(Baonghean) - Một ngày đông lạnh trên xã biên giới Nậm Càn (Kỳ Sơn). Chúng tôi ghé xưởng mộc ven đường nghỉ chân. Trước mắt chúng tôi là một chàng thanh niên nhỏ bé, đang di chuyển bằng 2 cánh tay trên nền nhà xưởng... Thật ngạc nhiên, chàng trai tật nguyền này là thợ chính của xưởng mộc.
Tuổi thơ buồn tủi
Trong xưởng mộc nơi Nguyễn Nguyên Cường đang làm việc, những âm thanh vang lên từ tiếng đục, cưa, bào vẫn không át nổi tiếng mưa gió vùng biên. Bên ấm chè Shan tuyết, Cường niềm nở tiếp chúng tôi và anh đã xóa đi khoảng cách khách – chủ bằng nụ cười đầy tự tin. Trong không gian ấm áp ấy, Cường kể về cuộc đời nhiều buồn tủi của mình.
Nguyễn Nguyên Cường sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Thống Nhất, xã Đông Sơn ( Đô Lương). Bố anh là Nguyễn Nguyên Hùng, là CCB từng công tác, lăn lộn khắp địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Đến năm 1982, ông ra quân trở về địa phương. Năm 1983, con trai đầu lòng Nguyễn Nguyên Cường ra đời trong bao mong ngóng, chờ đợi, hy vọng của cả gia đình. Nhưng buồn tủi thay, Cường lại mang một đôi chân tật nguyền. Người cha biết rằng, những năm tháng lăn lộn nơi rừng sâu nước độc đã khiến ông bị nhiễm chất độc hóa học và đứa trẻ thơ ngây đã phải gánh chịu hậu quả tàn khốc thời hậu chiến.
Nỗi bất hạnh vẫn chưa dừng lại với ông bà khi những đứa con khác ra đời. Em thứ 3 của Cường sinh ra bị chứng thiểu năng trí tuệ. Bố mẹ đã tìm mọi cách chữa trị nhưng đều vô hiệu. Đến năm 17 tuổi thì em trai của Cường mất. Đúng là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, nỗi đau mất con chưa kịp nguôi thì vợ chồng ông Nguyễn Nguyên Hùng lại gần như sụp đổ khi thêm một đứa con trai khác ngã bị nước tử vong. Mãi sau ông bà cố sinh thêm 2 cô con gái và may mắn không có biểu hiện mắc di chứng như các anh. Đó có thể coi là niềm an ủi của ông Hùng, bà Tuất từ khi 2 con gái đã lập gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuất, mẹ Cường tâm sự: “Nhà nghèo quá nên Cường và một em nữa khi sinh ra bị hở hàm ếch mà không đủ tiền chữa trị. Tôi lại bị chứng ho ra máu, mỗi tháng phải đi viện mất mấy lần. Ông nhà sức khỏe ngày càng yếu, không làm được công việc nặng”.
Hoàn cảnh khó khăn nên Cường đến lớp được mấy buổi rồi nghỉ hẳn. Lúc đó Cường chỉ nghĩ rằng, mình đi học sẽ thêm gánh nặng cho cả nhà nên quyết nghỉ. Nhà nghèo, ông Nguyễn Nguyên Hùng vẫn không được hưởng chính sách gì. Nhìn mấy đứa con sinh ra tật nguyền ông đau lòng lắm nhưng đành chấp nhận. Hàng ngày ông bà chăm chỉ làm lụng dựa vào mấy sào ruộng và nuôi đôi ba con lợn đủ để đắp đổi qua ngày.
Trong ngôi nhà nhỏ bé, nghèo túng của mình, tuổi thơ của Cường cứ lặng lẽ trôi đi. Cường đã nhiều lần gào thét, khao khát vô cùng đôi chân lành lặn để được chạy nhảy như chúng bạn. Mặc cảm về số phận, nỗi tự ti nó cứ lớn dần như quả cầu tuyết lăn xuống từ trên đỉnh núi nên Cường trốn tránh tất cả. “Tuổi thơ tôi là một chuỗi dài những tủi hờn. Không học, không làm được gì cả nên đã nhiều lúc tôi chán ghét cuộc sống này” – Cường rưng rưng.
Đứng lên bằng...tay
Nhưng không kéo dài cuộc sống vô nghĩa như thế mãi được. Ý nghĩ này đến với Cường khi anh bước sang tuổi thứ 10. Phải làm gì để bớt gánh nặng cho bố mẹ, mình không thể là người vô dụng. Đầu tiên là phải tự đi được mà không phụ thuộc vào người khác. Chân không thể nhưng Cường vẫn có đôi tay. Nhưng đó là một “cuộc chiến” thực sự.
