(Baonghean) - Trong chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, cô bé Phương Mỹ Chi hát nhạc dân ca đã nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả. Đáng ngạc nhiên là nhiều bạn trẻ cũng nằm trong số đó, mặc dù nhạc dân ca không thuộc thị hiếu của hầu hết thanh, thiếu niên. Trở lại với câu hỏi “muôn năm cũ”: Tại sao giới trẻ không mặn mà với các làn điệu dân ca? “Hiện tượng” Phương Mỹ Chi đã đặt vấn đề dưới cái nhìn mới: Giới trẻ chưa được tạo điều kiện để yêu thích nhạc dân ca.
Làn điệu ví dặm xứ Nghệ cũng không ngoại lệ. Nếu hỏi một người trẻ ngày nay về ví dặm, hầu hết chỉ biết đến “Ví giận thương” nổi tiếng: “Giận thì giận mà thương thì thương/ Giận thì giận mà thương thì thương...” rồi cười hì hì tắc tị, mấy ai hát được trọn bài? Như vậy, giới trẻ ngày nay không được tiếp cận một cách bài bản, lớp lang với làn điệu ví dặm, thì làm sao có thể yêu thích một thứ mà họ thậm chí còn chưa biết, chưa hiểu, chưa được nghe bao giờ? Điều đáng nói là làn điệu ví dặm có tính quần chúng cao, xuất phát từ chính nhân dân mà ra, vậy tại sao loại hình này lại không thịnh hành trong xã hội ngày nay?
Thứ nhất, những làn điệu dân ca này có nguồn gốc từ bối cảnh lao động là chủ yếu, mà hình thức lao động sản xuất nay đổi khác đi nhiều. Ngày xưa, các nghề nghiệp khác nhau quần tụ thành phường, thành hội nên sinh ra ví phường vải, ví phường cấy, ví phường chè,...Bản thân chữ “phường”, “hội” mang hàm ý cuộc hội ngộ, cuộc chơi, cuộc vui, như thể lao động không phải là lao động, mà là thú vui, thú chơi. Chính trong bối cảnh đó mà những điệu hát đối đáp được sinh ra, vừa khích lệ tinh thần lao động, vừa trao gửi cho nhau những mối duyên, tình ý nhị mà mộc mạc. Hoặc cũng có những điệu ví đò đưa, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví ghẹo,... nghe tên là thấy được sự gắn bó mật thiết giữa làn điệu này với đời sống của người dân lao động. Như vậy, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày nay, hình thức, môi trường lao động không phải là môi trường diễn xướng lí tưởng cho ví, dặm nên loại hình này dần mai một là điều tất yếu.
Thứ hai, là một loại hình âm nhạc/ văn học, sự phát triển và phổ biến của ví, dặm liên quan trực tiếp đến sự phát triển văn hoá của xã hội. Vậy đời sống văn hoá của xã hội xưa và nay có gì khác? Trước hết phải kể đến các sinh hoạt văn hoá/ tâm linh như lễ, hội, các nghi thức thờ, cúng. Lễ, hội xưa là dịp để người ta gặp gỡ, giao lưu với nhau, thử hỏi còn gì tình cảm, duyên dáng mà sinh động hơn những câu vè, câu hát đối đáp? Ngoài ra, các làn điệu cổ còn góp mặt trong các nghi thức tâm linh như tế lễ, cầu vong, cầu đồng, làm chay đàn,...
Tất cả các hoạt động văn hoá/tâm linh này ngày nay đã bị mai một nhiều, hoặc giả nếu có giữ lại thì cũng được cải biên, rút gọn, cách tân cho phù hợp với tư tưởng đã được “khoa học hoá” của xã hội mới. Một nhân tố nữa góp phần vào sự phát triển của ví, dặm là văn hoá Nho học. Các ông đồ Nghệ xưa thường rủ nhau đi hát đối đáp với các o phường vải, bởi vì người xinh, hát ngọt thì ai mà chẳng thích? Nhưng nghe hát xong phải đối lại được mới là vấn đề, vì các o phường vải nổi tiếng đáo để, lại hay đố điển tích, đố chữ. Vậy là một công đôi ba việc, vừa tán tỉnh nhau, vừa trau dồi chữ nghĩa, quả không có cái tiện nào bằng. Chẳng thế mà Nguyễn Du, Phan Bội Châu và nhiều nhà trí thức khác đều say mê loại hình nghệ thuật này. Nhưng ngày nay, văn hoá Nho học đã bị thoái trào, ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển của ví, dặm.
