- Cùng chia sẻ nỗi đau
Sáng 17.12, khi sương mù còn bao phủ núi rừng, có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi chứng kiến hàng trăm công nhân thức trắng đêm, đang quần mình với núi đá ngổn ngang để khoan, dò tìm nạn nhân xấu số. Lực lượng công binh đang vận chuyển mìn lên đỉnh núi để cho nổ các tảng đá lớn.
Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân Công ty Sông Đà 2, mặt mày bơ phờ sau một đêm mất ngủ kể lại: Khoảng 2 giờ sáng, cao độ 400 sạt nặng xuống gây ra một tiếng động lớn, bụi đỏ phủ khắp công trường. trong lúc chúng tôi đang khoan đá tìm kiếm thì núi đất đá vẫn tiếp tục lở xuống, rất may là anh em đã cảnh giác nên không ai bị thương. Hiện tại, mỏm núi phía sau có một vết nứt rộng khoảng 3m, dài hàng trăm mét có xu hướng nghiêng về hiện trường, nên rất nguy hiểm cho lực lượng cứu nạn.
Tất bật với công tác chỉ đạo việc tìm kiếm cứu cứu nạn, ông Đào Duy Tân- Trưởng Ban quản lý Thuỷ điện tranh thủ cho chúng tôi biết: Ngay trong đêm qua, lực lượng cứu hộ đã tìm và đưa được 3 thi thể ra khỏi hiện trường. Nạn nhân Phạm Văn Thích mặc dù phát hiện ngay từ chập tối, nhưng mãi tới 2 giờ sáng mới đưa ra được. Ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức lễ truy điệu và đưa 3 thi hài về quê. Hiện lực lượng cứu hộ đã huy động lên công trường hàng trăm công nhân và bộ đội, công an cùng 6 máy xúc và 400 kg thuốc nổ để hỗ trợ công việc tìm kiếm. Tuy nhiên, công việc hiện đang gặp khó khăn do lượng đất đá sụt xuống quá nhiều, lên đến hơn nửa triệu m3, có nơi bị vùi lấp tới 50-60m, với những khối đá lên đến hàng trăm tấn. Trong khi đó mặt bằng lại chật hẹp, nguy cơ sụt lún vẫn còn xẩy ra và dự kiến công việc tìm kiếm có thể kéo dài hàng tháng. Ông Tân cho biết thêm, trong cuộc giao ban sáng nay, quan điểm Ban chỉ đạo đưa ra là tìm mọi giải pháp tối ưu nhất, an toàn nhất để đảm bảo cứu hộ, cứu nạn. Mục tiêu cao nhất là bằng mọi giá phải lấy được thi thể anh em, còn giữ được mỏ thì tốt, nếu không vẫn phải chấp nhận mất mỏ. Được biết, hôm nay, lực lượng công binh tiếp tục ốp mìn, dùng máy xúc thông lối để đưa máy khoan lên cao. Đồng thời, đang tiến hành đo đạc lại toàn bộ hiện trường để xác định khối lượng đất đá, lập kế hoạch chi tiết công việc trước mắt.
Nạn nhân thứ tư được tìm thấy là anh Lê Công Tú- sinh năm 1986, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam- công nhân của Công ty Sông Đà 2. Do nạn nhân bị khối đá lớn đè lên nên rất khó nhận dạng, song nhờ chiếc điện thoại di động đang hoạt động nên đã xác định đúng danh tính. Ông cho biết thêm, trường hợp của nạn nhân Trịnh Bá Kỷ (SN 1957), quê Hà Tây, khi tìm thấy nhờ bộ tóc mới được cắt trước ngày bị nạn 2 hôm. Ông Lê Công Danh, bố của Lê Công Tú thẫn thờ trong nước mắt: "Mới hôm trước cháu còn điện thoại về cho bố dặn: ít hôm nữa nhận được lương con gửi tiền về cho bố mẹ mà xây cái nhà tắm, ai ngờ!". Một người thân của gia đình anh Tú cho biết, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Tú là con út, mới học xong ngành Trắc địa, hệ Trung cấp là anh được vào Cty Sông Đà 2 làm việc hơn 1 năm nay. Tú là con sinh đôi và là em út của gia đình. Bố mẹ là nông dân nghèo, anh Tuấn (song sinh với Tú) phải vào tận miền Nam kiếm việc. Mệ Tú tuổi đời tuy chưa cao nhưng sức khoẻ ốm yếu hàng chục năm nay, còn ông Lê Công Danh (bố Tú) mới 54 tuổi, nhưng do vất vả nên trông như một ông lão. Được biết, ngay buổi trưa định mệnh (hôm 15.12), nghe tin con trai út bị tai nạn, ông Danh đã bắt xe từ Hà Nam vào thẳng Tương Dương. Suốt 3 ngày qua ông không chợp mắt chút nào vì sốt ruột và thương con...
Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Đỗ Hồng Quân đã tới hiện trường vụ tai nạn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khẩn trương tiến hành công tác cứu hộ.
Tính đến chiều ngày 17.12, một số tổ chức trong nước đã tổ chức ủng hộ với tổng số tiền gần 100 triệu đồng (điển hình như: Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Hội chữ thập đỏ, Liên đoàn Lao động Nghệ An...).
Đến thời điểm bài viết này lên mạng, lực lượng cứu hộ ở Bản Vẽ đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 8. Hiện nay đang xác định danh tính.
Bài, ảnh: Mạnh Hùng - Trần Hải