Còn nhớ ở cuối cuộc hội thảo về Hồ Tùng Mậu, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông do Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức vào ngày 15-6-1996, ông Hồ Anh Dũng (thời đó đang giữ chức Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) được mời lên phát biểu. Ông đã nghẹn ngào khi nói: "Gia đình chúng tôi đã bốn đời liên tục chịu nhiều đau thương tang tóc vì nước. Nhưng có một người đàn bà mà tôi đặc biệt kính trọng và thương yêu nhất vì đã gánh chịu 7 cái tang xé ruột với bao nỗi đắng cay mà chưa từng được hưởng một chút phúc lộc gì đáng kể. Đó là bà cố Phan Thị Liễu, thân mẫu của ông nội Hồ Tùng Mậu của tôi".

762427_small_45632.jpgTần tảo Ảnh: Trần Tố
Bằng những cứ liệu lịch sử đã từng công bố trên các sách báo, tôi xin trích dẫn và tổng hợp lại để minh chứng lời tâm huyết của ông Hồ Anh Dũng.


Bà Phan Thị Liễu sinh năm 1865, con gái thứ 2 của cử nhân Phan Duy Thanh và bà Hồ Thị Trạch (con gái của Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần, một sĩ phu chống Pháp). Cuối năm 1882, ở tuổi 18, Phan Thị Liễu kết hôn với ông Hồ Bá Kiện, con trai trưởng của Phó bảng Hồ Bá Ôn. Về nhà chồng mới được mấy tháng, bà đã phải chịu cái đại tang thứ nhất.


Vào tháng 3-1883, giặc Pháp đánh chiếm Thành Nam Định. Án sát Hồ Bá Ôn và Đề đốc Lê Văn Điếm cầm quân chiến đấu quyết liệt và Hồ Bá Ôn đã bị tử thương. Trên giường bệnh, vua Tự Đức viết một bài chế điếu ông, trong đó có những câu:


- Phận thư sinh đứng lên dẹp giặc, lo toan giữ nước nhà;

Cùng võ tướng xông xáo liều thân, dũng khí nức lòng đồng đội!

- Trang sử xanh nghìn thuở còn ghi, lưu thơm mãi mãi!


Cuốn Tùng Mai phong thổ của nhà thơ Nguyễn Tiến Bảng viết:

Bốn bên mưa đạn bời bời

Liều thân báo quốc giữa nơi chiến trường

Nỉ non tiếng nước sông Hoàng

Đêm ngày luống những khóc thương trung hồn.

Cái đại tang đầu tiên vừa đoạn thì ập đến cái đại tang thứ hai của cha đẻ Phan Duy Thanh. Cuốn Người làng Quỳnh những chặng đường chiến đấu bảo vệ đất nước có đoạn đã chép: "Tháng 4-1885, cử nhân Phan Duy Thanh, lang trung Bộ binh (như Cục trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay) đã từ quan về nhà trước khi Kinh thành Huế bị thất thủ. Được liên lạc báo cho biết Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết bí mật đến làng Quỳnh để bàn định công việc Cần Vương, Phan Duy Thanh bố trí đón tiếp cụ Tôn ở nhà thờ cụ Tán lý Dương Doãn Hài... Biết cá tính thủ trưởng cũ của mình, ông Phan đã cùng giải nguyên Dương Quế Phổ (con cụ Hài) vận động các gia đình láng giềng phân tán hết trâu bò, lợn, gà, chó, mèo và diệt cả dế mèn để giữ một sự im lặng tuyệt đối cho cụ Tôn suy tính việc nước trong những ngày đêm lưu trú tại đây. Cùng dự còn có ông tri huyện Hương Khê Hồ Phi Tự. Các vị bàn định công việc xây dựng làng chiến đấu, nhen nhóm khởi nghĩa rộng khắp hưởng ứng Hịch Cần Vương".


Ngày 18 tháng 11, năm Ất Dậu (24-12-1885), giặc Pháp huy động bọn phản động tay sai dưới sự chỉ huy của tên thiếu tá Pen-lơ-chi-ê đã gây ra cuộc thảm sát đẫm máu ở hai làng Bào Hậu và Quỳnh Đôi. Nhà lãnh đạo cuộc chiến Phan Duy Thanh đã bị sát hại, cùng với ấm sinh Hồ Bá Trị (chú ruột Hồ Bá Kiện) và Hồ Bá Cơng (con đầu của chú ruột Hồ Bá Kiện). Cùng một ngày, bà Phan Thị Liễu phải chịu ba cái tang, đau thương vô cùng! Vì nợ nước thù nhà, Hồ Bá Kiện, một người có học lực uyên bác vào bậc đại khoa nhưng không chịu đi vào con đường thi đỗ làm quan. Cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử chép: "Ông tư chất thông minh, đọc sách nhiều, làm thơ văn giỏi. Ông bỏ cử nghiệp chuyên giao du với khách kiếm hiệp, căm giận kẻ thù. Phàm những kẻ hào hiệp đều tụ tập ở nhà ông. Nhà có bao nhiêu của dự trữ đều bỏ tiếp khách hết".


