(Baonghean) - Năm 2014, bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu đầu tư đóng mới nhiều tàu cá công suất lớn, vươn ngư trường xa, tăng năng suất khai thác hải sản, làm nên những “mùa biển” thắng lợi...
Trời vừa tảng sáng, mặt biển vẫn còn âm u trong màn sương dày đặc, từng đoàn tàu nối đuôi nhau cập bến Lạch Quèn đầy ắp những khoang cá, mực. Tàu cá công suất 700 CV có nước sơn còn mới tinh của chủ tàu Chu Văn Nhật (Quỳnh Nghĩa) dần tiến sát vào bến. Trên boong tàu, 12 gương mặt thành viên tươi cười rạng rỡ trong tiếng chào gọi của những người thân đón đợi chồng, con trở về sau chuyến ra khơi. Cá trỏng, cá đốm, mực, ruốc… chứa đầy lấp lánh trong các khoang thuyền được khẩn trương chuyển lên bờ, các chị, các mẹ khẩn trương cân đong nhập cho thương lái thu mua ngay tại bến. Mỗi thành viên thu về những đồng tiền có đôi tờ vương dính vảy cá. Đó là lộc biển sau những đêm dài thức trắng đánh cá.
Con tàu của anh Nhật vừa đầu tư đóng mới trong năm nay với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng do 10 người cùng góp vốn, tính đến thời điểm này đã đưa vào khai thác được 5 tháng. Từ ngày có tàu mới công suất lớn, khai thác hiệu quả hơn hẳn, anh em đi trên tàu cũng yên tâm hơn nơi đầu sóng ngọn gió. Hai chuyến biển gần đây nhất, đội của anh liên tục đánh bắt, thu hoạch được khoảng 60 tấn cá, chủ yếu là cá đốm và cá trỏng, bán ngay tại bến thu về hơn 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên tham gia chuyến biển được nhận 17 - 18 triệu đồng/người. Ai ai cũng phấn khởi, cho dù cuộc sống mưu sinh bám biển vốn nhiều sóng gió…
Neo đậu bên cạnh là tàu cá 600 CV của anh Chu Văn Tài (xóm 5 – Quỳnh Nghĩa) cũng thắng lớn trong chuyến biển vừa qua, sau 6 ngày khai thác trên biển, thu về 30 tấn cá, bán ngay tại bến cho thương lái được 330 triệu đồng. Và rất nhiều các tàu cá khác của ngư dân xã Tiến Thuỷ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải… đều bội thu trong những chuyến biển gần đây, bà con làng biển ngày càng no ấm, yên vui, nhiều lao động có thêm việc làm từ khâu dịch vụ, hậu cần nghề cá…
Xã Tiến Thuỷ là địa phương có truyền thống nghề khai thác biển từ lâu đời, bao thế hệ kế nghiệp ông cha, lớn lên bám biển, sống dựa vào biển. Hiện nay, toàn xã có 319 chiếc tàu cá, với tổng công suất 79.203CV, trong đó 104 chiếc có công suất từ 400CV - 1.126CV. Riêng trong năm 2014, ngư dân trong xã đầu tư 133 tỷ đồng để đóng mới 29 tàu cá, mỗi tàu có công suất từ 300CV - trên 1.000CV. Đến thời điểm này, tổng sản lượng khai thác của xã Tiến Thuỷ đạt 19.119 tấn hải sản các loại, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thuỷ cho biết: Đảng uỷ, chính quyền xã xác định nghề cá là mũi nhọn kinh tế của địa phương, do đó chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nghề để tăng hiệu quả khai thác.
Trước đây ngư dân thường đi nghề dạ, nghề vó mành khai thác vùng lộng ven bờ hiệu quả thấp. Khi chuyển sang nghề lưới vây, lưới chụp 4 sào khai thác ở vùng khơi, cho hiệu quả cao vượt trội, ngư dân có điều kiện tái đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Từ năm 2008 đến nay, địa phương liên tục đóng mới tàu cá công suất lớn dần thay thế các loại tàu nhỏ, bình quân mỗi năm đóng mới 20 - 30 tàu cá có công suất từ 300CV trở lên. Để hiện đại hoá đội tàu khai thác xa bờ, năm nay ngư dân Tiến Thuỷ còn mua sắm thêm 21 máy dò ngang, mỗi chiếc gần 300 triệu đồng. Thu nhập từ nghề biển, tính bình quân mỗi lao động đạt từ 60 – 65 triệu đồng/người/năm.
Nghề khai thác biển phát triển, kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của ngành khai thác hải sản. Các cơ sở thường xuyên cung cấp ngư lưới cụ, đá lạnh, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ tàu thuyền. Các cơ sở thu mua, cấp đông, sấy khô phục vụ nội địa và xuất khẩu. Trên địa bàn xã hiện có 14 ốt xăng dầu, 28 cơ sở sản xuất đá lạnh, 10 xe vận tải, 40 xe đông lạnh, 3 kho bảo ôn, 13 cơ sở thu gom buôn bán hải sản, 6 xưởng cơ khí, điện phục vụ nghề cá… Dịch vụ hậu cần nghề cá đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghề cá phát triển, đảm bảo cơ sở vật chất cho tàu thuyền bám biển khai thác hiệu quả, sản phẩm thu mua, chế biến đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Xã Quỳnh Nghĩa cũng là địa phương có truyền thống nghề biển lâu đời, ngư dân cần cù bám biển để sinh tồn và làm chủ biển đảo quê hương. Hiện nay Quỳnh Nghĩa có 167 chiếc tàu cá, trong đó 120 chiếc có công suất từ 90CV – 1.020CV. Thu hút gần 1.500 lao động nghề biển và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng khai thác năm 2014 của toàn xã ước đạt 14.700 tấn. Mặc dù địa phương phát triển kinh tế đa dạng ngành nghề, nhưng nghề biển chiếm tỷ trọng trên 55% trong cơ cấu kinh tế. Do vậy, chính quyền cũng như người dân nơi đây chú trọng đầu tư cho nghề biển. Trong năm 2014, ngư dân Quỳnh Nghĩa đầu tư đóng mới 36 tàu cá, công suất từ 400CV trở lên để bổ sung thêm đội tàu lớn hiện đại vươn khơi bám biển dài ngày.
Năm 2014, tổng sản lượng khai thác hải sản của toàn huyện Quỳnh Lưu ước đạt 43.500 tấn, giá trị hơn 971 tỷ đồng, tăng gần 143% so với năm 2013. Trong đó sản lượng cá 37.231 tấn, mực 4.438 tấn, tôm 343 tấn… Hiện tổng tàu thuyền trên địa bàn huyện có 1.264 chiếc, riêng năm 2014, đóng mới 95 tàu cá công suất từ 250CV – trên 1.000CV. Sở dĩ sản lượng khai thác tăng so với kế hoạch đề ra là nhờ người dân đóng thêm nhiều tàu to máy lớn vươn khơi dài ngày, chuyển đổi nghề, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác như máy dò ngang đã nâng được hiệu quả khai thác. Việc trang bị, lắp đặt các thiết bị hàng hải trong khai thác xa bờ là bước phát triển mới trong nghề. Sản lượng khai thác tăng cao, giúp ngư dân yên tâm bám biển và tăng thời gian khai thác trong năm.
Nhờ cần cù bám biển, bà con ngư dân ở Quỳnh Lưu đã có một năm thắng lợi về nghề biển, cuộc sống của ngư dân ngày càng ổn định, khấm khá hơn, gắn bó thủy chung hơn với biển.
Quỳnh Lan