(Baonghean) - Từ một giáo viên hợp đồng, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 800 đến hơn 1,5 triệu đồng/ tháng, giờ đây khi được tuyển dụng vào biên chế, được hưởng lương theo ngạch bậc, giáo viên mầm non có thể sống được bằng nghề và gắn bó với nghề. Việc được tuyển dụng vào biên chế như dấu mốc trong sự nghiệp của nhiều giáo viên mầm non.
So với tuổi 51,trông cô giáo Nguyễn Thị Hiên, Trường mầm non Ngọc Sơn, huyện (Thanh Chương) già hơn rất nhiều. Ở lớp mẫu giáo bé do cô phụ trách, thay vì gọi "cô" các cháu gọi là " bà". Chồng mất sớm, một mình cô phải gánh trọn hai vai vừa làm cha, vừa làm mẹ của ba con nhỏ. 4 mẹ con cô Hiên đã trải qua những năm tháng khốn khó trong ngôi nhà tuềnh toàng và xập xệ nhất xóm. Cô Nguyễn Thị Hiên chia sẻ: Cứ ngày nghỉ tôi đi bán chuối, bán chổi dưới Vinh, mới có thể nuôi nổi 3 con và trụ được với nghề cho đến ngày hôm nay.
Cô và trò Trường mầm non Trường Thi - TP.Vinh. Ảnh: S.M
Đến xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) hỏi cô giáo Phạm Thị Tình Trường mầm non xã không ai là không biết. Chỉ bởi cô không chỉ là một giáo viên dạy giỏi của Trường mầm non Nghĩa Dũng, mà còn có hoàn cảnh đặc biệt. Chồng bệnh nặng mất sớm khi con đầu mới lên 2 tuổi, con út chưa đầy 10 tháng tuổi. 1 cô giáo trẻ, lương chưa đủ nuôi bản thân mình, giờ phải nuôi mẹ già và con nhỏ. Thế nhưng cô vẫn tận tụy với nghề và vẫn huy vọng chế độ cho giáo viên mầm non sẽ được cải thiện.
Những sự chờ đợi, lòng yêu nghề mến trẻ của các cô đã được đền đáp. Ngày 7/1/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND.VX về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công theo phương án "chuyển toàn bộ các trường mầm non bán công khu vực 2 sang công lập, các trường còn lại chuyển sang công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động". Điều này có nghĩa đội ngũ giáo viên mầm non được tuyển dụng vào biên chế.
Tuy nhiên, để các cô có được niềm vui cầm trên tay tờ giấy quyết định tuyển dụng như thế là cả một nỗ lực lớn của UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò tham mưu của Sở GD-ĐT. Bởi khi chuyển đổi loại hình trường sẽ liên quan đến chế độ, trợ cấp cho đội ngũ gần 6 nghìn giáo viên của hơn 350 trường, mà nếu chỉ tính sơ qua kinh phí để trả lương biên chế cho đội ngũ đã lên đến hơn 99 tỷ đồng- trong khi kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Cô Trần Thị Hoa, Trường mầm non Công Thành - Yên Thành cho biết: "Vì yêu con trẻ mà theo nghề, nhưng từ khi xây dựng gia đình, có con, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực đối với hầu hết giáo viên mầm non... Được chuyển vào biên chế, được hưởng lương theo ngạch, bậc, nhiều chị em trở thành trụ cột, lao động chính trong gia đình. Từ giờ, chúng tôi an tâm gắn bó với nghề, cố gắng đóng góp, cống hiến cho nghề nhiều hơn nữa".
Chính nhờ quy trình tuyển dụng được xây dựng chặt chẽ, nên việc xét tuyển đảm bảo đúng yêu cầu đã đặt ra, tạo sự phấn khởi trong đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đối với những giáo viên, nhân viên chưa được vào biên chế đợt này, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương rất rõ. Đối với số giáo viên, nhân viên chưa được tuyển dụng, nếu bằng chuyên môn chưa đạt chuẩn, bằng chuyên môn không phù hợp với ngạch tuyển dụng ở trường mầm non hoặc vượt quy định định mức biên chế thì xem xét nhu cầu cụ thể của từng trường để chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ đầy đủ cho người lao động theo quy định, nếu có bằng chuyên môn đạt chuẩn trở lên và phù hợp với ngạch tuyển dụng, đã được cấp có thẩm quyền ký hợp đồng lao động và đang hưởng chế độ tiền lương theo Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 11/8/2009 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ tiền lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường mầm non bán công, UBND huyện, thành phố, thị xã xem xét, tiếp tục hợp đồng làm việc nếu có nhu cầu...".
Có thể khẳng định, Quyết định 64 của UBND tỉnh về chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập là một quyết định mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên của bâc học này.