(Baonghean) - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa phối hợp với Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge ESOL) tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh.


Các thầy cô giáo cho rằng, việc khảo sát giúp họ có thêm cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức mở rộng. Tuy nhiên theo nhiều giáo viên, nếu khảo sát, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cho giáo viên thì hợp lý, còn quy ra điểm "đỗ, trượt" sẽ gây áp lực. Tuy vậy, các giáo viên không muốn tham dự khảo sát cũng không xong, vì theo chỉ đạo từ Sở GD & ĐT, giáo viên thuộc đối tượng khảo sát phải tham gia khảo sát năng lực tiếng Anh để nâng cao trình độ nhằm đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT.

773094_small_71378.jpg

Học sinh giao lưu với giáo viên trong kỳ thi Olympictiếng Anh


Việc khảo sát do Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge trực tiếp thực hiện với 5 phần: 14 phút kiểm tra khả năng nói, trả lời câu hỏi,giao tiếp; 60 phút kiểm tra khả năng đọc hiểu, sắp xếp, cấu trúc lại các thông tin chung, các bài báo, bài luận; 80 phút kiểm tra khả năng viết trong các loại bài viết như: viết luận, viết thư, viết truyện, ...; 45 phút kiểm tra kiến thức ngữ pháp tiếng Anh; 40 phút kiểm tra khả năng nghe hiểu trong từng chủ đề, từng mối quan hệ, từng tình huống, từng mục đích ....

Trước lo lắng của nhiều giáo viên, phía Sở GD-ĐT nhấn mạnh, giáo viên cần hiểu đúng, đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc khảo sát. Đây là điều cần thiết, là cơ hội tốt để mỗi giáo viên đánh giá lại trình độ, năng lực của bản thân, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt.


Sau khi kiểm tra trình độ, những giáo viên nào chưa đạt chuẩn vẫn được các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để tiếp tục giảng dạy, nhưng được bố trí thời gian đi học nâng cao trình độ và dự thi theo quy định cho tới khi được công nhận đạt chuẩn. Nếu những giáo viên thi lại theo quy định vẫn không đạt thì phải thuyên chuyển công việc khác.


Khi nhà trường nhận được kết quả thi của giáo viên, ban giám hiệu công khai kết quả và mức độ đạt của các giáo viên. Hội đồng thi sẽ có những lý giải vì sao đạt và chưa đạt, mỗi giáo viên có mật khẩu riêng để biết được thông tin đó nhằm phát huy thế mạnh cũng như bồi dưỡng thêm mặt còn yếu để khắc phục trong lần thi sau. Điều này làm cho những giáo viên chưa đạt chuẩn tự tin hơn cũng như không làm ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên.


Đợt khảo sát đầu tiên đã được thực hiện với 176 giáo viên tiếng Anh tham gia. Kết quả, 28 giáo viên đạt trình độ B2, 99 giáo viên đạt trình độ B1, 49 giáo viên chưa đạt trình độ B1 (theo chuẩn quốc tế, năng lực tiếng Anh được chia thành 6 bậc, thấp nhất là bậc 1, cao nhất là bậc 6; trình độ B1 tương đương bậc 3, trình độ B2 tương đương bậc 4). Một số đơn vị có kết quả cao hơn là: Phòng GD&ĐT Đô Lương (10 giáo viên dự khảo sát, có 6 giáo viên đạt B2, 4 giáo viên đạt B1), Phòng GD&ĐT Tân Kỳ (5 giáo viên dự khảo sát, có 3 giáo viên đạt B2 và 2 giáo viên đạt B1) Phòng GD&ĐT Nghĩa Đàn (6 giáo viên dự khảo sát, có 3 giáo viên đạt B2 và 3 giáo viên đạt B1).


Đợt khảo sát thứ 2 có 279 giáo viên tham gia. Chưa có kết quả cụ thể, nhưng theo chuyên viên của Sở GD & ĐT và đánh giá của cơ quan tổ chức khảo sát, bên cạnh một số ít giáo viên hoàn thành bài thi tốt, kỹ năng đọc của giáo viên còn hạn chế. Kỹ năng viết của giáo viên chỉ ở mức bình và khá...


Như vậy, qua khảo sát có thể thấy, năng lực của giáo viên tiếng Anh trong tỉnh chưa cao. Nói một cách khác, chất lượng giáo viên tiếng Anh chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại.Do vậy, cần sự quan tâm của ngành GD & ĐT các cấp từ tỉnh về đến cơ sở để chất lượng giáo viên tiếng Anh của Nghệ An nhanh chóng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao đối với yêu cầu giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông của tỉnh.


Thanh Lương