GS. Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911 tại xã An Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (Long An). Ông học Trường Trung học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, thời gian từ năm 1925 đến 1928. Từ 1928 đến 1930, du học tại Pháp, tháng 5-1929 gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, cộng tác với báo Cờ Đỏ của Đảng này, tham gia biểu tình ở Paris ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái, nên sau đó ông bị trục xuất về nước.

Năm 1930, Trần Văn Giàu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1931 đến 1933, học Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va (Liên Xô). Do những hoạt động yêu nước và cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt tù bảy năm tại khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài...

Đến tháng 8-1945, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, là Chủ tịch hành chính lâm thời Nam Bộ. Ra chiến khu Việt Bắc năm 1949, Trần Văn Giàu giữ chức Tổng Giám đốc Nha Thông tin, rồi giáo sư Trường dự bị đại học (1951-1954); giáo sư Sử học Trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội; giáo sư Sử học Trường ĐHTH Hà Nội; chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Sử học Việt Nam.

Sau ngày đất nước ta thống nhất (1975), GS. Trần Văn Giàu chủ yếu sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, là Chủ tịch Hội đồng khoa học xã hội của thành phố. Do có nhiều cống hiến xuất sắc, ông đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996), Huy hiệu 80 năm tuổi đảng (2010).

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng và nghiên cứu khoa học xã hội, GS. Trần Văn Giàu đã có hơn 150 công trình, với hàng vạn trang sách in ra. Các công trình đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội và nhân văn, như Triết học, Yư tưởng, Chính trị, Lịch sử, Văn hoá, Xã hội, Giáo dục, Tôn giáo...

Tâm đắc nhất và được bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm, ghi nhận hơn cả là các công trình về lịch sử Tư tưởng triết học nói chung, lịch sử tư tưởng Việt Nam nói riêng. Tính khách quan của sự kiện, tính khoa học và tính cách mạng trong đặt và nhìn nhận vấn đề, cách lý giải, cùng với văn phong sắc sảo, hùng biện, dí dỏm là những ấn tượng sâu sắc để lại cho bạn đọc nhiều thế hệ, qua nhiều trang khảo cứu của giáo sư.

Đáng chú ý là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. Trần Văn Giàu rất tâm huyết và có nhiều phát hiện khi viết về Bác. Chân dung Cụ Hồ (1985) và Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh (1993) là hai công trình chủ yếu. Chủ đề Bác Hồ với miền Nam Tổ quốc cũng được ông đặc biệt quan tâm tìm hiểu; đáng chú ý là công trình nghiên cứu Vàng trong lửa của nhiều tác giả, do hai giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên, xuất bản dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (TP. Hồ Chí Minh, 2009).

GS. Vũ Khiêu, trong bài phát biểu đề nghị những người được giới thiệu để Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đánh giá rất cao GS. Trần Văn Giàu: "Chưa có một người Việt Nam nào viết nhiều như GS. Trần Văn Giàu. Hàng chục vạn trang sách đã được xuất bản.

Những công trình đồ sộ của giáo sư chứa đựng một nội dung hết sức phong phú về trí tuệ của dân tộc và thời đại. Chỉ riêng về hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tôi thấy rất ít người có thể sánh được với GS. Trần Văn Giàu!". Còn đây, GS Sử học Phan Đại Doãn, một học trò sau hơn 40 năm theo học Thầy, nghe lời Thầy chỉ bảo, đã thấm thía nhận ra một chân dung văn hoá đặc biệt: "Thầy Trần Văn Giàu là bậc phu tử ngày nay, chói ngời về chủ nghĩa yêu nước, mẫu mực về đạo đức, sáng suốt và bác học về trí tuệ...".

Năm 2001, NXB Giáo dục cho ra mắt bạn đọc cả nước Trần Văn Giàu tuyển tập, gần 1.300 trang sách, gồm 4 phần chính: Triết học và tư tưởng; Chủ nghĩa yêu nước và cách mạng Việt Nam; Giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng cộng sản; Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính các phẩm chất cách mạng và khoa học, tư tưởng về lịch sử, chính trị, văn hoá và giáo dục cùng nhân cách sống cao đẹp, trong sáng, kiên trung ở GS. Trần Văn Giàu đã thúc đẩy nhận thức và tình cảm của cán bộ NXB Giáo dục về sự cần thiết xuất bản cuốn Tuyển tập, giúp bạn đọc các thế hệ có thể tiếp xúc phần cơ bản với kho báu tri thức của Giáo sư.

Còn nhớ, ngày 4-9-2010, tại Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), nhiều đoàn đại diện và đồng nghiệp, học trò đã đến thăm, mừng thọ GS. Trần Văn Giàu tròn 100 tuổi. Truyền hình Việt Nam trân trọng đưa tin, sức khỏe của Giáo sư đã suy yếu nhiều. Cho đến 17h, ngày 16-12-2010, Giáo sư trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. Đưa tiễn GS. Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối cùng, có 150 đoàn... Nhiều người nhắc tới sự kiện năm 2001, Giáo sư Giàu bán ngôi nhà của mình được 1.500 cây vàng, rồi biếu toàn bộ cho Hội Sử học Việt Nam làm giải thưởng tôn vinh những tác phẩm lịch sử về đề tài Nam Bộ.

Để lại niềm kính trọng và tiếc thương, đặc biệt trong giới học thuật nước nhà, với lòng yêu nước bền bỉ, trí tuệ trác việt, cùng một nhân cách mẫu mực, GS-NGND-AHLĐ Trần Văn Giàu đã và sẽ còn được nhắc tới như một tấm gương "thể hiện sự thống nhất, hoàn chỉnh giữa tính chiến đấu và tính khoa học" (Vũ Khiêu) trong một người học trò rất gần gũi với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!


Kim Hùng