(Baonghean) - “Thu hút đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng việc triển khai sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư vẫn chậm. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp” - đó là nội dung chính trong phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XVI. Có 6 lượt ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư và cơ bản được giải trình rõ. 
 
images1100889_c_ng_h_ng_kh_ng_vinh_dang_du_c_d_u_tu_n_ng_c_p___nh_ho_ng_vinh.jpgCảng Hàng không Vinh đang được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Hoàng Vĩnh
 
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Độ giải trình: Việc triển khai các thủ tục đầu tư tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là khâu triển khai mất nhiều thời gian, vướng mắc nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án triển khai chậm sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT). Hiện nay, với 10 nhóm thủ tục, tổng thời gian thực hiện theo quy định là từ 129 - 225 ngày làm việc (khoảng 5,8 - 10,2 tháng không bao gồm thời gian bồi thường, hỗ trợ và tái định cư); 309 - 405 ngày làm việc (từ 14,1 tháng đến 18,4 tháng bao gồm cả thời gian bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, riêng thủ tục bồi thường, GPMB theo quy định mất thời gian khoảng 6 tháng). Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục trên tại các cơ quan có khi còn kéo dài hơn so với quy định.
 
Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính quá lâu là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dự án triển khai chậm. Trong đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm tiến độ dự án như hiện nay. Việc thực hiện “mặt bằng sạch” rất ít dự án được thực hiện. Theo kết quả kiểm tra các dự án chậm tiến độ và không triển khai trên địa bàn tỉnh của các đoàn kiểm tra liên ngành từ năm 2011 đến nay, số lượng các dự án chậm triển khai do vướng công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ và tái định cư chiếm trên 90%. Đặc biệt, có những dự án do vướng thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ kéo dài hàng năm (Trung tâm thương mại BMC Vinh Plaza, cải tạo Khu A, B Chung cư Quang Trung, Tổ hợp chợ Hiếu (Thái Hòa), Khu đô thị Olecco Diễn Kỷ, Dự án khu đô thị mới Cửa Tiền - Vinh Tân, Khu dân cư tại xã Nghi Phú, Khu dân cư đô thị mới Nam Thị trấn Đô Lương,...).
 
Trước hết, thủ tục GPMB là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án do tính chất rộng lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng loạt và dứt điểm. Trong một số trường hợp không xử lý khéo dễ xảy tình trạng bất bình của chính quyền, người dân khu vực dự án dẫn đến tình trạng dự án “treo”, đình trệ, chậm tiến độ; trong đó chủ yếu do chủ đầu tư và người có đất không thỏa thuận được giá đền bù (người dân yêu cầu tính giá đất đền bù “sát giá thị trường” tại thời điểm giao đất. Nhiều chủ đầu tư phải thỏa thuận nhiều lần với người có đất để thống nhất giá nhưng chi phí đền bù chỉ được khấu trừ theo giá đền bù của Nhà nước,..). 
 
Đại sứ CHLB Nga tại Việt Nam thăm Nhà máy bia Hà Nội (KCN Nam Cấm). Ảnh: Sỹ Minh
 
Nguyên nhân thứ hai, theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư là các dự án đầu tư của nhà đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy chữa cháy, chưa kể đến các luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan. Việc chịu sự điều chỉnh của quá nhiều các văn bản pháp luật cũng khiến cho các thủ tục đầu tư theo đó mà phức tạp, rườm rà và mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai dự án. 
 
Nguyên nhân thứ ba, đó là việc thẩm định các dự án đầu tư có tính khả thi, sàng lọc các nhà đầu tư có năng lực còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc thẩm định xác định năng lực của các nhà đầu tư rất khó mặc dù về mặt hồ sơ, thủ tục đáp ứng yêu cầu và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; do việc thẩm tra năng lực tài chính và điều kiện thực hiện dự án còn chủ yếu căn cứ vào hồ sơ, tài liệu do nhà đầu tư cung cấp về mặt giấy tờ mà thiếu sự kiểm nghiệm, thẩm tra, xác minh trên thực tế. Vì vậy, chất lượng thẩm tra có lúc khó sát đúng với năng lực thực tế của nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư nước ngoài, phải phối hợp với Công an tỉnh xác minh tư cách pháp nhân cũng như năng lực của nhà đầu tư để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trên địa bàn chủ yếu đến từ ngoại tỉnh và nước ngoài nên việc nắm bắt thông tin cũng như xác minh năng lực tài chính của các nhà đầu tư này trước khi tham mưu UBND tỉnh cấp GCNĐT còn gặp khó khăn. 
 
