(Baonghean) - Theo mục tiêu phân luồng của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ AN đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh đối với đối tượng này.
Học hết lớp 9 ở Trường THCS Hồng Sơn TP. Vinh, dù học lực yếu và đã được nhà trường định hướng không dự thi vào lớp 10 mà theo học nghề nhưng em Nghiêm Văn Quý vẫn được gia đình tìm cách cho học ở một trường THPT ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Anh Nghiêm Văn Phú – bố của Quý cho biết: “Trước đây, tôi đã thiệt thòi là không được học hết cấp 3, nên dù học lực của con yếu nhưng tôi vẫn quyết tâm không để cháu phải gián đoạn việc học hành. Nhà trường vận động cháu không thi vào lớp 10 mà chuyển sang học nghề. Nhưng tôi nghĩ ở tuổi cháu, học nghề không phù hợp và gia đình muốn cho cháu tiếp tục học lên ở một trường dân lập nào đó để ít nhất có được bằng tốt nghiệp cấp 3”.
Suy nghĩ của gia đình em Quý cũng là suy nghĩ chung của nhiều bậc phụ huynh có con tốt nghiệp THCS, học lực yếu nhưng không muốn học nghề. Vì vậy, đến nay công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tìm đến các trường dạy nghề còn thấp. Theo số liệu từ Phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo), năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 40.462 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 32.817 em dự thi vào THPT công lập. Như vậy, còn lại hơn 7.600 em có thể lựa chọn vào học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 9 trường trung cấp nghề, trong đó có 4 trường trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, 5 trường thuộc UBND các huyện, thành, thị, mỗi trường tuyển sinh từ 300 – 350 học sinh thuộc đối tượng tốt nghiệp THCS. Đó là chưa kể một số trường cao đẳng nghề cũng tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo thông tin từ phía các trường, công tác tuyển sinh đối với các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.
Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An là 1 trong 9 trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Năm học 2013 – 2014, trong số 346 học sinh của nhà trường, số học sinh tốt nghiệp THCS là hơn 230 em, chiếm khoảng 2/3. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phượng – Hiệu trưởng nhà trường thì việc tuyển sinh thuộc đối tượng này đang gặp khó. Để chuẩn bị tuyển sinh năm học mới, từ cuối năm học 2013 – 2014, chúng tôi đã mở hội nghị tuyển sinh, mời tất cả hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn tỉnh đến dự để tạo sự kết nối, phối hợp. Nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có hơn 100 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào học ở trường và chúng tôi đang lo năm nay sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu”.
Còn tại trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An đóng tại Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), ông Nguyễn Văn Tài – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường chúng tôi có nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp nghề cho học sinh ở địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, TX. Thái Hòa và TX. Hoàng Mai. Những năm qua, bên cạnh công tác đào tạo nghề, trường cũng thực hiện rất tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp như Lilama 7, Lilama 18, Xí nghiệp may Việt – Đức. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đạt hơn 90%. Tuy nhiên, nhà trường lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Năm học 2013 – 2014, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 450 em, trong đó, đối tượng tốt nghiệp THCS là 350 em. Tuy vậy, chỉ có 196 em đăng ký vào học. Năm học này, trường chỉ đặt chỉ tiêu đối với đối tượng này là 230 em nhưng đến thời điểm này chỉ có gần 100 em đăng ký vào học”.
Nguyên nhân khiến việc học sinh tốt nghiệp THCS chưa mặn mà với việc học nghề, theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với học nghề còn hạn chế. Nhiều học sinh và gia đình không lượng được lực học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn nặng chạy theo bằng cấp và vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Trong khi đó, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống trường nghề, trường trung cấp ở tỉnh hiện nay chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Cả tỉnh có 9 trường trung cấp nghề, nhưng ngành nghề đào tạo lại na ná nhau, chủ yếu các môn như: điện, hàn, công nghệ ô tô, may thời trang, kế toán doanh nghiệp... Các trường nghề chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động, liên thông CĐ, ĐH… Mặt khác, thị trường lao động hiện nay khắt khe với người lao động có trình độ thấp; nhiều nhà tuyển dụng lao động vẫn đang coi trọng bằng cấp, rất hiếm nơi tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Trước thực tế đó, rất khó lòng thuyết phục và hướng nghiệp cho học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề.
Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Châu Loan – Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Đối với những em học lực yếu, không có khả năng thi đậu vào các trường THPT thì việc học nghề ngay sau khi hoàn thành chương trình THCS là lựa chọn ưu việt. Nếu học THPT xong rồi học nghề, các em phải mất 5 năm để có bằng tốt nghiệp THPT và bằng TCCN. Còn nếu sau THCS, các em học thẳng vào trường nghề thì khoảng 2 năm các em vừa có bằng tốt nghiệp TCCN vừa có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các em được giảm 50% học phí học nghề trong thời gian 3 năm kể từ sau khi tốt nghiệp THCS. Sau khi học xong trung cấp nghề, học sinh có nhiều hướng để lựa chọn: hoặc đi làm nghề để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, thậm chí làm giàu; hoặc có thể thi thẳng vào một trường CĐ, ĐH chính quy nào đó. Do đó, để các em học sinh và các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn về vấn đề này, các trường THCS cần phải tăng cường hơn nữa công tác hướng nghiệp ngay từ giữa cấp. Các trường trung cấp nghề cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc để tạo thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong học văn hoá; đồng thời chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc học nghề; tăng cường công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở sản xuất tại địa phương để đào tạo nghề theo nhu cầu địa chỉ, bảo đảm cơ hội việc làm cho học sinh”.
Năm 2010, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành Công văn số 670/SGDĐT-GDCN về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Công văn chỉ rõ nhiệm vụ của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là khẩn trương xây dựng chương trình, hoàn thiện việc biên soạn giáo trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cho đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp. Đối với các phòng GD&ĐT, thành lập ban chỉ đạo công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; giao hiệu trưởng các trường THCS tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh cuối cấp THCS về hướng nghiệp, phân luồng sau THCS… |
Minh Quân