(Baonghean) - Sau mấy năm đình trệ vì khó tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của huyện Quỳ Hợp đang có những tín hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp tích cực đưa dây chuyền vào sản xuất đáp ứng những đơn hàng mới. 
 
Sau hơn 3 tháng tạm nghỉ, những ngày này, xưởng luyện thiếc của Công ty CP Chế biến khoáng sản An Vinh (Quỳ Hợp) lại rộn ràng tiếng máy móc hoạt động. Công nhân đang khẩn trương bốc xếp thiếc thành phẩm cho chuyến hàng chuẩn bị xuất. Anh Trần Văn Dũng, công nhân của xưởng tâm sự: “Vừa qua, đầu ra khó khăn phải tạm thời nghỉ việc, nay được đi làm lại tôi rất phấn khởi vì mình sẽ có thu nhập ổn định để trang trải sinh hoạt gia đình…”. Công ty CP Chế biến khoáng sản An Vinh thuộc cụm công nghiệp Châu Quang với tổng mức đầu tư nhà máy chế biến tinh luyện thiếc trên 30 tỷ đồng, có công suất chế biến 520 tấn thiếc tinh luyện/năm.
 
Ông Nguyễn Văn Thăng - Giám đốc Công ty An Vinh cho biết: “Lý do công ty phải dừng sản xuất là do thiếc rớt giá, cụ thể trong năm 2014 giảm từ 20.380 USD/tấn xuống chỉ còn 17.600 USD/tấn. Những tháng vừa qua giá thiếc đang có chiều hướng tăng nhẹ, vì vậy chúng tôi đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này, Công ty đã sản xuất được gần 200 tấn thiếc tinh luyện, dự định nếu giá cả ổn định sẽ đạt 280-300 tấn, tạo việc làm ổn định cho trên 70 lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng”. 
 
images1100913_thiec.jpgSản phẩm thiếc lõi tại Công ty CP chế biến khoáng sản An Vinh (Qùy Hợp).
 
Còn với lĩnh vực chế biến đá trắng, nếu như những năm 2012 - 2013, nhiều doanh nghiệp chế biến đá trắng ở Quỳ Hợp phải chịu cảnh thua lỗ, tồn kho thì hiện nay đang có dấu hiệu phục hồi. Tại HTX chế biến đá Thành Trung ở cụm Công nghiệp Thọ Hợp đang hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Cao Chung - Chủ nhiệm HTX  chia sẻ: “Mấy năm nay chế biến đá gặp nhiều khó khăn do đầu ra không ổn định, thị trường xuất khẩu các nước hầu như “đóng băng”. Để vực dậy, HTX chúng tôi đã tự nỗ lực đi tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nội địa. Đến nay chủ yếu xuất bán ở thị trường các tỉnh phía bắc và TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm chủ yếu là các loại đá ốp lát, đá chẻ. Tính từ đầu năm đến nay HTX đã bán được trên 2.500m2 đá các loại, dự tính đến hết năm 2014 sẽ bán được trên 3.500m2”.
 
Theo ông Chung có những giai đoạn, nhiều doanh nghiệp đá phải phá sản thì HTX Thành Trung vẫn duy trì hoạt động, tạo việc làm cho trên 20 lao động là một nỗ lực lớn. “Bí quyết” để HTX Thành Trung vẫn hoạt động đều đặn là do HTX đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để cải tiến công nghệ chế biến sâu; mua sắm các trang thiết bị hiện đại như máy cưa tự động, máy đánh bóng, máy mài để đáp ứng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm mà khách hàng yêu cầu. Bên cạnh đó, một số đơn vị đang nỗ lực đầu tư công nghệ hiện đại “chế biến sâu” tìm được các đơn đặt hàng xuất khẩu đi các nước như Công ty CP đá và khoáng sản Phủ Quỳ, Công ty TNHH Toàn Thắng …
 
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp đã bán được 10.530 tấn bột đá siêu mịn, 1.520 tấn thiếc thỏi, 2.207.000m2 đá ốp lát. Ông Kim Thành Xuyên - Phó phòng Công thương Quỳ Hợp cho biết thêm: Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến khoảng sản trên địa bàn Quỳ Hợp trong năm 2014 tăng khoảng 6% so với năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các doanh nghiệp đã tự tìm được đầu ra cho sản phẩm; bột đá siêu mịn và đá ốp lát chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa; thiếc lõi đã đưa lên sàn giao dịch kim loại màu Luân Đôn. Tuy nhiên, sản phẩm đá chưa xuất bán được nhiều, nguyên nhân là thời gian qua chúng ta chủ yếu xuất khẩu sang các nước Trung đông, nhưng tình hình các nước trung đông lại bất ổn về chính trị, cho nên các mặt hàng đá bị đình trệ, không xuất được, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp đang khá nhiều. Chưa kể là Nhà nước cấm  xuất khẩu sản phẩm thô…
 
Quỳ Hợp có trên 158 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản ở 3 cụm công nghiệp: Châu Quang, Thung Khuộc, Châu Hồng và 3 cụm công nghiệp đang được quy hoạch ở Thọ Hợp, Châu Lộc, Châu Tiến. Khó khăn đặt ra hiện nay là các cụm công nghiệp vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có hệ thống nước sinh hoạt cho công nhân và nguồn nước phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp đang phải lấy nước ở khe suối. Tại cụm Công nghiệp Thung Khuộc - Thị trấn Quỳ Hợp, chưa có hệ thống tiêu thoát nước, hầu hết nước thải, chất thải cứng đều được xả thải bừa bãi, thậm chí, một số doanh nghiệp còn xả thải ra tuyến đường tỉnh lộ.  
 
Ông Phan Công Sen - Trưởng phòng Công thương huyện Quỳ Hợp thừa nhận: “Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên các cụm công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp tự xây dựng cơ sở hạ tầng. Để công nghiệp chế biến khoáng sản đi vào hoạt động ổn định huyện đang tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, như đang lồng ghép các chương trình dự án đầu tư xây dựng đường vào khu công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất sớm, phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn hoạt động. Đặc biệt để ổn định hoạt động và đưa các mặt hàng khoáng sản xuất khẩu, huyện đang khuyến cáo doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ khai thác, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị của khoáng sản; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất mỏ, làm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, giảm tổn thất tài nguyên, giúp đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là những giải pháp mà Quỳ Hợp đang tập trung thực hiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn.
 
 
Văn Trường