (HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5), cam Xã Đoài (Trang trại cam Thiên Sơn), tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong, bột đậu nành, bột ngũ cốc, bột sắn dây (HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình An), chè xanh Thanh Chương (HTX NN và chế biến chè Thanh Đức); trà (túi lọc, hòa tan, cao) từ giảo cổ lam, cà gai leo, dây thìa canh (Công ty CP Dược liệu Pù Mát);…

Thông qua các buổi làm việc, các đơn vị phân phối đã tiếp cận các sản phẩm tỉnh Nghệ An và cử bộ phận phụ trách nghiên cứu thị trường tiếp cận, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và cách thức để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối. Ông Trịnh Xuân Giáo – Chủ trang trại cam Thiên Sơn, một trong những cơ sở có sản phẩm tham gia giới thiệu lần này cho biết: Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã được hệ thống phân phối chia sẻ về những yêu cầu mẫu mã, bao bì, chất lượng, cách thức, quy trình để đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại. Hiện nay, cam Xã Đoài của trang trại Thiên Sơn đảm bảo tiêu chuẩn Global đã được vào hệ thống các siêu thị nhưng qua các cuộc làm việc như vậy là dịp để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xem lại quản lý chất lượng sản phẩm từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm chấn chỉnh, tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường của mình.
Giới thiệu sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Nghệ An sản xuất tới hệ thống phân phối tại Hà Nội. Ảnh: TH

Vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý chất lượng sản phẩm, qua các cuộc tìm kiếm thị trường như vậy, các cơ sở sản xuất tự nhận thấy để phát triển bền vững thì buộc phải nghiên cứu, tự thay đổi. Riêng sản phẩm cam Thiên Sơn của trang trại chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global, được các siêu thị như BigC Thăng Long, Lotte Mart, MM Mega Market Thăng Long đưa vào hệ thống tiêu thụ.

Ông Trịnh Xuân Giáo – Chủ trang trại cam Thiên Sơn

Hiện nay, ngoài nâng cao chất lượng, các cơ sở, doanh nghiệp của Nghệ An đã quan tâm đầu tư nhiều hơn đến mẫu mã hàng hóa. Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Quy cách đóng gói được cải tiến đẹp hơn, bắt mắt hơn; bao bì, nhãn mác hàng hóa được đầu tư theo đúng các quy chuẩn; phương thức bảo quản sản phẩm, bảo hộ thương hiệu sản phẩm và các thủ tục giấy tờ liên quan đến chất lượng cũng đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh quan tâm hơn. Qua kết nối giao thương đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nắm bắt các xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Trước đó, để hàng hóa của Nghệ An tiếp cận với thị trường rộng lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ngày diễn ra ngày 2/12, Sở Công Thương cũng nhanh chóng thông báo tình hình, cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ...

HIỆU QUẢ TỪ KẾT NỐI, TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG

Dịch Covid-19 kéo dài đã gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa; nhiều chợ, doanh nghiệp, cửa hàng buộc phải dừng hoạt động. Hàng hóa lưu thông khó khăn kể cả nội tỉnh, dẫn đến sức mua thấp, thị trường xuất khẩu khó khăn. Có những thời điểm, nhiều nông sản thu hoạch rộ mùa với sản lượng lớn, nhưng sức mua chỉ tập trung vào một số nhóm hàng cần thiết cho sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày, còn lại các nhóm hàng khác tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm nông sản của Nghệ An đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: TH

Trước thực tế đó, một năm qua, Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong tỉnh, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng tới một số địa phương trong cả nước. Thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố, thị xã nắm bắt khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để triển khai các giải pháp hỗ trợ.

Nhờ đó, thời điểm thực hiện Chỉ thị 16+, một số địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã được tháo gỡ như thành phố Vinh (rau, củ, quả, trứng gia cầm, thịt gia súc, gia cầm), huyện Con Cuông (đã tiêu thụ hết sản phẩm chè nguyên liệu), huyện Quỳnh Lưu (sản phẩm rau, củ, quả các loại đã có đầu mối thu mua ổn định), huyện Nam Đàn, Nghi Lộc (sản phẩm rau, củ, quả được tiêu thụ ổn định, các thương lái đã quay trở lại tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho các chợ dân sinh tại một số địa phương lân cận), huyện Hưng Nguyên đã tiêu thụ được khoảng 400 tấn chanh.

Sản phẩm dược liệu của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Thu Huyền

Sở Công Thương cũng hỗ trợ, giới thiệu, kết nối các sản phẩm nông nghiệp đến các đầu mối thu mua hàng hóa để cung cấp trực tiếp vào địa bàn thành phố Vinh. Ban hành các văn bản gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa để phối hợp triển khai. Tổ chức làm việc với các hệ thống phân phối hàng hóa lớn như BigC, MM Mega Market, Wincomerce, Bibi green để kết nối, tiêu thụ trong hệ thống...

Nhiều cuộc làm việc đã được Sở Công Thương triển khai hiệu quả như: Tổ chức làm việc tại một số địa phương ven biển để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản tươi sống, đông lạnh, sau đó, kịp thời phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, các hệ thống phân phối như Wincomerce, Lotte, MM Mega Market tháo gỡ, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm thủy, hải sản. Hỗ trợ, kết nối để Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce (hệ thống Winmart+) tổ chức hội thảo tìm hiểu cơ hội và hợp tác tại thành phố Vinh.

Vào thời điểm này, cam Vinh đang bước vào mùa thu hoạch, việc tổ chức chương trình livestream trực tiếp tại vườn giúp quảng bá hình ảnh cam Vinh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ảnh: TĐ

Các nhà cung ứng hàng hóa, các siêu thị, chuỗi bán sản phẩm nông sản trên địa bàn đã kết nối, tiêu thụ ổn định một số mặt hàng, cụ thể: rau, củ, quả các loại khoảng 83 tấn/ngày (trong đó khoảng 50-60 tấn cung cấp cho các tỉnh, thành khác); sản phẩm thủy, hải sản khoảng 7 tấn/ngày; sản phẩm thịt, trứng các loại khoảng 6 tấn/ngày. Nguồn sản phẩm nông nghiệp chủ yếu được lấy từ TP Vinh, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, TX Cửa Lò.

Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh thực hiện Chương trình làm việc với Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce tại tỉnh Nghệ An để kết nối, tiêu thụ sản phẩm Cam Vinh và các sản phẩm hàng hóa khác của tỉnh. Tại buổi làm việc, hệ thống Wincommerce đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất cam, lạc sen, sản phẩm từ sen, thủy, hải sản, sản phẩm dược liệu, rau sạch... Phía lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và lãnh đạo hệ thống Wincommerce thể hiện quan điểm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm Nghệ An vào các hệ thống phân phối hàng hóa trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp, nhà phân phối khảo sát lựa chọn các sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chí đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Ảnh: Thanh Phúc

Phát huy những kết quả khả quan trong việc kết nối cung - cầu, ông Phạm Văn Hóa cho biết, các chương trình này sẽ được Sở Công Thương tiếp tục duy trì, cải tiến và không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức để ngày càng hỗ trợ DN, HTX hiệu quả hơn. Ngoài hình thức truyền thống sẽ chú trọng sang trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm qua các trang thương mại điện tử lớn của Việt Nam như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada. 

Chúng tôi cũng định hướng doanh nghiệp chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO; qua đó, triển khai một số dự án chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm bền vững.

 Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương