Đối tượng được quan tâm hàng đầu
Trước làn sóng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trẻ em là đối tượng đáng quan tâm nhất khi có hàng ngàn em nhỏ phải theo cha mẹ về quê với bao gian nan trên đường hồi hương. Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 12/2021, toàn tỉnh đã đón 7.109 em trở về quê cùng bố mẹ. 228 em bị nhiễm Covid-19. Đến ngày 26/11/2021 đã có 1.978 em nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức. Các ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện hết sức để mỗi trẻ em được tiếp nhận những phần thức ăn, nước, sữa và sự chăm sóc y tế trên mỗi chặng dừng chân.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố Vinh và các thị xã xây dựng các cơ sở cách ly tập trung tại địa phương để đón công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về. Triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhanh chóng phối hợp cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung và sử dụng ngân sách hoặc các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, tuyên truyền các bậc bố mẹ, người thân của trẻ hướng dẫn con em mình chấp hành đúng các biện pháp phòng chống Covid-19, bảo đảm quyền trẻ em trong bối cảnh phòng chống dịch. Ngành Giáo dục đã có sự khâu nối, hỗ trợ các em có đủ điều kiện, sức khỏe đi học trở lại tại các cơ sở giáo dục ở địa phương. Những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân nắm bắt thông tin và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, trong đó có nguồn vận động từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhiều trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh bị gián đoạn học tập. Nhiều địa phương liên tục phải cho trẻ học trực tuyến, tuy nhiên nhiều trẻ em ở vùng khó khăn chưa có thiết bị và mạng internet; nhiều em chưa có không gian học tập tại gia đình đáp ứng cho việc học trực tuyến. Một số trẻ em khó khăn trong việc học trực tuyến khi không có bố mẹ, người thân kèm cặp, giúp đỡ.
Để giải quyết các vấn đề trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, xây dựng kế hoạch dạy học sát với thực tiễn. Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học như: Trực tiếp, trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger…, để hoàn thành chương trình.
Đồng thời, nhiều tổ chức chính trị và các nhà trường cùng phối hợp để rà soát đến tận từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, trong đó phân loại học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng khác… từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các địa phương và ngành Giáo dục cũng rà soát tận các điểm trường, từng gia đình học sinh không có điện, không tiếp cận được sóng truyền hình, mạng internet báo cáo UBND tỉnh; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để nâng cấp dịch vụ, cải tiến giải pháp kỹ thuật, nâng cao tốc độ truyền tải dữ liệu của đường truyền.
Để khắc phục ngay việc thiếu sóng và máy tính, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, các địa phương kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ thiết bị học trực tuyến theo chương trình “sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động. Xây dựng “Thư viện thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn” lưu giữ các loại thiết bị điện tử được quyên góp, ủng hộ phân bổ cho các cơ sở giáo dục, học sinh mượn. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên đến tận từng nhà học sinh để hướng dẫn cài đặt, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, cho mượn thiết bị. Các giáo viên mầm non, giáo viên nghỉ hưu cùng thay phiên hỗ trợ trực tiếp cho học sinh lớp 1 trong thời gian học trực tuyến…
Đến ngày 15/12/2021, tỉnh Nghệ An có 1.483 trẻ em là F0 và 9.024 trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung, có những em không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày, căng thẳng tâm lý, và những áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tăng lên, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tốt việc huy động nguồn lực hỗ trợ các em. Đồng thời, triển khai thực hiện hỗ trợ kịp thời số trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Nghị quyết 68 /NQ-CP ngày 01/7/2021. Hỗ trợ trẻ em con sản phụ bị nhiễm Covid-19; trẻ em mồ côi do ảnh hưởng Covid-19, gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH ngày 08/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.
Những hành động thiết thực
Để tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 488/KH-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 14/1/2021 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 1/4/2021 về phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 tỉnh Nghệ An.
Thông qua công tác triển khai các văn bản về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, 100% các vụ việc vi phạm liên quan đến trẻ em được phát hiện xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, tạo niềm tin, cảm giác an toàn, được bảo vệ, chia sẻ cho trẻ em và gia đình có trẻ em bị xâm hại. Ban Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán; quản lý tốt các hoạt động của các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát huy Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111). Chỉ đạo triển khai xây dựng 15 loại mô hình điểm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Số vụ, số bị can xâm hại, mua bán trẻ em năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020.
Trong năm 2021, công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước đã được tỉnh tích cực chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, được sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác trẻ em; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 625/KH-UBND về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Nghệ An và nhiều văn bản để chỉ đạo và 2 cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống tại nạn thương tích trẻ em; tổ chức 2 lễ phát động trực tuyến: Tháng hành động vì trẻ em và ký cam kết "Mùa hè an toàn cho trẻ em", “ Phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em năm 2021”.
Công tác truyền thông, tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước trẻ em được các huyện, thành, thị tăng cường thực hiện. Nhiều địa phương đã thường xuyên tiến hành rà soát các điểm tiểm ẩn nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; kêu gọi nhân dân đóng góp, cải tạo, vệ sinh môi trường tại các bãi tắm tự nhiên, khe, đập nước; hỗ trợ trẻ học bơi và mở các lớp tập bơi miễn phí cho các em khi điều kiện chống dịch được đảm bảo.
Để bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh ban hành “Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”. Và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19; chăm sóc trẻ em con phụ sản bị Covid-19 và trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 và có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều hình thức vận động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn địa phương hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, năm 2021 với nhiều biến động và nhiều khó khăn trên tất cả các mặt đời sống của xã hội, nhưng tỉnh Nghệ An đã luôn ưu tiên công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đặt lên hàng đầu. Mọi trẻ em được đảm bảo thực hiện quyền cơ bản của mình và “không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.