Thi công Nhà máy gỗ ván MDF (Nghĩa Đàn). Ảnh: S.M
 
Nguyên nhân thứ tư, là xuất phát từ việc thiếu quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư và di dời tái định cư. Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Độ cũng nêu trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và các giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì tham mưu và giải quyết các vấn đề phát sinh vướng mắc của 2/10 nhóm thủ tục nói trên, bao gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp GCNĐT. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án sau cấp GCNĐT chậm một phần có trách nhiệm của Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc thẩm tra năng lực và điều kiện thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhiều ngành khác như Sở Xây dựng,  Sở Tài nguyên & Môi trường, các huyện, nhà đầu tư đều có những trách nhiệm theo quy định. 
 
Về giải pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp chung là triển khai thực hiện các nội dung giải pháp trong Đề án “Tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020” đã được BTV Tỉnh ủy phê duyệt. 
 
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, đại biểu Hoàng  Xuân Trường (huyện Yên Thành) đặt câu hỏi: Theo phản ánh của các nhà đầu tư và cử tri tỉnh nhà thì trong quá trình thực hiện các dự án, thủ tục hành chính còn rườm rà, sự phối hợp giữa các cơ quan còn cứng nhắc, chưa  thực sự quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh; giải pháp cho thực trạng này thế nào? Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Độ cho biết: Tỉnh và các cơ quan không được phát sinh thêm thủ tục mà có thể trong quá trình thực thi còn có hạn chế chỗ này, chỗ kia, còn 10 bước thủ tục là theo quy định của luật. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cử những người đủ năng lực để giải quyết tại đầu mối. Khía cạnh khác, hoạt động một cửa liên thông chưa hiệu quả và UBND tỉnh đang khắc phục thực trạng này. Tại một cửa liên thông đều có camera theo dõi, tuy nhiên, giao việc từ lãnh đạo đến bộ phận một cửa chưa  sát. Quá trình giao ban của bộ phận này chưa thường xuyên, công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. 
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tấn (huyện Nghi Lộc) là cần làm rõ việc qua kiểm tra 76 dự án thì chỉ có 5% dự án triển khai, 20% dự án đang được đề nghị thu hồi, vậy những dự án khác thì thế nào? Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết:  76 dự án này là toàn bộ dự án qua rà soát nhiều lần thấy chậm nên mới thanh tra chứ không phải là ngẫu nhiên. Các dự này hầu hết đầu tư theo phong trào. Ngoài các dự án này thì các dự án còn lại đang được tháo gỡ khó khăn…
 
Thi công cầu vượt Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam tại Quán Bánh (TP. Vinh). Ảnh S.M
 
Cũng là câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tấn: “Lĩnh vực nào có nhiều sai phạm trong quá trình kiểm tra các dự án? Việc thu hút đầu tư chậm sau cấp phép phải chăng là nguyên nhân khiến tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong nhiệm kỳ qua đạt thấp?” - Trả lời của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết lĩnh vực nhiều sai phạm trong quá trình kiểm tra các dự án là tình trạng vi phạm quy hoạch. Đối với việc thu hút đầu tư chậm sau cấp phép thì hiện nay các dự án khu đô thị chiếm cơ cấu cao với trên 70%, tỉnh đang điều chỉnh lại cơ cấu; công nghiệp xây dựng mấy năm gần đây giảm mạnh là do đầu tư công giảm và do suy thoái  kinh tế chứ không phải do các dự án đầu tư chậm triển khai; những sản phẩm công nghiệp chính của nhiệm kỳ như xi măng, bia cũng không đạt kế hoạch.
 
