(Baonghean) - Đó là anh Nguyễn Quyết Thắng- khối 8, Phường Trung Đô (TP Vinh) với bộ sưu tập khoảng hơn 300 đồ dùng của người Việt cổ với cách chế tác muôn hình muôn vẻ của buổi sơ khai khi con người chưa có tiếng nói và chữ viết….
Không nhiều, với khoảng hơn 300 đồ dùng gồm các vật dụng như đồ rìu đồng, rìu đá, giáo, cung tên, đồ trang sức (hạt mã não, khuyên tai, vòng đeo tay…) và các đồ dùng hàng ngày như thạp đất, đĩa, bát bằng đất nung có hoa văn đa dạng và phong phú về kiểu dáng đã phần nào nói lên được đời sống văn hoá cũng như tinh thần của loài người buổi sơ khai.
Không được trơn bóng, tinh xảo như đồ gốm men thời Lý Trần, những tước uống rượu, đầm xoè của người Việt cổ thời Đông Sơn lại có hình dáng hơi thô ráp, thậm chí có những hình nặn theo kiểu dị dạng nhưng nhìn vẫn rất ấn tượng và có hồn.
“Tất cả vạn vật trên thế gian này đều có hồn, nó không chỉ toát lên ở hình dáng bên ngoài mà còn ẩn chứa bên trong, nếu ta say và mê nó thì sẽ hiểu được ý nghĩa của vật ấy mà người xưa muốn gửi gắm điều gì. Đồ tôi sưu tầm được đều gắn với sinh hoạt của người lao động, những thứ đó cũng là giá trị do sức lao động của họ làm nên, làm sao không yêu quý được?”, anh Thắng chia sẻ.
Trong rất nhiều đồ dùng người Việt cổ mà anh sưu tầm được, anh lại có ấn tượng với chiếc đầm xoè được người xưa vẽ hoa văn từ hạt của một loài cây nào đó ấn vào hay lấy lưới thả cá ấn lên đồ vật tạo nên hoa văn khác lạ. Hay chỉ một công cụ đá cầm tay để đập của người Việt cổ mà anh còn lưu giữ có in hằn rõ các ngón tay đã bị bào mòn trong quá trình người xưa lao động.
Điều đặc biệt hơn, anh còn sở hữu khoảng chục con kê (dùng khi nặn các đồ dùng bằng đất không dính vào nhau) của người Việt cổ được tìm thấy trên bến sông Lở trước nhà thờ Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn), đây là loại đồ dùng rất hiếm mà nhiều bảo tàng hay người chơi đồ cổ không có được.
Với niềm yêu đam mê sưu tập những gì thuộc về quá khứ, cội nguồn của loài người, hơn 40 năm qua, anh Thắng đã cất công sưu tầm. Cứ nghe nói ở đâu ở đâu có thứ đồ dùng của người Việt cổ mới được phát hiện, đặc biệt là đồ gốm cổ, đồ đồng, đồ đá thời Đông Sơn, là anh Thắng lại hăm hở tìm đến.
Kết quả là đến nay anh là người duy nhất sở hữu bộ sưu tập đồ dùng người Việt cổ trên đất Nghệ An. Bộ sưu tập của anh chứng tỏ cái nôi của loài người không chỉ tập trung ở làng Vạc mà những di chỉ của người Việt cổ còn nằm rải rác đâu đó trên mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống văn hoá, lịch sử. Đây không những là giá trị văn hoá, giá trị lịch sử mà nó còn là minh chứng để các nhà khoa học tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử loài người.
Để giữ các mẩu gốm hay đồ dùng của người Việt cổ trong bộ sưu tập của mình không bị hư hại, anh Thắng đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trang bị tủ kính rồi mua máy hút khí ẩm.
Hiện anh đang gấp rút nâng cấp và hoàn chỉnh cả tầng 3 của căn nhà, phục dựng và sắp xếp thành một không gian, một xã hội thu nhỏ từ các đồ dùng của người Việt cổ, để đây là điểm đến của các nhà nghiên cứu văn hoá, những người sưu tầm đồ cổ và của du khách thập phương. “Yêu cổ vật ngoài niềm đam mê cũng cần trình độ, sự hiểu biết, bởi đó không chỉ là hiện vật đơn thuần mà còn là hình ảnh văn hoá của cả một thời đại. Những đồ dùng nhỏ bé, sứt mẻ bằng đất nung từ thuở sơ khai không mang giá trị cao về kinh tế nhưng lại có giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng to lớn”.
Anh Thắng tâm sự. Hiện nay trên địa bàn tỉnh số người say mê sưu tầm cổ vật và hiểu được giá trị của các đồ dùng người việt cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên điều mong mỏi lớn nhất của anh là sẽ mở được cuộc triển lãm nhỏ để nhiều người biết đến cội nguồn của người Việt, cái nôi văn hoá lâu đời của mảnh đất Nghệ An. Đồ dùng người Việt cổ tìm thấy trên đất Nghệ nhất quyết phải do người Nghệ lưu giữ và bảo tồn….