(Baonghean) - Trong trăm thứ lo của mỗi phụ huynh khi con bước vào năm học mới, lo nhất không phải là quần áo, sách vở mà là các khoản đóng góp đội lên thành nạn "lạm thu" đầu mỗi năm học. “Lạm thu” trở thành nỗi lo của cả xã hội, nên ngay trong năm học mới này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 4 giải pháp chống lạm thu. Một trong những giải pháp được quan tâm và đề cập ở đây là xây dựng văn bản pháp lý để tạo hành lang pháp lý cho quản lý thu, chi trong trường học. Bộ đã có Thông tư 55 điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện, … Vậy, với Nghệ An đã cụ thể các giải pháp này bằng các quyết định hay công văn hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý an toàn cho việc quản lý thu chi trong trường học?
ĐT105, Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 quy định về học phí, lệ phí tuyển sinh, theo đó học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào khác. Quy định là vậy nên trong các trường học, việc lạm thu đã chuyển sang nằm chủ yếu trong các khoản đóng góp được gọi ngắn gọn là "xã hội hóa giáo dục", là “tự nguyện”, là "quỹ phụ huynh", là các khoản “thu để phục vụ học sinh”.
Năm 2008, sau khi Nhà nước quyết định ngừng thu tiền xây dựng trường, việc củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất trường học không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là vận động sự đóng góp của nhân dân thông qua cuộc vận động xã hội hóa giáo dục. Ngày 12/8/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 5133/UBND.VX về việc tổ chức cuộc vận động "Các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể tự nguyện tham gia đóng góp tiền, của, công sức xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học, trường chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tỉnh nhà". Ngày 20/8/2008, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có Công văn số 1512/SGD&ĐT- VP về việc hướng dẫn thực hiện cuộc vận động này.
Ngày 18/10/2010, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tại Điểm 4 (đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh) nêu rõ: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, một trong những giải pháp được các trường sử dụng là huy động nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh,.. hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học.
Giải pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành Giáo dục và Đào tạo....“.
Trường Mầm non Hà Huy Tập năm học 2011-2012 vi phạm nặng về “lạm thu” nhưng cuối năm vẫn được UBND TP Vinh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo như vậy, tinh thần này cũng đã được Sở GD&ĐT Nghệ An cụ thể hoá bằng văn bản, đầu mỗi năm học đều có công văn hướng dẫn thực hiện các khoản thu chi. Theo đó, để tiến hành vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, các trường phải tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, phải xây dựng kế hoạch trình cấp trên quản lý trực tiếp và chỉ được triển khai thực hiện khi cấp trên phê duyệt. Thế nhưng tại Nam Đàn, trong năm học 2012-2013, đến cuối năm 2012 mới chỉ có khoảng 50% số trường gửi kế hoạch về phòng và phòng xem xét, phê duyệt kế hoạch cho số trường này.
Đối với Sở GD&ĐT Nghệ An cũng vậy, tính đến cuối năm 2012 trong số 91 trường THPT và 21 trung tâm GDTX mà sở trực tiếp quản lý, sở mới nhận và phê duyệt kế hoạch vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học cho 36 đơn vị. Thế nhưng, thực tế 100% trường học tổ chức vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Điều đó chứng tỏ phần lớn các nhà trường đã bất chấp quy định của sở. Thế nhưng sở và các phòng GD&ĐT đều không hề lên tiếng về việc làm sai của các cơ sở?
Theo Bộ GD&ĐT, “Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật”. Nhưng thực tế nhiều năm nay, nói là vận động, nhưng nhiều trường đã quy định mức đóng góp cho cha mẹ học sinh. Điều này thể hiện rõ trong kết luận thanh tra tuyển sinh và thực hiện các khoản thu đầu năm học 2011-2012 của Sở Giáo dục & Đào tạo và tiếp tục lặp lại ở năm học 2012-2013. Cụ thể là tại Thành phố Vinh, có trường ghi trong bản kế hoạch là vận động mỗi cha mẹ học sinh lớp 7, 8, 9 đóng góp 300.000 đồng và mỗi cha mẹ học sinh lớp 6 đóng góp 350.000 đồng – rõ ràng là đã bình quân hoá mức đóng góp, thế nhưng Phòng GD&ĐT Vinh vẫn phê duyệt.