Với sự nghiệp của chồng con, bà Phan Thị Liễu đã "chịu nhiều vất vả khó khăn lo cho chồng và con hoạt động cách mạng, có lúc phải bán hết gia sản, đi làm thuê ở đợ, bị bọn đế quốc quản chế bắt giam" (Hồ Văn Khuê - Tộc phả tiểu chi cụ án họ Hồ). Cuốn Đời nối đời vì nước (NXB Nghệ An, 1996) có chứng minh thêm: "Bà Phan Thị Liễu thường kể với con cháu rằng, ông Kiện và ông Linh (em ruột ông Kiện) có rất nhiều bầu bạn. Các ông Đội Phấn, Đội Quyên, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Sinh Sắc... từng đến nhà này. Có ông còn mang cả con đi theo nữa. Riêng việc gánh nước cho khách tắm rửa cũng đã vất vả lắm rồi. Ruộng vườn đem bán dần bán mòn để lo việc nước".


Năm 1907, Hồ Bá Kiện bị giặc Pháp bắt ở Sơn Tây và đày đi Lao Bảo. "16 giờ ngày 28-9-1915, dưới sự chỉ huy của Hồ Bá Kiện, tù phạm toàn hai trại giam nhất tề nổi lên giết quân lính địch... Ngọn cờ khởi nghĩa phất phới bay cao trên bầu trời Lao Bảo... Nghĩa quân rút ra ngoài lập căn cứ ở bản Ta-cha của Lào. Ngày 11-10-1915 hai bên đánh nhau quyết liệt... Cho đến đầu tháng 11-1915, khi các nhà lãnh đạo và nhiều nghĩa quân bị hy sinh thì cuộc khởi nghĩa mới bị dập tắt " (Sách Rèn trong lửa - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị xuất bản).


Mãi đến giữa năm sau (1916), cái tin hy sinh của chồng mới bay về gia đình. Phan Thị Liễu phải cắn răng chịu đựng nỗi đau xé gan xé ruột để còm lưng gánh vác việc họ việc nhà sao cho vẹn toàn, với tư cách vừa là con dâu trưởng tự tôn của dòng họ cụ Án, vừa là người mẹ của hai trai, một gái của gia đình.

Đầu năm 1920, do sự dắt dẫn của bà Lụa, Hồ Bá Cự (Hồ Tùng Mậu) người con trai của bà lại xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) rồi sang Trung Quốc biền biệt xa nhà đằng đẵng suốt 25 năm trời. Người con trai thứ 2 là Hồ Ngọc Diệu tiếp bước cha và anh, năm 1929 đã tham gia Đảng Tân Việt rồi Đảng Cộng sản, làm bí thư Đảng bộ xã nhà, rồi phó bí thư Huyện uỷ Quỳnh Lưu, bị bắt, bị tù 7 năm. Ra tù, anh lên huyện Nghĩa Đàn vừa dạy học vừa hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, sau đảo chính Nhật 9/3, Hồ Tùng Mậu được ra tù trở về nhà. Đến lúc này, cả gia đình mới được đoàn tụ. Bà Phan Thị Liễu mới được thảnh thơi ít nhiều... Niềm vui chẳng được dài lâu. Ngày 20-3-1948, Hồ Mỹ Xuyên - cháu nội đích tôn của bà, nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, uỷ viên Đặc uỷ Đoàn Thanh tra của Chính phủ đã hy sinh đột xuất trên đường đi công tác ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tin sét đánh này làm bà và cả gia đình choáng váng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chia buồn tới đồng chí Hồ Tùng Mậu. Bức thư có đoạn: "Tôi cũng rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi, chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sĩ, đoàn thể mất một cán bộ... Chú chuyển cho tôi lời chia buồn với bà cố, thím và gia đình...".


Nỗi đau cháu Xuyên chưa nguôi ngoai thì hai năm sau, năm 1950, con trai thứ hai của bà là Hồ Ngọc Diệu lại mất ở độ tuổi 43, do di chứng của sự tra khảo đánh đập khi bị tù tội.


Một năm sau, ngày 23-7-1951, Hồ Tùng Mậu lại bị giặc Pháp sát hại. Bác Hồ đã viết điếu văn rất thống thiết. Cuối bài điếu văn là câu: "Thưa với bà cố: Xin bà cố chớ quá đỗi đau thương, dù mất chú Mậu, tất cả chúng tôi đều là con cháu của bà cố!".


Trong vòng chỉ hơn 3 năm, bà Phan Thị Liễu phải còng lưng gánh chịu ba cái tang khủng khiếp. Ôi! Đau nào lại có đau này nữa không? Đau thương không đi theo người đã mất. Đau thương chỉ ở lại với những người đang sống. Những người đang sống đây là ba người đàn bà thuộc ba thế hệ: Phan Thị Liễu, Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Thị Chanh. Cả ba bà đều bị goá do chồng hy sinh vì đất nước. Họ cùng sống chung với nhau trong một căn nhà nhỏ bé, đêm đêm trằn trọc vì nỗi lo toan làm sao nuôi dạy ba cháu còn trứng nước là Hồ Anh Dũng, Hồ Ngọc Hải, Hồ Đức Việt khôn lớn nên người... Năm 1953, sau nhiều phen mưa vùi gió dập, bà Liễu qua đời!


Trên đất nước ta, cảnh ngộ éo le này không biết có nhiều không? Bà Phan Thị Liễu thật xứng danh một phụ nữ Việt Nam Anh hùng!


Phan Hữu Thịnh