Tuy nhiên, câu trả lời này chưa làm hài lòng đại biểu chất vấn nên đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy năng lực, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước như thế nào khi thẩm định nhà đầu tư liên quan đến những khó khăn trong GPMB cho dự án? Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư trả lời: Chỉ trong 2 - 3 ngày thẩm định hồ sơ thủ tục thì không thẩm định được năng lực nhà đầu tư có tính tới các yếu tố khó khăn chưa lường được. Hơn nữa, trách nhiệm tiến hành GPMB là thuộc cơ quan khác chứ không phải cơ quan cấp phép đầu tư. Về câu hỏi: Siêu thị Nguyễn Kim khởi công gần 3 tháng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện thi công? Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết:  Thủ tục cấp đất đang được xử lý bởi đang tiến hành đền bù cho nhà đầu tư trước đây.  
 
Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) nêu 2 câu hỏi với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư: Giải pháp triển khai cho 2 dự án  Đại học Vinh giai đoạn 2, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò?; Giải pháp nào nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh? Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư trả lời: Hiện nay tỉnh đang có sự rà soát 2 dự án nêu trên, riêng Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò tỉnh đang trình Trung ương hỗ trợ nguồn vốn vì ngân sách tỉnh không đáp ứng được. Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, chỉ số này thấp thường không thuận lợi cho thu hút đầu tư, nhưng năm nay với kết quả thu hút đầu tư của tỉnh cho thấy không hẳn là chỉ số này hoàn toàn chính xác. Sở Kế hoạch & Đầu tư vừa tham mưu cho tỉnh ban hành đề án về chương trình hành động để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sự đồng thuận trong tiếng nói của doanh nghiệp, của nhân dân với chính quyền các cấp là điều quan trọng để có môi trường đầu tư tốt.
 
Về câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tấn về nội dung Báo Nghệ An nêu (trong mục “Trao đổi” ngày 10/12 ở trang 1) là cần có giải pháp căn cơ để khắc phục “bệnh mãn tính” trong nhiều thực trạng, trong đó có thu hút đầu tư chậm sau cấp phép, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận là báo nêu đúng. 
 
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đô Lương) chất vấn: Theo Báo cáo về tình hình KT- XH của UBND tỉnh thì việc thu hút các dự án vào khu kinh tế và các  khu công nghiệp còn quá ít, chỉ có 11 dự án. Mới đây Quyết định 76/2014  của Thủ tướng Chính phủ mở rộng thêm Khu kinh tế Đông Nam, phải chăng các ngành chưa quảng bá, thu hút vào. Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Hiện nay tỉnh có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp nhỏ, trong đó 32 cụm công nghiệp nhỏ  đã lấp đầy. KKT Đông Nam đang thu hút Dự án VSIP 6. Đây là nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và khi vào sẽ là nhà đầu tư có ý nghĩa tạo bước đột phá cho tỉnh. Khi vào họ sẽ kéo theo các nhà đầu tư của họ vào đây.
 
Đại biểu Trương Văn Hiền (huyện Yên Thành) nêu ý kiến: Nên chăng Sở Kế hoạch & Đầu tư cần tham mưu cho tỉnh giảm bớt các thủ tục đầu tư, vì thực hiện hết 10 bước là quá lâu. Các doanh nghiệp có thể bỏ chi phí để Trung tâm Xúc tiến đầu tư làm giúp thủ tục. Sở Kế hoạch & Đầu tư nên chọn phân loại các dự án đầu tư và thủ tục cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao cần ưu tiên về thủ tục đầu tư. Vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận chưa làm được, nhưng thời gian tới Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ xem xét và thực hiện ý kiến của đại biểu bởi đó là một giải pháp tốt.  
 
Như vậy, đã có 6 lượt ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các câu hỏi được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời hết trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XVI. Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn kết luận: phần chất vấn Sở Kế hoạch & Đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu của đại biểu, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Do thời gian qua nhiều dự án triển khai chậm nên cử tri còn nhiều băn khoăn. Sau khi nêu lên những giải pháp để thu hút đầu tư hiệu quả, Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh, các ngành cần quyết liệt thu hồi các dự án chây ỳ, không triển khai, gây ảnh hưởng không tốt đối với  môi trường đầu tư của tỉnh, tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính có hiệu quả thuyết phục.
 
Châu Lan