Hay mới đầu năm học 2013-2014 này, Trường Mầm non Lê Mao (Thành phố Vinh) đã cải tạo và xây dựng thêm cơ sở vật chất kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí là trên 4 tỷ đồng; trong số tiền đó, 80% là ngân sách của Thành phố Vinh, còn 20% là tiền của phường. Để có tiền trả cho phía nhà thầu, UBND Phường Lê Mao đã ấn định mức thu đầu năm học đối với các cháu vào học ở Trường Mầm non Lê Mao. Tại Thông báo số 29/TB-UBND ngày 6/8/2013 do Chủ tịch UBND phường ký gửi Ban Giám hiệu Trường Mầm non Lê Mao nêu rõ: “Sau khi thống nhất với lãnh đạo trường mầm non, UBND phường thống nhất để nhà trường huy động xã hội hóa học sinh … với mức huy động như sau: … trẻ dưới 3 tuổi, mức huy động là 1.500.000 đồng/em; … trẻ từ 3-4 tuổi, mức huy động là 1.000.000 đồng/em; … trẻ 5 tuổi, mức huy động là 800.000 đồng/em”. Thông báo còn ghi rõ: “UBND phường Lê Mao giao cho Ban Giám hiệu nhà trường phổ biến chủ trương, thành lập ban vận động và triển khai đạt hiệu quả”.
Tuy chưa được sự phê duyệt của Phòng GD&ĐT Thành phố Vinh, nhưng không thể không thực hiện thông báo của UBND phường, Trường Mầm non Lê Mao dán thông báo lên bảng và tiến hành thu tiền khi cha mẹ các cháu đến làm thủ tục nhập học cho con và đã gây ra sự bức xúc lớn. Trước sự lên tiếng của báo chí, UBND phường Lê Mao đã có công văn trả lời gửi các cơ quan báo chí... đổ tất cả lỗi đó là do nhà trường và yêu cầu trả lại tiền đã thu, thu hồi lại thông báo, chờ sau cuộc họp phụ huynh sẽ bàn bạc.
Nhiều người cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là bộ phận nối dài cánh tay của một nhóm lợi ích của nhà trường trong việc đưa ra các khoản thu vô lý. Bởi sau việc vận động tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất thì quỹ phụ huynh luôn khiến nhiều người khó hiểu và thắc mắc nhất. Gọi là tự nguyện nhưng phụ huynh khó lòng không đóng góp đầy đủ.
Tại Điều 10, Chương 2 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT) quy định: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện. “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh...". Thực tế trong những năm học qua, quỹ phụ huynh có được từ sự hô hào của Ban đại diện. Cũng có thể đầu năm phụ huynh đóng tùy tâm, nhưng cuối năm, cùng những khoản phát sinh, thì phải bổ trên đầu mỗi học sinh.
Anh Nguyễn Văn Long – Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh 4 năm liên tục của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố chia sẻ: “Thú thực quỹ phụ huynh hầu hết đều chi không đúng quy định, chi nhiều nhất cho việc chúc mừng, thăm hỏi từ Ban Giám hiệu đến các giáo viên dạy học sinh lớp đó, không chỉ nhân ngày 20/11, Tết âm lịch mà còn có cả ngày 8/3, 20/10, thậm chí cả sinh nhật thầy, cô giáo; chi cho việc trang trí, giặt giũ chăn, màn ở các lớp bán trú; tổng vệ sinh lớp học, tiền trồng cây, phô-tô tài liệu ôn tập...”.
Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định khá cụ thể, nhưng mấy phụ huynh biết được quy định này nên việc kiểm tra, giám sát sự hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị bỏ ngỏ cũng là điều dễ hiểu. Ngay các cuộc thanh tra của Sở GD&ĐT Nghệ An và các phòng GD&ĐT trong nhiều năm nay cũng chưa đề cập đến chuyên đề hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà chỉ tập trung thanh tra nhà trường.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Hàng năm, sở đều tổ chức thanh tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Tuy nhiên, viêc xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa được chỉ đạo thực hiện triệt để”.
