(Baonghean) - Vậy là lời hứa của Cao Ngọc Thái - cậu học sinh nghèo của lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh - Nghệ An) 3 tháng trước đã thành hiện thực với tấm Huy chương Vàng Olympic thứ 6 mang về cho tỉnh Nghệ An. Để rồi, sáng ngày 23/7, thêm một lần nữa, niềm vui, niềm tự hào lại ùa về với giáo viên, học sinh Trường Phan, ngôi trường vinh dự 3 lần có học sinh được lọt vào tốp 10 học sinh có thành tích cao nhất tại kỳ thi Olympic quốc tế và 5 lần đứng đầu thành tích của đoàn học sinh Việt Nam…
11giờ 30 phút, chuyên cơ của Hãng hàng không Vietnam Airlines mới về Vinh nhưng từ khoảng 10 giờ sáng, đoàn lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và gia đình hai bên nội ngoại của học sinh Cao Ngọc Thái đã tề tựu đầy đủ ở sân bay. Niềm háo hức được thể hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười của tất cả mọi người và phút cuối đã chực vỡ òa khi Thái - chủ nhân của Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế cùng thầy giáo Trần Văn Nga và bố mẹ của Thái từ máy bay bước xuống. Trong niềm sung sướng vô bờ bến đó, chúng tôi cũng đã thấy được cả những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào của bà, của chú, của thầy cô giáo cũ của Thái từ Diễn Châu vào. Ngay cả những hành khách đi cùng chuyến bay với Thái cũng thấy vinh dự và cảm phục khi thêm một lần nữa họ được chứng kiến một cậu học trò xứ Nghệ làm nên thành tích lớn. Và quả thật, đã 6 lần học sinh xứ Nghệ giành Huy chương Vàng ở các cuộc thi Olympic quốc tế rồi, nhưng chưa lần nào kết quả lại nổi bật như năm nay. Thái là thí sinh có điểm số cao nhất từ trước đến nay với tổng số 38,9 điểm, đứng thứ 3 trong tổng số 383 thí sinh tham dự, vượt điểm ngưỡng Huy chương Vàng là 11,7 điểm. Tấm băng rôn với các dòng chữ “Nhiệt liệt chúc mừng chàng trai vàng Cao Ngọc Thái - giành 2 Huy chương Vàng quốc tế môn Vật lý”, “Cao Ngọc Thái - Vinh quang nối tiếp vinh quang” đã thay lời chào mừng của bạn học, của các em học sinh, của thầy cô giáo dành cho Thái khi em trở lại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Cảm giác như một ngày hội lớn đã được tổ chức để đón Thái về trong rực rỡ của cờ hoa, bóng bay và trong hàng trăm nụ cười. Người vui nhất, có lẽ còn có bà ngoại Vương Thị Kha của Thái, bởi từ khi lên 6 đến khi học hết cấp II, Thái ở cùng với bà, do bà trực tiếp chăm bẵm, dạy dỗ. Bà cũng không nghĩ rằng, ngày 16 tuổi, chỉ một câu nói vu vơ “con phải thi vào trường Phan thôi, trường có cao thì thầy cô giáo mới giỏi” vậy mà đứa cháu của bà lại làm nên kỳ tích. Ôm cháu trong vòng tay, hạnh phúc vô bờ, bà chẳng thốt nên lời, chỉ nghẹn ngào nói: “Thái ơi, bà mong cháu biết chừng nào!”.
Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm nay được tổ chức tại Trường Đại học Nazabayer, ngôi trường đại học lớn nhất nằm ở thủ đô Astana của Kazacstan. Với 84 nước và vùng lãnh thổ tham dự, đây là một trong những kỳ thi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, gần 400 người. Đồng thời, đây cũng là một trong những kỳ thi khó nhất bởi so với nhiều năm trước, đề được các nước đánh giá khó và dài hơn nhiều, đặc biệt là phần thí nghiệm về “khảo sát hiện tượng phân cực đối với ánh sáng”. Bản thân Thái trước khi đến với cuộc thi này, em được đặc cách vòng loại bởi đã đoạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á. Nhưng đó cũng là một áp lực, một thử thách không nhỏ, khi Thái phải đối diện với nhiều đối thủ nặng ký khác đến từ các nước giàu truyền thống về bộ môn Vật lý như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Ngược lại với điều đó, thầy giáo Trần Văn Nga, giáo viên chủ nhiệm của Thái và là người trực tiếp bồi dưỡng Thái suốt ba năm qua lại rất tin tưởng. Điều thầy lo lắng nhất là thời tiết quá khắc nghiệt, nhiệt độ có khi xuống dưới 15 độ C và thức ăn không hợp khẩu vị. Thế nhưng, trái với nỗi băn khoăn trên, đêm bế mạc cuộc thi, thầy và các thành viên trong đoàn đã không dấu được sự bất ngờ khi Thái là thí sinh thứ 3 được xứng tên đoạt Huy chương Vàng với một số điểm rất thuyết phục. Kết quả này, cũng đã đưa đoàn Việt Nam lần đầu tiên được vào tốp 10 nước có kết quả cao nhất tại cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế.
