Tết trong tâm tưởng mỗi người dân Việt là những ngày đoàn viên bên nhau đón Giao thừa, cùng ăn bữa cơm tất niên mừng năm mới. Tết được nghỉ làm, du Xuân và mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, ngày Tết nhà nào cũng cố gắng mua cho được mấy cân thịt bò thịt lợn để "ngày 30 Tết thịt treo trong nhà", khi khách đến đón tiếp khách và cho con cháu cùng ăn Tết.
Đất nước đã qua bao thăng trầm biến cuộc, nhưng những phong vị Tết, những mỹ tục và cả những lo lắng khi Tết đến Xuân về thì vẫn thế. Người ta đã chả nói: "Tết đến sau lưng, con nít thì mừng, người lớn thì lo đó sao?"
Mỗi năm thêm một tuổi, dường như ai cũng trở nên suy tư hơn.
Tết những năm gần đây sao đến sớm hơn thường lệ? Hơn một tháng nữa mới Tết mà không khí sắm Tết đã rục rịch ở các siêu thị, các chợ. Các bác, các dì về hưu, cầm tiền lương hưu ít ỏi ra chợ hoa mắt, chóng mặt trước "bão giá", đành tằn tiện bữa cơm thường nhật để lo sắm tết trước "được chút nào hay chút ấy". Nào thay bộ cốc chén đã sứt mẻ, mua chục bát mới mời khách, mua lọ hoa thờ, mua trước ít bánh kẹo, mứt gừng, mua cho mẹ ở quê chiếc áo len, cho cháu bộ quần áo mới...Rồi mới đến 15 tháng Chạp đã lo lắng dưa hành, cà pháo, nước mắm, muối. Mới 26, 27 Tết, sợ thịt tăng giá đã vội vã mua vài cân thịt lợn, thịt bò để kho. Cái thơm của thức ăn ngày Tết vì thế tỏa ra khắp các ngõ phố nghèo, các khu nhà chung cư những ngày chưa Tết nhưng đến mồng 1, mồng 2 Tết thì đã không còn " rôm rả". Tết đến Xuân về, với người thành phố có thu nhập bình dân thì "người ta bia, mình rượu". Làm sao lo được mâm cơm tươm tất cúng tất niên, có gà luộc, giò lụa, có bát canh miến xào lòng dành cho ông bà ông vải. Và lo dành dụm ít tiền cho con cái ra năm tựu trường. Còn những gì xa xỉ ngoài siêu thị cửa hiệu kia, nào rượu ngoại, nem công, chả phượng, nào pha lê, cẩm thạch, nghê vàng, hoa đá... chỉ xem thôi.
Với những người giàu ở thành phố, Tết là những ngày đánh ô tô đi chợ khuân hàng. Thấy cái gì cũng phải mua phải sắm, từ cái thảm chùi chân, đôi dép đi trong nhà cho đến ghế bàn, tủ để giày, để rượu... Rồi bình trà, hoa cảnh, kẹo bánh, rượu bia... càng nhiều quan hệ càng mua sắm nhiều. Mà đâu chỉ lo cho mình, còn lo cho bao người trong họ, ở quê. Nhiều người tâm sự: mình có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn, dư dả hơn, thì cũng dành một phần để mua quà tết, lo Tết cho anh em họ hàng nội ngoại. Chị Ngọc ở Hà Huy Tập là một chủ doanh nghiệp cho biết: lẽ ra để cho nhanh, cho khỏe, mình biếu mỗi nhà ở quê dăm ba trăm ngàn để cùng lo Tết. Nhưng như thế sao được, mình nhọc nhằn một tí mà được tình cảm, được họ hàng. Chị tự tay mua nước mắm, mì chính, rượu, bánh trái, cả mì tôm giò lụa nữa... phân ra gói thành hàng chục bao, rồi đánh xe về tận quê biếu mỗi nhà một túi lớn, rồi nhận về mình chứa chan tình cảm của bố mẹ, họ hàng nội ngoại. Chị chia sẻ hàng chục năm qua dù bận đến mấy, chị cũng cố gắng lo Tết cho nhiều người. Tết vì thế càng ấm áp, nghĩa tình. Quê chị là vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh, vừa qua ngập chìm trong biển nước. Chị cũng đã tất tả về để cứu trợ và Tết này chỉ mong về được sớm hơn.