Thực tế việc xử lý sau thanh tra chưa nghiêm, năm học 2012-2013, sau hơn một tháng thanh tra tại 105 đơn vị cơ sở ở 15/20 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đầu tháng 2/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Kết luận số 197/SGD&ĐT-TTr về các chuyên đề đã thanh tra. Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại của các nhà trường trong việc thực hiện các khoản thu đầu năm học: xây dựng kế hoạch sau khi đã vận động đóng góp (THPT Kim Liên); không vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường mà áp đặt mức thu, thu theo kiểu cào bằng (Tiểu học Hoà Hiếu); thu các khoản ngoài quy định (THPT Anh Sơn 2 có kế hoạch thu quỹ khuyến học)...
Kết luận thanh tra của sở đã chỉ rõ: Kiến nghị 12 trường thu sai quy định phải trả lại tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh (trường mới có kế hoạch thu sai nhưng chưa thu thì phải dừng thu); giao cho phòng chỉ đạo kiểm điểm đối với hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và những cá nhân có liên quan trong việc tổ chức vận động mang tính áp đặt, đặt ra khoản thu tuyển sinh vào đầu cấp học; các đơn vị vi phạm trong việc thực hiện các khoản thu phải kiểm điểm, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm nghiêm túc. Nội dung kiểm điểm, tự kiểm điểm, việc trả lại tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh hoặc ngừng thu phải được tiến hành nghiêm túc và có báo cáo về sở trước ngày 20/3/2013.
Song điều đáng nói là việc xử lý sau thanh tra lần này cũng không hơn gì các năm trước. Năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT Nghệ An thanh tra tại 65 trường học thì có tới 12 trường vi phạm việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT Nghệ An thanh tra tại 113 trường học thì phát hiện 31 trường vi phạm trong việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Giám đốc sở yêu cầu các đơn vị có vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với hiệu trưởng các trường có vi phạm; đặc biệt, yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phù hợp đối với những đơn vị có sai phạm lớn. Hết thời hạn giao xử lý kết luận sau thanh tra, chỉ có 4/31 trường có báo cáo gửi về sở.
Theo Nghị định 115 về phân cấp quản lý, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát để xử lý kịp thời nếu vấn đề lạm thu xảy ra. Trong đó, trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương. Thế nhưng đến cuối năm học đó (2011-2012), 5 trường vi phạm nặng thuộc địa bàn Thành phố Vinh và Yên Thành bị đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật thì đều được Chủ tịch UBND Thành phố Vinh và UBND huyện Yên Thành công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến. Còn năm học 2012-2013, sau khi kết luận thanh tra ban hành được 45 ngày - nghĩa là đã hết thời hạn theo quy định 2 ngày, sở cũng chỉ nhận được báo cáo xử lý kết luận sau thanh tra của 2 trường...
Ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch -Tài chính, Bộ GD-ĐT cho rằng, các văn bản pháp lý cho việc quản lý thu trong trường học hiện nay là tương đối đầy đủ. Thực hiện các thông tư, công văn của Bộ GD&ĐT, văn bản của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An đã nhanh chóng cụ thể hóa và ban hành văn bản hướng dẫn, quy định khá chặt chẽ. Nhưng đáng tiếc là các cơ sở giáo dục trên địa bàn không thực hiện đúng các văn bản đó. Đáng tiếc hơn là ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền từ xã đến huyện không coi việc chống lạm thu trong trường học là việc của mình, thậm chí có nơi còn tiếp tay cho lạm thu như đã nêu ở trên.
Để các văn bản pháp lý trở thành hành lang pháp lý an toàn cho quản lý thu chi trong trường học - 1 trong 4 giải pháp chống lạm thu mà Bộ GD&ĐT đã nêu ra, thiết nghĩ, việc thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục (sở, phòng) phải thường xuyên hơn; xử lý sau thanh tra, kiểm tra phải kịp thời, đúng mức và nghiêm túc hơn. Đặc biệt, các cấp chính quyền từ xã đến huyện phải vào cuộc; phải coi việc chống lạm thu trong trường học là việc của chính mình. Nên chăng, UBND tỉnh ban hành quy định rõ trách nhiệm chống lạm thu trong trường học đối với UBND cấp huyện và cấp xã; HÐND tỉnh, ngoài việc thực hiện trách nhiệm giám sát của mình, nên có hướng dẫn để HĐND hai cấp huyện và xã thực hiện chức năng giám sát đối với các khoản thu từ xã hội hóa trong các trường học.