(Baonghean) - Bắt đầu từ năm 1999, Sở VHTT đã phối hợp với Sở GDĐT và Đài PTTh Nghệ An triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học. Sau gần 15 năm thực hiện đã mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đáng lo ngại là sau một thời gian đầu được hưởng ứng tích cực, đến nay ngay cả những người trong cuộc cũng bắt đầu thờ ơ dần với chương trình…
Một chương trình thiết thực
Đã trở thành thường lệ, đầu giờ sáng thứ 2 ở Trường THCS Lê Mao (TP Vinh), sau nghi thức chào cờ là tiết mục dân ca ngân vang trong trẻo như một sự thanh lọc, giúp tâm hồn của các em học sinh và thầy cô giáo cảm thấy thoải mái hơn khi bước vào tuần học mới. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy – Tổng phụ trách Đội vui vẻ cho biết: “Từ nhiều năm nay, nhà trường duy trì hát dân ca vào lễ chào cờ đầu tuần. Đó là một trong những nội dung của chương trình “đưa dân ca vào trường học” kết hợp với “xây dựng trường học thân thiện”.
Từ khi có chủ trương của tỉnh, việc dạy và hát dân ca được Trường THCS Lê Mao chú trọng. Ngoài việc dạy các em học sinh kiến thức cơ bản về âm nhạc theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT, giáo viên âm nhạc của nhà trường luôn dành một thời lượng lớn trong giáo án giúp các em học sinh nắm rõ các kiến thức về dân ca Nghệ Tĩnh, dạy cho các em hát các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Trên cơ sở đó, nhà trường đưa ra quy định, lớp nào trực tuần thì đầu giờ sáng thứ 2 phải bố trí một tiết mục hát dân ca sau lễ chào cờ. Điều đó trở thành nề nếp hơn 10 năm nay nên đối với tất cả các em học sinh của Trường THCS Lê Mao, các làn điệu dân ca đã trở nên rất quen thuộc. Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) nhà trường đều tổ chức thi văn nghệ giữa các chi đội, các tiết mục dân ca luôn được ưu tiên và khuyến khích. Đặc biệt, vào dịp đón năm mới, nhà trường tổ chức cuộc thi “Hội thi tiếng hát dân ca mừng Đảng mừng Xuân”, vừa khích lệ phong trào hát dân ca trong học sinh, đồng thời và tuyển chọn giọng hát hay đại diện cho nhà trường tham dự Hội thi “Tiếng hát chim sơn ca” toàn thành phố.
Chứng kiến một tiết học âm nhạc của lớp 7A, Trường THCS Cửa Nam (TP Vinh), chúng tôi nhận thấy sự hào hứng của các em học sinh khi nghe cô giáo Trần Thị Hoài Thanh giảng về cái hay, cái đẹp của dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Khi cô giáo dạy âm nhạc đưa ra các câu hỏi, thế nào là ví, thế nào là dặm hay những đặc trưng của hát phường vải, hò bơi thuyền… các em đều trả lời rất rõ ràng, chính xác. Cuối tiết học, hai em Nguyễn Thị Kim Oanh và Nguyễn Thị Vân Anh còn xung phong hát hai bài dân ca Nghệ Tĩnh cho cả lớp nghe. Kim Oanh thổ lộ: “Những bài học về dân ca ở trường, ở lớp được cô giáo nói về cái hay cái đẹp của dân ca, em thấy rất hứng thú. Xem các chương trình truyền hình như Giọng hát Việt, The voice kid, Sao Mai, Đồ Rê Mí, em thấy có nhiều thí sinh hát những bài dân ca rất hay. Em thấy các bài hát dân ca rất phù hợp với lứa tuổi của chúng em, mỗi làn điệu, mỗi bài hát là một bài học làm người, rất hay và bổ ích”.
Giờ học hát dân ca ở lớp 7A Trường THCS phường Cửa Nam TP. Vinh.
Cô giáo Trần Thị Hoài Thanh cho biết: “Hiện chưa có giáo trình dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh nên tôi phải tự tìm tòi để truyền đạt lại cho học sinh. Mỗi tuần tôi phải dạy 16 tiết ở 16 lớp khác nhau, thời gian cho mỗi lớp quá ít nên không đủ để dạy được nhiều bài dân ca cho các em. Khi phát hiện thấy những em có năng khiếu âm nhạc và có thiên hướng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp thì tôi sẵn sàng tranh thủ ngoài giờ học giúp đỡ các em và dẫn các em đến gặp các nghệ sĩ có kiến thức chuyên sâu và dân ca chỉ dẫn thêm cho các em. Em Nguyễn Ngọc Trâm, thí sinh xuất sắc đang thể hiện tài năng ca hát ở sân chơi Giọng hát Việt 2013 chính là cựu học sinh của Trường THCS Cửa Nam đấy!”