Ảnh minh họa
Tối mắt tối mũi là cái Tết của những người buôn bán. Trời cho người kinh doanh cái Tết cơ hội hái lộc, trăm người bán vạn người mua, "chạy hàng tôi, trôi hàng bà", hầu hết các tiểu thương đều tập trung buôn bán, có khi đến tận chiều tối 30 mới vội vàng lo sắm Tết. Hàng giò, hàng chả từ mồng Mười tháng Chạp đã nhập mỗi ngày hàng tạ thịt cất vào tủ đá để khỏi đắt, rồi thuê thêm người xay, giã gói, luộc cả đêm. Tết đến, giò chả như một nhu cầu. Giò chả biếu nhau, biếu quê, cưới hỏi khiến cho tiêu thụ rất chạy. Một cơ sở làm giò chả nhỏ ở Quán Bàu, Tết đến thuê 20 lao động, xay gói cả ngày đêm, nào nem, nào giò mỗi ngày 4 đến 5 tạ thịt. Một cái Tết như thế, cơ sở này mỗi ngày lãi hàng chục triệu đồng. Chị Huế hàng xóm tôi quanh năm bán thịt lợn, Tết đến lo thức từ hai giờ sáng để trực lấy được nhiều hàng, để bán được nhiều hơn, thịt lợn đến Tết ai cũng mua nhiều, nhà vài cân, có nhà ba bốn cân, nhờ vậy Tết chị cũng kiếm được kha khá. Nhưng năm nay chị cho biết thịt lợn giá cao ngất, người giết mổ tìm không ra lợn để mổ, chị phải ra chợ mua lại về bán. Giá thịt đã cao lại càng cao. Chị Hương cũng hàng xóm tôi quanh năm bán lòng lợn ở một chợ xép trong thành phố. Tết đến, hàng lòng của chị cũng chẳng chạy mấy bởi thiên hạ lo thịt bò, giò lụa... Đến chiều 30 Tết chị mới trở về nhà để sắm cái Tết bình dị cho gia đình. Chồng chị làm thợ xây, hai con đang đi học. Tết với gia đình chị vài cân thịt bò, vài cân thịt lợn và bánh trái cho con tiếp khách cũng đã thấy khó nhọc. Chồng chị vốn rất thích hoa đào, cứ tưởng tối 30 đào rẻ mới đi tìm, nào dè năm rồi, tối 30 chẳng còn cành nào, chỉ thấy củi khô quăng đầy hai bên đường. Với những gia đình lao động ở xóm ngoại thành, phong bì, phong bao biếu xén lẫn nhau trong dịp Tết vẫn xa lạ, trong khi thứ "văn hóa" này đã ăn sâu vào đời sống thị thành. Nhưng sự giàu có cái nhọc nhằn của nó. Mỗi nhà, mỗi người một nỗi lo, người lo cho họ hàng, người lo cho cộng sự, người lo Tết cho công nhân, lo cho tập thể, lo Tết cho người nghèo, anh bộ đội biên phòng lo bám trụ nơi biên cương Tổ quốc... Những lo lắng trăm bề đó là một thứ hương vị lẫn trong nhiều hương vị của Tết cổ truyền. Hương vị đó mệt mà ấm áp, mà hạnh phúc khi được lo toan chia sớt những khó khăn. Để ai ai cũng có Tết!
