(Baonghean) - Tháng 3, chính quyền và nhân dân huyện Tương Dương bước vào chiến dịch cao điểm mở đường giao thông nông thôn, ưu tiên cho 3 xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ là Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông và bản Chăm Puông, xã Lượng Minh. Đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở những vùng này chung tay, góp sức dựng xây những tuyến đường huyết mạch nối các bản làng. Hoạt động sôi nổi đó được dân bản gọi là “Tết làm đường”.

images1143566_ngu_i__n_b_n_ch__l_ng_l_m_du_ng_giao_th_ng_li_n_b_n.jpgNgười dân bản Chà Lâng làm đường giao thông liên bản.
 
 
Xã Hữu Khuông nằm biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi núi rừng tứ phía và lòng hồ Bản Vẽ mây nước mênh mông. Với tỷ lệ hộ nghèo hơn 90%, xã được biết đến với nhiều “không” ở Tương Dương, như: Không điện, không đường giao thông, không chợ... Ở đây, những con đường rừng nối từ trung tâm xã vào các bản như Chà Lâng, Tủng Hốc, bản Sàn, Huồi Pủng được dân bản làm từ nhiều năm trước, nay đã bị sạt lở, cây cối che lấp chỉ còn lại những lối mòn xuyên rừng núi. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngay sau Tết Nguyên đán, chính quyền xã Hữu Khuông đã cắt cử cán bộ lội rừng, xuống các thôn bản kêu gọi bà con tham gia chiến dịch mở đường.
 
Giữa tháng 3, được sự hỗ trợ của UBND huyện, người dân Hữu Khuông chính thức bước vào chiến dịch làm đường. Khắp các bản trên, mường dưới đều đồng loạt ra quân. Mỗi gia đình huy động ít nhất 1 người, các tổ chức đoàn thể huy động 100% quân số để làm đường. Các tuyến đường được ưu tiên làm trước gồm Tủng Hốc - Chà Lâng có chiều dài 3km; tuyến từ cửa khe vào bản Sàn dài 1,5km và tuyến từ cửa khe vào Huồi Pủng dài 1,8km. Trên những tuyến đường này, UBND xã đều chỉ đạo lập lán chỉ huy dã chiến, làm nơi nghỉ ngơi cho bà con làm đường. Nhiều hộ dân nhà xa nơi mở đường cả mấy tiếng đồng hồ đi bộ đã mang theo cặp lồng cơm và dụng cụ đến lán dã chiến để chung sức làm đường.
 
Người dân bản Chà Lâng làm đường giao thông liên bản.
 
Ông Lô Văn Cảnh, một trong những người tích cực trong chiến dịch làm đường giao thông nông thôn của bản Huồi Pủng tâm sự: “Khi nghe cán bộ thông báo về kế hoạch làm đường, gia đình tôi đã nghỉ 5 buổi làm rẫy để đi làm đường. Nhà nước ủng hộ, mình làm đường cho con cháu mình đi học chứ có phải làm cho ai đâu. Cả bản ta đều muốn có con đường đi lại thuận tiện. Dân bản ta gọi những ngày qua là “Tết làm đường”…”. Ông Lô Rương Khánh, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết, chiến dịch làm đường kéo dài trong 5 ngày, toàn xã đã làm được 6,3 km đường liên bản, sửa chữa nền đường rộng 2,5 mét, dọn dẹp và tu sửa các đoạn sạt lở trên 3 tuyến đường. Đặc biệt, có 400 người dân ở các bản của xã Hữu Khuông trực tiếp tham gia chiến dịch làm đường giao thông. Tất cả các cán bộ của UBND xã, các tổ chức đoàn thể địa phương cũng vào cuộc. Nhiều cán bộ xã đã cùng ăn, ở ngoài lán để cùng nhân dân hoàn thành kế hoạch, như anh Lữ Văn Ba, cán bộ địa chính xã; Cụt Văn Thanh, cán bộ văn hóa xã; Thảo Nênh Thông, Bí thư Chi bộ bản Chà Lâng…
 