Ngay từ năm 1999, sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ “Đưa dân ca vào trường học”, Sở VHTT, Sở GD&ĐT, Đài PTTH Nghệ An đã tích cực triển khai thực hiện. Sở VHTT và Sở GD&ĐT nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa các huyện, thành, thị, giáo viên dạy âm nhạc và cán bộ phụ trách Đoàn, Đội của các trường. Đồng thời xuất bản cuốn “Dân ca ba miền chọn lọc dùng trong nhà trường”, gồm 21 làn điệu dân ca, trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh. Đài PTTH Nghệ An luôn dành một thời lượng lớn hàng ngày phát sóng chương trình dạy hát dân ca với sự hướng dẫn của các nghệ sĩ tên tuổi nhằm giúp cho không chỉ các em học sinh, mà tất cả mọi người yêu thích đều có thể nắm rõ các kỹ thuật cơ bản và thuộc lời cũng như cách hát các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Sau nửa năm triển khai, tháng 8/1999, cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca” lần đầu tiên được tiến hành thí điểm ở 4 trường THCS ở phường Lê Mao, phường Cửa Nam (TP Vinh), Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) và Thị trấn Thái Lão (Hưng Nguyên). Cuộc thi này đã cho thấy, nếu có sự định hướng đúng đắn, các em học sinh vẫn rất quan tâm đến âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Sau đó, chương trình “Đưa dân ca vào trường học” được triển khai rộng rãi khắp các trường học toàn tỉnh. Sở GD&ĐT đưa việc dạy và hát dân ca là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của tất cả các trường, nhờ đó chương trình được hưởng ứng sâu rộng. Đến nay đã có 100% số trường, từ tiểu học đến THTP trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện việc dạy và hát dân ca trong nhà trường. Không những thế, nhiều thầy cô giáo, các em học sinh còn tham gia sáng tác, cải biên và đặt lời mới dựa theo các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh để biểu diễn trong các dịp lễ hội, ngày truyền thống của nhà trường. Từ trường học, phong trào hát dân ca còn lan tỏa đến các thôn xóm, bản làng. Ở nhiều đám cưới, các buổi sinh hoạt chi đoàn, cũng như nhiều cuộc vui khác, các tiết mục văn nghệ ngày càng xuất hiện nhiều các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ.
Từ năm 2001 đến nay, Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD&ĐT 2 lần tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca trong trường học” quy mô toàn tỉnh. Riêng Sở GD&ĐT cứ 2 năm một lần lại tổ chức Liên hoan tiếng hát dân ca giáo viên và học sinh, nhằm luôn hâm nóng phong trào, đồng thời đánh giá hiệu quả của công tác dạy và hát dân ca trong nhà trường. Từ phong trào này đã phát hiện rất nhiều giọng hát dân ca hay như: em Thu Trà, Diệu Linh (Trường THCS Lê Hồng Phong – Hưng Nguyên), Thùy Dung, Trung Hiếu, Minh Tâm (Trường THCS Đặng Thai Mai – TP Vinh), Kim Cúc, Hữu Thời (THCS Nghi Liên – Nghi Lộc)… Nhiều giọng ca hay trong nhà trường được định hướng sớm đã thi đỗ vào các trường văn hóa nghệ thuật, hiện đã có nhiều người trưởng thành và trở thành diễn viên của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ như: Minh Thông, Thiên Hương, Duy Minh, Duy Thanh, Đức Hòa, Lương Thanh, Nguyễn Mai, Nguyễn Hạnh…
Đặc biệt mấy năm gần đây, ở các cuộc thi ca hát do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức như: Sao Mai, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí (The voice kid)… luôn xuất hiện nhiều thí sinh người Nghệ An với những giọng ca rất ấn tượng như: Hương Tràm, Võ Thu Hà, Trần Thị Huyền Trang, Đinh Thị Trang, Nguyễn Ngọc Trâm… Tất cả các thí sinh người Nghệ An đều chịu sự ảnh hưởng rất lớn của các làn điệu ví, dặm quê hương, đồng thời các em luôn thể hiện thế mạnh khi hát dòng nhạc dân ca. Trong đó Hương Tràm chính là người đã giành ngôi vị quán quân Giọng hát Việt 2012, còn Trần Thị Huyền Trang đã giành giải Nhất Sao Mai 2013 ở dòng nhạc dân gian.
Có thể thấy rõ, chương trình “Đưa dân ca vào trường học” không những giúp các em học sinh hiểu và yêu hơn âm nhạc quê hương, phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa do cha ông để lại mà còn giúp cho dân ca ví, dặm xứ Nghệ dần lấy lại vị thế là một món ăn tinh thần đặc sản như giá trị vốn có, đồng thời chắp cánh cho những em học sinh có năng khiếu ca hát tỏa sáng trên sân khấu cả nước.