Năm nay, hai cơn lũ lịch sử liên tiếp dày vò miền Trung. Nông dân miền Trung một nắng hai sương đành nuốt nước mắt nhìn lúa ngô, tôm cá, nhà cửa cuốn trôi theo lũ. Nhiều người trắng tay, gánh thêm nợ nần khi năm hết Tết đến. Nỗi lo khi Tết đến Xuân về đó là làm sao khép kín được đồng bãi vụ xuân, làm sao đủ giống, đủ phân gieo cấy lúa. Hoa lúa là hoa Tết. Có cấy xong mới đón Xuân vui Tết được. Năm nay với nhiều bà con nông dân xứ Nghệ, khắp Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu...nơi con nước "bạc" đi qua là thiếu thốn đủ bề. Đồng bãi xám lại của rạ úa chờ vụ tới viền một màu lo lắng trải rộng khắp các thôn làng. Đàn cò trắng những mùa vụ trước đậu ngan ngát khắp Hưng Lam, Hưng Châu nay cũng chẳng thấy. Nhìn ngoài vườn, ngoài đê Lam Giang, rau cải, rau lang đã lên xanh trên phù sa nước lũ. Nhưng đó là thứ rau "con nhà nghèo", khi nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc làm được gánh ra chợ bán thì giá cũng chỉ còn tiền xu.
Xe chúng tôi chạy dọc từ Diễn Châu, Yên Thành về Nghi Lộc, những cánh đồng nơi đây im lìm trong mùa đông thấp thoáng những dáng người mò cua, bắt tép. Chị Lệ xóm 7 Nghi Thạch gạt nước mắt kể: mưa lũ làm đầm tôm trôi hết, hai sào ngô đang xanh thối rũ xuống. Cả nhà tập trung làm hai sào rau để bán. Nhưng rau lên tốt được, thì ra chợ ngồi đến trưa bán cũng chưa hết. Một gánh rau mà bán chưa đầy hai chục nghìn đồng. Nhà nào cũng mất mùa, đồng ruộng buồn thiu. Thanh niên bỏ đi Nam làm thuê. Phụ nữ tỏa lên Vinh làm nghề đồng nát. Chị cũng theo họ, nhặt nhạnh, nhưng nhiều người đi quá một ngày chẳng được bao nhiêu. Mà lên Vinh, chị thấy choáng ngợp bởi nhiều ô tô, nhiều nhà cao tầng quá. Đạp cái xe cà tàng, chiếc áo cũ sờn, đôi găng tay rách, chị như lạc lõng giữa Thành phố Vinh tấp nập, sang trọng dù Nghi Thạch đâu quá xa Vinh.
"Bây giờ hàng hóa nhiều, chẳng lo thiếu, chỉ lo thiếu tiền mua thôi"- cậu tôi ở quê nói. Mái tóc đã điểm bạc của cậu, những nếp nhăn đã bắt đầu trên trán, những khó nhọc lặn sâu vào mắt dì, mắt mự trên những gương mặt gầy gầy quen gặp ở quê... Người quê tôi cũng như nhiều miền quê khác, cả cuộc đời bình dị như cây cỏ, không bon chen vì bạc tiền, danh lợi mà vẫn nhọc nhằn áo cơm. Cậu tôi vì nuôi hai con học Đại học đã phải lên thành phố làm mộc kiếm tiền. Ngày xưa khi còn nghèo, Tết đến, làng xóm còn "đụng" lợn, nay nhà nào cũng đã có xe máy, nhưng đồng tiền tiêu hằng ngày thì "vẫn hiếm lắm".
Nhiều nhà nghèo vẫn chật vật khi sắm vài cân thịt bò cho con ăn Tết. Giá cả như bão trong khi mùa màng thất bát, đó là nỗi lo lắng của người nghèo. Trong lúc đó ở thành phố không ít người giàu lên rất nhanh. Cái giàu, cái nghèo vì thế càng cách xa.
Cơn lũ lịch sử đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn để lại âu lo và niềm thương cảm về những nếp nhà quê. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ Tết nghèo của Tú Xương: "Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo/ Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu/ Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy/ Chè sen mượn hỏi giá còn kêu/ Bánh đường sắp gói lo nồm chảy/ Giò lụa toan làm sợ nắng thiu...". Cái lo xưa khi Tết đến Xuân về của người nghèo dường như còn đâu đây.