Cường dùng 2 cánh tay cầm lấy 2 chân teo tóp rồi cố gắng nhấc lên dịch chuyển từng tí, từng tí một. Vô cùng khó khăn, Cường đã phải nghiến răng, cắn môi đến bật máu đến hàng trăm, hàng nghìn lần. Và điều kì diệu ấy đã đến. Sau 3 năm, đôi tay Cường đã có thể tự nâng cả cơ thể mình lên và di chuyển mọi nơi trong nhà, ngoài ngõ mà không cần phải ngồi bệt xuống để lê như trước nữa.
Mọi người trong gia đình ông Hùng vui mừng không sao nói hết được. Không chỉ vì Cường đi lại được mà từ đây anh có thể xóa bỏ được mặc cảm. Cường vui vẻ nói rằng: “Ngày ấy, khi tôi đã tự bước đi được bằng đôi tay của mình, tôi được hỗ trợ 1 chiếc xe lăn. Nhìn chiếc xe lăn rất đẹp và ngồi lên đó tôi thấy đi lại rất dễ dàng. Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu mình phụ thuộc vào chiếc xe thì đến một lúc nào đó sẽ uổng công mình luyện tập bấy lâu. Thế là tôi đem chiếc xe ấy cho một người trong xóm bị bại liệt”.
Khi đã tự di chuyển được, Cường bắt đầu giúp bố mẹ mọi việc trong nhà, từ quét nhà, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa… Vui nhất với Cường là mình có thể tự chăm sóc cho bản thân mà không phải phiền đến ai. Ngày ấy, để cải thiện đời sống, mẹ Cường nuôi lợn. Hàng ngày, Cường ở nhà cắt cây chuối nấu cho lợn ăn và chăm sóc đàn lợn gia đình. Nhờ vậy cuộc sống gia đình cũng được cải thiện ít nhiều. Cường cảm thấy hãnh diện vì mình là người có ích cho gia đình từ đấy. Mặc cảm về thân phận biến mất khỏi tâm trí của Cường lúc nào không hay.
Năm 2003, với một chàng trai 18 tuổi tràn đầy sinh lực, Cường khao khát bước ra một xã hội rộng lớn hơn. Nghe tin ở xã Lưu Sơn (Đô Lương) có một trung tâm nhân đạo dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật Cường năn nỉ bố mẹ được đi học. Ông bà lo lắng cho con nhưng cũng hy vọng rằng Cường có thể làm nên điều kỳ diệu như trước. Và Cường chọn học nghề mộc, một nghề phù hợp với đôi tay khỏe của mình. 2 năm sau, nhờ sự nỗ lực học hỏi Cường đã trở thành một thợ mộc lành nghề.
Có nghề mộc trong tay, Cường đi khắp nơi trong xã Đông Sơn và các xã lân cận để vừa học vừa làm. Nhưng cái khó khăn nhất của Cường lúc này là không thể đi được xe. “Có hôm phải đi làm cách nhà đến gần 5 km, mà đi bộ thì không thể nào đi được nhất là đối với những người như tôi. Thế là tôi phải ra đường từ sáng sớm chờ những người đi xe qua và xin họ đi nhờ. Ai thấy tôi như thế cũng thương nên họ sẵn sàng cho đi. Nhờ thế mà bây giờ tôi lên xuống xe máy rất nhanh đấy”. Những đồng tiền đầu tiên được Cường đưa cho bố mẹ để trang trải thêm cuộc sống.
Năm 2010, được người quen giới thiệu, Cường lên vùng biên giới Kỳ Sơn làm việc cho xưởng mộc của một người đồng hương. Được mọi người tin tưởng vì tay nghề cao nên ông chủ giao cho Cường làm thợ chính trong xưởng. Mỗi tháng Cường được trả lương cao nhất xưởng và được nuôi ăn ở. Tháng nào cũng vậy, những đồng tiền Cường góp nhặt được bằng công sức, mồ hôi và ý chí của mình anh đều gửi về quê cho bố mẹ. “Thấy tôi khéo tay nên các cô giáo, thầy giáo đều xuống nhờ làm những mô hình, học cụ. Mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy thích thú vô cùng giống như mình được góp công lao gì đó trong việc dạy học của thầy cô” – Cường chia sẻ.
Hỏi về dự định tương lai, Nguyễn Nguyên Cường bẽn lẽn: “Tôi đã hơn 30 tuổi rồi và cũng mong muốn có một gia đình nhưng chắc chẳng có người nào muốn lấy một người như tôi đâu. Đôi chân mình đã như vậy chắc giờ chỉ cố gắng chăm chỉ làm việc và nếu có người nào cùng hoàn cảnh hiểu nhau, đến với nhau là tốt rồi”. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đối với Cường là cả một dự định lớn lao.
Đào Thọ