Kết lại, ví dặm có một số giá trị như gắn với đời sống lao động, giá trị văn hoá giáo dục và giá trị trữ tình thì ngày nay, có lẽ chỉ giữ lại được giá trị trữ tình mà thôi. Chính điều này dẫn đến nguyên nhân chủ quan khiến giới trẻ xa rời làn điệu dân ca ví dặm. Cụ thể, ví dặm không thực sự “hợp gu” với thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Dễ dàng nhận thấy, thẩm mỹ âm nhạc hiện nay ảnh hưởng sắc nét bởi âm nhạc thế giới. Nếu như nhạc Âu-Mỹ hay nhạc Hàn Quốc rất được giới trẻ ưa chuộng thì những dòng nhạc dân gian, nhạc cách mạng,... thường được mặc định dành cho lớp người trung và cao niên. Nhạc trẻ Việt Nam cũng khác các thể loại truyền thống về chủ đề (thường là chuyện tình yêu nam nữ), câu từ (ngắn gọn, có khi đơn giản đến hơi ngô nghê), cách tiếp cận (qua các phương tiện thông tin đại chúng).
Ngoài ra, mục đích của nhạc trẻ thường là giải trí, có khi phần nhìn là chính, nên người ta còn gọi là nhạc thị trường. Nói như vậy không phải để hạ thấp nhạc hiện đại, bởi nếu không có giá trị gì thì dòng nhạc này đã không thể tồn tại và phát triển ngày một thịnh hành. Điều chúng ta cần hiểu ở đây là thẩm mỹ (không chỉ về âm nhạc) của con người gắn liền với xã hội, môi trường sống và thậm chí là cả phông nền văn hoá. Ví dụ, ông bà ta thích nghe hát ví, dặm vì đã từng sống ở thời điểm mà những phường ví đạt đến thời kỳ “hoàng kim”, trở thành chuẩn mực về thẩm mỹ âm nhạc của họ.
Bố mẹ ta có thể lại thích nhạc cách mạng (nhạc đỏ) hoặc nhạc trữ tình, cũng vì những dòng nhạc này là trào lưu, chuẩn mực của thời đại họ. Ngày nay, khi mà giới trẻ được tiếp xúc với những luồng văn hoá nước ngoài, những dòng nhạc hoàn toàn ngoại lai như rap, rock, RnB,...vô hình dung thẩm mỹ âm nhạc của người trẻ sẽ hình thành dựa trên nền móng là những loại hình âm nhạc hiện đại và ít bản sắc văn hoá dân tộc.
Liệu có nên vì vậy mà nhận định thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ ngày nay là kém, hay quy kết họ “quay lưng” với những giá trị truyền thống như làn điệu ví dặm? Thật ra nói như vậy thì quá oan cho họ, vì sở thích cá nhân là quyền tự do của mỗi người. Muốn “phục dựng”, bảo tồn những làn điệu ví, dặm, không thể chỉ trông chờ vào sự “tự giác” của giới trẻ trong khi xã hội không tạo điều kiện cho họ tiếp cận với ví, dặm cũng như tạo môi trường, hoạt cảnh cho ví, dặm thể hiện được những giá trị của mình. Như vậy có khác nào “há miệng chờ sung”?
Vẫn xin khẳng định, bảo tồn những làn điệu ví, dặm là điều cần thiết. Giống như việc người miền Bắc, Trung, Nam đều nói tiếng Việt nhưng có giọng Bắc, Trung, Nam, ví dặm xứ Nghệ là tiếng nói riêng của người Nghệ. Nhưng quan trọng là phải bảo tồn và phát triển ví dặm như thế nào cho nhân văn và hiệu quả? “Bảo tồn” một điệu ví đò đưa trong nhà hát kín bưng liệu có nhân văn không? Đòi hỏi giới trẻ yêu thích ví dặm mà không dạy cho họ hiểu về ví dặm liệu có nhân văn không? Phàm những giải pháp không nhân văn, có nghĩa là chỉ hời hợt, nửa vời, không xuất phát từ tâm hồn và sự yêu thích đối với cái hay, cái đẹp của con người, ắt chẳng thể nào hiệu quả!
Bấy nhiêu đó là những trăn trở của một người trẻ mà thú thực là, thích nghe nhạc trẻ hơn là nghe nhạc dân ca. Đọc đến đây, “xin anh đừng vội bực mình/nghe em kể lại đầu đuôi sự tình”, để hiểu và suy nghĩ: phải làm sao tạo cơ hội cho giới trẻ được biết, được yêu “câu hò xứ sở”?
“Xin anh đừng vội bực mình”
Hải Triều (Email từ Paris)