Lán giã chiến được lập trong rừng để phục vụ việc làm đường giao thông liên bản
 
 
Tại xã Nhôn Mai, đến ngày 15/3, toàn xã đã huy động được 500 người dân mang theo dụng cụ cùng nhau mở 2 tuyến đường từ bản Na Hỷ đi Phả Mựt dài 10km và tuyến từ lòng hồ đi bản Piêng Luống dài 0,8km. Đặc biệt, tuyến đường rừng Na Hỷ - Phả Mựt được hàng trăm hộ dân cùng nhau đào đắp với nền đường rộng 2,5m, đến nay xe máy có thể đi lại dễ dàng. Còn tại xã Mai Sơn, khoảng 450 người dân các bản Piêng Cọoc, Phá Kháo, Huồi Xá cũng đã hưởng ứng “Tết làm đường” với khí thế sôi nổi, khẩn trương. Trong những ngày cao điểm của chiên dịch làm giao thông nông thôn liên bản, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng cùng vào cuộc với nhân dân.
 
Huyện thành lập 3 tổ chỉ đạo ở 3 xã do trưởng và phó phòng công thương làm tổ trưởng. Mỗi tổ đều có 1 chuyên viên phụ trách kỹ thuật để hỗ trợ nhân dân làm đường. Đích thân đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện vào tận các tuyến đường vừa kiểm tra, giám sát vừa động viên người dân. Tại mỗi tuyến đường, UBND huyện Tương Dương đều tổ chức tuyên dương, tặng quà những gia đình tiêu biểu trong chiến dịch làm đường và tạo nên những hiệu ứng tích cực trong toàn thể nhân dân 3 xã vùng lòng hồ. Với phương châm “Nhân dân làm trước, Nhà nước đầu tư xây dựng sau”, huyện Tương Dương đã trích ngân sách gần 500 triệu đồng để phục vụ chiến dịch làm đường giao thông nông thôn trong tháng 3.
 
Ông Hoàng Đình Hợi, Phó phòng Công Thương huyện Tương Dương cho biết, Tương Dương có khoảng 400km đường giao thông thôn bản. Với đặc thù của vùng biên giới rẻo cao, việc mở đường giao thông về các bản vùng sâu, vùng xa, nhất là các bản sát biên giới và vùng lòng hồ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém. Hiện vẫn còn 5 bản chưa có đường xe máy vào. Mỗi năm, kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường giao thông khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn ngân sách cấp trên, huyện đã nỗ lực tuyên truyền vận động, kêu gọi người dân cùng đồng lòng mở đường mới, đồng thời duy tu, sửa chữa các tuyến đường cũ. Trung bình mỗi năm, huyện huy động được khoảng 2 tỷ đồng từ nội lực để duy tu, sửa chữa các tuyến đường liên thôn, bản, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các bản làng xa xôi, hẻo lánh.
 
Lãnh đạo huyện Tương Dương tặng quà cho các đội làm đường
 
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đã thành thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán hàng năm, huyện Tương Dương đều tổ chức chiến dịch làm đường giao thông nông thôn vào các bản làng khó khăn. Năm nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có kế hoạch từ đầu tháng 1/2015, dồn sức để làm đường giao thông nông thôn tại các xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Đây là 3 xã khó khăn nhất của huyện Tương Dương, nhiều bản chưa có đường từ trung tâm bản ra bến sông hoặc ra trung tâm xã. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân và học sinh đi lại thuận tiện, từng bước góp phần phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các xã vùng biên giới, thời gian tới, huyện Tương Dương tiếp tục nhân rộng những cách làm hay trong chiến dịch mở đường giao thông nông thôn năm nay và tiếp tục kêu gọi các nguồn lực, tranh thủ sự chung sức của bà con dân bản để mở thêm những con đường vào các làng bản khó khăn nơi biên giới.
 
Bài, ảnh: Nguyên Khoa