(Baonghean)-Đối với nhiều chị em công nhân trong ngày 8/3. Với họ, ngày lễ, ngày tết thì đều phải tất bật với biết bao nỗi lo toan không ngơi nghỉ...
Khác hẳn với không khí tấp nập ở ngoài đường trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 dãy trọ của nữ công nhân ở xóm Đông Vinh (xã Hưng Đông, TP. Vinh) khá yên ắng... Đi đến cuối dãy trọ dài hun hút ấy, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy một căn phòng còn mở cửa. Phía trong, trên chiếc phản được đóng sơ sài là Hiền, Hoa và Thành - công nhân của Công ty Matrix đang trò chuyện. Bữa tiệc “thịnh soạn” dành cho ngày lễ chỉ là 2 quả cam và một ít bánh kẹo, hoa quả còn sót lại từ Tết.
Cả Hiền, Hoa và Thành đều là công dân mới của dãy trọ này nhưng vì làm cùng công ty, cùng tổ nên nhanh chóng thân nhau dù tuổi đời mỗi người một khác. Thành (SN 1991) quê ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương là người ít tuổi nhất nhưng lại là người có thâm niên làm công nhân lâu nhất. Trước khi làm ở Công ty Matrix, Thành có 4 năm làm công ty giày da ở Bình Dương, chuyển về Vinh làm công nhân theo mong muốn của gia đình. Nhưng cảnh công nhân ngày nào cũng tăng ca 10 - 12 tiếng nên dù “có tuổi” ở khu trọ này nhưng Thành vẫn đang còn đơn chiếc. Chắc cũng vì thế nên nói đến ngày 8/3, Thành ngại ngùng: “Ngày ấy chắc cũng bình thường thôi chị. Đi làm rồi về”.
Công nhân nữ làm việc tại Công ty may Minh Anh - Kim Liên (Nam Đàn). Kỷ niệm về ngày 8/3 của Thành xa xôi lắm. Đó là khi Thành mới chân ướt chân ráo vào Nam và gặp một chàng trai cùng quê. Tình yêu của hai công nhân xa quê, không có những món quà đắt tiền nhưng những ngày lễ như 8/3, 20/10, 14/2 Thành vẫn luôn ấm lòng vì có bạn trai chia sẻ. Thành kể: Chúng em đi làm xa, người nào cũng cố gắng tìm một bờ vai để che chở. Nhưng hoàn cảnh công nhân, lương ba cọc, ba đồng. Rồi cả hai bên còn nặng gánh gia đình nên cứ lần lữa, không dám nghĩ đến chuyện xa hơn... Mà quả thật, cuộc sống của hai vợ chồng cùng làm công nhân khó khăn vô cùng. Hoa, bạn Thành, người ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu hiểu rất rõ điều đó. Hoa chia sẻ: Em mới đi làm, nếu tuần nào cũng tăng ca thì thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trừ tiền trọ, tiền ăn, chắt bóp lắm cũng chỉ còn 2,5 triệu đồng.
Khoản tiền lương ít ỏi ấy, chưa bao giờ Hoa dám tiêu một đồng cho mình vì tháng nào vợ chồng Hoa cũng phải mất từ 2 - 3 triệu đồng ra Hà Nội lấy thuốc để điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cho chồng. Chồng của Hoa, là người cùng làng. Khi mới lấy nhau, chồng Hoa làm công nhân ở mỏ than Quảng Ninh, lương tháng 7 - 8 triệu đồng nên Hoa không phải lo lắng nhiều. Từ ngày chồng mắc bệnh, không lao động, không đi lại được Hoa chấp nhận xa chồng, xa con vào Vinh xin làm công nhân... Hoàn cảnh khó khăn là thế nên giờ những ngày lễ, ngày nghỉ Hoa chẳng mơ mộng gì nhiều. Chỉ ước, chồng nhanh khỏi bệnh, cuối tuần đi xe máy vào Vinh chở Hoa về nhà như trước đây là Hoa hạnh phúc lắm rồi...
Cuộc sống khó khăn của nữ công nhân ở các khu nhà trọ -Ảnh minh họa
Nghệ An hiện có gần 10.000 công nhân nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp (chiếm tỷ lệ 80% công nhân). Những năm qua, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức công đoàn, các đơn vị và các ban, ngành, đời sống của công nhân đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, đại đa số công nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, công nhân vẫn đang thiếu nhiều hoạt động để nâng cao đời sống tinh thần, chưa được quan tâm chăm lo về sức khỏe. Môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được xây dựng và phát triển. |
Dọc hai bên đường vào Khu công nghiệp Bắc Vinh đặc kín các dãy nhà trọ dành cho công nhân. Dù là ngày lễ nhưng không có một hàng bán hoa tươi, cũng chẳng có một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Khái niệm về quà tặng đối với chị em công nhân dường như là điều quá xa xỉ... Niềm vui lớn nhất của các chị trong ngày 8/3 có lẽ là những bữa tiệc do các thành viên trong tổ tự tổ chức. Như ở Công ty Matrix, từ cuối tuần trước tổ của Hiền, Hoa và Thành, khoảng 80 người đã bàn nhau sẽ tổ chức ngày lễ 8/3 vào trưa thứ Ba. Hôm đó, mỗi người sẽ góp từ 10.000 - 20.000 đồng để mua bánh, hoa quả. Buổi lễ sẽ được tổ chức ngay sau bữa trưa. Sau khi ăn xong mọi người sẽ thi kéo co... Với khoảng 1 tiếng nghỉ trưa, biết rằng, từng ấy là quá ít so với hoạt động ngoài trời. Nhưng đây cũng xem như nguồn động viên để mọi người có thêm động lực để tiếp tục làm việc.
Còn ở Công ty may Minh Anh - Kim Liên, ngày 8/3 này chị em trong công ty cũng đã bàn với nhau góp tiền để tổ chức tiệc mặn gặp mặt đầu năm và mừng ngày lễ. Chia sẻ với chúng tôi, Mai (quê ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) cho biết: Ở các công ty khác ngày lễ mỗi người sẽ được phát tiền. Nhưng ở công ty chúng em năm có năm không. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chị em vẫn cố gắng trích tiền lương để liên hoan. Đây cũng là dịp để chị em gặp gỡ, chia sẻ và hiểu thêm về hoàn cảnh của nhau hơn.
Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam thừa nhận: Thời điểm 8/3 cũng là dịp các nhà máy đang bắt đầu vào giai đoạn sản xuất đầu năm nên các công ty dành ưu tiên nhiều hơn cho ổn định sản xuất, ổn định lao động. Vì vậy, chưa có nhiều đơn vị tổ chức ngày lễ cho các chị em, quà 8/3 cũng chỉ giới hạn ở một số đơn vị hoặc một số đối tượng... |
Mỹ Hà