(Baonghean.vn). Ông Lương Văn Nghiệp (bản Thái Sơn xã Môn Sơn) và bà Vi Thị Lan (bản Tờ xã Yên Khê, huyện Con Cuông) được bà con quen gọi là " nghệ nhân của những khúc hát đồng dao" bởi họ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, giữ gìn, bảo vệ và truyền lại cho con cháu khúc hát đồng dao của dân tộc mình.
Từ bao đời nay khúc hát đồng dao là một trong những nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc Thái. Khúc hát đồng dao dạy con trẻ biết yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên cây cỏ. Nhưng ngày nay, những khúc hát đồng dao gần như đi vào quên lãng. Với mong muốn khôi phục lại nét đẹp văn hoá truyền thống của cha ông những người như ông Nghiệp, bà Lan tìm mọi cách truyền dạy các khúc hát đồng dao cho con cháu.
Ông Nghiệp tâm sự: " Đây là việc làm không hề đơn giản. Để dạy cho trẻ yêu thích và học các khúc hát đồng dao các nghệ nhân phải vận động ông bà, bố mẹ tranh thủ cùng con trẻ đến câu lạc bộ nghe các nghệ nhân hát và tập hát cho con trẻ và phải lựa chọn những bài hát dân gian truyền miệng với ngôn ngữ đồng dao gần gũi đời thường, ngắn gọn, súc tích, câu cú mạch lạc, để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ..."
Câu lạc bộ dân ca Thái bản Cằng là một hình thức giáo dục đầy hiệu quả mà mà các nghệ nhân nơi đây đã dày công truyền dạy và gìn giữ. Mỗi đêm trăng sáng bọn trẻ lại cùng nhau nô đùa nhảy múa dưới trăng hát vang những khúc hát đồng dao quen thuộc.
Bà Vi Thị Lan tâm sự: "Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Người lớn dường như cũng đã quên, không còn ai nhớ và hát đồng dao. Thật buồn vì người ta loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xóa chúng khỏi ký ức của người lớn. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp hơn, trong sáng hơn.Tôi cố gắng truyền dạy cho con cháu cũng vì lẽ đó...''
Hát đồng dao thuộc kho tàng văn hóa dân gian, có nội dung lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Trở về với đồng dao, là tìm về tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Hiện nay các câu lạc bộ dân ca Thái ở huyện miền núi Con Cuông đang từng bước khôi phục những bài hát đồng dao cũng như sưu tầm, sáng tác mới các bài hát loại hình này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi còn rất hiếm những người già nhớ thuộc khúc đồng dao lời cổ, phần đa trẻ em đồng bào dân tộc Thái lại không nói được tiếng nói của dân tộc mình... Để giữ gìn và khôi phục bản sắc văn hoá dân tộc trong đó có khúc hát đồng dao, huyện Con Cuông đã mở lớp dạy chữ và hệ tiếng Thái Lai tay.
Các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm hơn nữa đến việc khôi phục và lưu truyền khúc hát đồng dao cho con trẻ. Tin rằng, với sự tâm huyết của những người như ông Nghiệp, bà Lan và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, một ngày không xa nữa, những bài hát đồng dao của trẻ em tại các bản làng người Thái huyện Con Cuông lại vang lên!