(Baonghean.vn). Xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) hiện có 14 bản đồng bào tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Những năm qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương cuộc sống của đồng bào đã dần đi vào ổn định. Quê mới, phong tục tập quán mới khiến bà con đối diện với không ít khó khăn nhất là việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa....
Đã gần 3 năm về sinh sống ở quê mới xã Ngọc Lâm ( Thanh Chương) nhưng bà con tái định cư ở bản Kim Hồng chưa năm nào tổ chức Tục mừng lúa mới, mừng sắn mới. Đây là tục mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái muốn dạy cho con cháu biết quý trọng hạt cơm, củ sắn bởi nó là thứ nuôi sống con người và là thành quả của mồ hôi công sức cha ông.
Lễ cúng mừng lúa mới không cầu kỳ như những tục lệ khác nhưng là lễ quan trọng nhất trong năm vì nó báo hiệu sự ấm no đã đến và một năm cũ lao động nặng nhọc đã qua. "Chúng tôi làm lễ này để tạ ơn thần trời và tổ tiên ông bà phù hộ sang năm lúa tốt, hạt mẩy, để cho mường bản không còn đói nghèo. Cũng từ đây theo hạt lúa từ nương về còn có cả bí xanh, khoai sọ, gừng tươi. Những cây phụ này đã thành nguồn thu nhập chính của nhiều nhà để có tiền mua sắm trong sinh hoạt hàng ngày. Từ khi về bản mới, không đi nương rẫy cũng chẳng có ruộng nước để làm, thế nên phong tục chẳng duy trì được nữa", ông Vi Văn Tình (bản Kim Hồng) tiếc nuối.
Đến bản Kim Hồng, bản Tả Xiêng, bản Noọng hay bản Mà, hiếm hoi mới thấy vài ba khung dệt thổ cẩm của chị em được đặt ở trong nhà. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng và dư dả thì bán trao đổi hàng hoá. Giờ đây vì lo mưu sinh, theo chồng trở về quê cũ tăng gia sản xuất, phụ nữ Thái không còn say sưa với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm. Họ đã dần bỏ sắc phục truyền thống và quen với cách ăn mặc thông thường, bởi thế nghề dệt thổ cẩm cũng dần bị mai một bởi " có bán cũng chẳng mấy người mua"
"Phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi giờ cũng khác rồi, dần theo người miền xuôi cả. Nhà nào có cưới hỏi, cũng thuê rạp cưới rồi dựng lên, rước dâu vào ban ngày chứ không phải ban đêm như phong tục cổ truyền nữa", bà Ngân Thị Duyên- người dân bản Nọong chia sẻ. Giờ đây, để nghe điệu khắp, suối, nhuôn hay đánh trống chiêng, chơi ném còn vào các ngày lễ, tết cũng thật hiếm hoi.
"Nhân dân khu tái định cư Thanh Chương có nguy cơ lãng quên văn hoá truyền thống dân tộc mình là khá rõ, nếu các cấp chính quyền không có những biện pháp tích cực, sự quan tâm kịp thời, và người dân không có ý thức khôi phục, gìn giữ thì bản sắc văn hoá sẽ bị mai một dần", ông Lô Văn Tân- trưởng bản Mà ( xã Ngọc Lâm) lo lắng bày tỏ. Còn theo Trưởng bản Chương Xuân Tần - (bản Kim Hồng), nguyên nhân của sự lãng quên này là thiếu sân chơi, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, sản xuất thay đổi. Bản thân họ đang lo gánh nặng mưu sinh nên không còn mặn mà với các hoạt động bảo tồn văn hoá.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái ở khu tái định cư, các cấp chính quyền cần khảo sát, nghiên cứu và lập đề án gìn giữ, bảo tồn bằng những chính sách cụ thể, có sự ưu tiên đặc biệt. Song song đó, chính quyền địa phương cùng với Ban quản lý dự án Thuỷ điện II nhanh chóng bố trí đất sản xuất cho bà con, bởi "an cư rồi mới lạc nghiệp"./.