Thành tích của Thái đạt được còn là một nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ từ một cậu bé trường làng đến một cậu học sinh “vừa vừa” của lớp chuyên Lý, rồi trở thành cậu học sinh hai lần đứng đầu ở cuộc thi Vật lý quốc gia rồi Olympic châu Á - Thái Bình Dương, Olympic Vật lý quốc tế. Tuy vậy, để có kết quả cuối cùng này, con đường của Thái không hẳn lúc nào cũng thuận lợi. Còn nhớ, sau thất bại của kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2013, đã có nhiều lần Thái hoang mang về bản thân mình. Nhưng rồi, sau khi rà lại các kiến thức đã học và rút kinh nghiệm trong kỹ năng làm bài, kỹ năng trình bày và cách làm bài Thái đã dần lấy lại được tự tin cho mình. Theo dõi quá trình trưởng thành trong suốt ba năm học của Thái, thầy giáo Trần Văn Nga cũng thấy cảm phục trước sự nỗ lực của cậu học sinh con nhà nông, luôn muốn vươn lên trong học tập để thoát cảnh vất vả, đói nghèo. Thầy kể rằng, gần hai năm theo đội tuyển, bao giờ Thái cũng rơi vào trạng thái thiếu ngủ. Vậy mà dù rét căm căm, dù đã phải học bài rất khuya nhưng sáng nào thầy cũng thấy Thái dậy rất sớm chăm chỉ làm bài, chưa một lần kêu ca. Hay có những lúc, thầy biết là mình khắt khe khi không cho Thái sử dụng điện thoại, không muốn Thái dành nhiều thời gian cho giải trí nhưng chưa một lần nào Thái phản đối lại ý kiến của thầy. Hay từ ra Tết đến nay Thái phải tập trung đội tuyển ở Hà Nội, xa nhà, xa gia đình và phải vào một guồng quay rất căng thẳng nhưng Thái bao giờ cũng vui vẻ, lạc quan, trở thành điểm tựa cho cả đội tuyển. Nhìn vào các thành viên trong đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam cũng thấy, trong 5 thành viên, Thái là người nhỏ con nhất. Nhưng ẩn đằng sau hình dáng đó là một nghị lực phi thường, một quyết tâm sắt đá mà ai cũng hết sức khâm phục. Quan trọng hơn là Thái đã biết vượt qua áp lực của bản thân để chiến thắng chính mình.
Lần thứ 3 trong năm nay về Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và một lần nữa chứng kiến thành tích xuất sắc vượt bậc của cậu học trò nghèo xứ Nghệ, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ lòng cảm ơn trước những nỗ lực của học sinh Cao Ngọc Thái và thầy giáo Trần Văn Nga đã mang vinh quang về cho tổ quốc, cho tỉnh nhà và cho mái trường Phan Bội Châu giàu truyền thống. Thành tích này cũng một lần nữa khẳng định độ chắc chắn về độ bền vững và ổn định của bộ môn Vật lý của trường mà minh chứng rõ ràng nhất là từ năm 2007 đến nay học sinh của trường đã 6 lần đạt Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực; 3 lần học sinh Trường Phan Bội Châu được lọt vào tốp 10 học sinh có thành tích cao nhất tại kỳ thi Olympic và 5 lần đứng đầu thành tích của đoàn học sinh Việt Nam… Đó cũng là kết quả của một quá trình khổ luyện và phấn đấu, quá trình chung sức chung lòng của tập thể lãnh đạo và giáo viên nhà trường cũng như sự quan tâm của tỉnh nhà đối với sự học và việc học của con em xứ Nghệ.
“Vinh quang nối tiếp vinh quang, niềm vui nối tiếp niềm vui”. Có lẽ lời chào mừng của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nói hết mọi cảm xúc của lễ đón học sinh và giáo viên Trường Phan Bội Châu đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế trở về. Điều đó, cũng ngụ ý rằng, thành tích mà Cao Ngọc Thái và thầy giáo Trần Văn Nga cùng tập thể nhà trường có được trong ngày hôm nay không phải có được trong ngày một ngày hai mà đã được bồi đắp, xây dựng và khổ luyện qua bao nhiêu thế hệ thầy và trò. Để từ đây, từ mái trường này đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò “vàng” cho đất nước từ lứa học trò đầu tiên như Đinh Văn Dũng, Đoàn An Hải, Phan Huy Tú đến lớp đàn em kế cận như Nguyễn Cảnh Hào, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Tất Nghĩa và gần đây nhất là Cao Ngọc Thái, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Phương Trang.
Hơn nửa thập kỷ đã trôi qua, lớp lớp học trò Trường Phan đã được truyền lửa, được thắp sáng từ tấm lòng và tâm huyết của nhiều thế hệ giáo viên của nhà trường. Riêng với học trò còn tình cảm nào nồng ấm hơn, còn niềm tin nào sắt đá hơn khi biết rằng dù ở đâu, dù còn ngồi trên ghế nhà trường, dù còn nhỏ dại hay đã trưởng thành, dù thành công hay thất bại thì vẫn được thầy cô vun đắp, che chở. Điều đó, cũng chính là lời gửi gắm chân thành mà chủ nhân của Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2014 đã chia sẻ trong ngày hội ngộ ở trường: Khi cây mạ vươn lên thì hạt lúa mầm ngày càng tan vào đất nhưng hai vỏ trấu thì vẫn luôn giữ ấm cây mạ đó…
Mỹ Hà - Đào Tuấn