Những trăn trở
Hạn chế của chương trình không phải là ở chủ trương mà là ở vấn đề thực hiện. Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Hiện nay số giáo viên âm nhạc có niềm đam mê, tâm huyết với dân ca không nhiều, số giáo viên có trình độ chuyên môn sâu về dân ca Nghệ Tĩnh lại càng hiếm. Ngoài ra, do chưa có bộ giáo trình dạy và hát dân ca một cách đầy đủ nên chưa thể đưa việc học hát dân ca trở thành một môn chính khóa trong nhà trường. Đó là lực cản lớn khiến cho chất lượng dạy và học hát dân ca còn nhiều hạn chế”.
Một nguyên nhân khác rất quan trọng là các em học sinh vốn ưa thích những điều mới lạ nên luôn chịu sự tác động mạnh của các dòng nhạc thị trường, nhạc ngoại lai. Hơn nữa, thế hệ trẻ thường có xu hướng tâm lý chạy theo số đông để luôn chứng minh mình không bị lạc hậu, do đó mỗi khi có một trào lưu mới là lập tức các em a dua theo. Trong khi đó, những người tham gia thực hiện chương trình chưa có những giải pháp tạo nên những cú hích đủ mạnh để làm cho việc học và hát dân ca trở thành một trào lưu đối với học sinh cũng như thế hệ trẻ hiện nay.
NSND Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: “Thời gian đầu chương trình mới triển khai, ai cũng rất tâm huyết. Chúng tôi chia nhau đi đến tận từng trường học, từng huyện, xã để giảng dạy và tổ chức chương trình mẫu, hướng dẫn từng câu chữ các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Nhờ đó chúng tôi đã xây dựng được nền tảng ban đầu, tạo ra được những hạt nhân cho phong trào, để từ đó nhân rộng đến từng thôn xóm, lớp học. Tuy nhiên do nguồn kinh phí cho chương trình quá ít ỏi, nhân lực của Trung tâm mỏng nên chúng tôi không thể duy trì.
Hàng năm, Trung tâm cũng tổ chức đi kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cơ sở để hỗ trợ giáo viên dạy âm nhạc ở các trường cập nhật những cái mới và chỉnh sửa lời, kịch bản các tác phẩm dân ca tự biên tự diễn do thầy cô và học sinh tự sáng tác”. Theo đánh giá của NSND Hồng Lựu thì hiện nay có một số trường học thực hiện rất tốt công tác dạy và hát dân ca trong nhà trường như: THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), THCS Nghi Liên (Nghi Lộc), THCS Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), THCS Kim Liên, THCS Xuân Hòa (Nam Đàn)…; ở quy mô toàn huyện thì có Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn và TP. Vinh. Thế nhưng cũng có nhiều trường, nhiều giáo viên dạy âm nhạc đã bắt đầu thờ ơ dần, vì dân ca không phải là môn bắt buộc nên “thích thì dạy không thì thôi”, nhiều trường chỉ triển khai mang tính đối phó.
Ông Nguyễn Ngọc Ất – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ trăn trở: “Chủ trương đưa dân ca vào trường học nằm trong chương trình thực hiện Đề án “Sân khấu hóa học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc triển khai thực hiện. Đây là môi trường giúp xác định được những em học sinh có năng khiếu, là cơ sở để phát hiện và bồi dưỡng thế hệ nghệ sĩ và nghệ nhân dân ca tương lai, đồng thời làm hạt nhân để duy trì và phát huy di sản văn hóa truyền thống của cha ông trường tồn trong quần chúng nhân dân.
Chương trình mang ý nghĩa rất lớn nhưng sự đầu tư cho chương trình chưa được thỏa đáng. Rất nhiều chương trình được dàn dựng công phu, đầu tư bao tâm huyết chỉ để biểu diễn báo cáo, các em học sinh mất bao công sức và thời gian tập luyện chỉ để trình diễn trong một cuộc thi, rồi hầu như không có cơ hội khác để biểu diễn. Đội ngũ sáng tác và viết lời cho dân ca hiện nay không nhiều, các tác phẩm hay đủ làm cho công chúng yêu thích lại càng hiếm nên chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các em học sinh nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung.
Việc dân ca ví, dặm xứ Nghệ vừa mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ là một điều kiện tốt để chúng tôi xây dựng các phương án bảo tồn và phát huy giá trị của thể loại âm nhạc truyền thống đặc sắc chỉ có ở Nghệ An và Hà Tĩnh này. Trong đó vấn đề đưa dân ca ví, dặm trở thành một môn học chính khóa trong nhà trường giống như Quan họ Bắc Ninh đã làm là một điều rất cần thiết”.