(Baonghean) - Đó là 2 con sông chính hợp lưu thành sông Cả gồm dòng Nậm Mộ và Nậm Nơn. 2 con sông này có chung đất mẹ Lào. trong Dân gian lưu truyền một câu chuyện thú vị về 2 con sông này là “sông chị, sông em”.

images1143562_noi_g_p_g__c_a_n_m_non_v__n_m_m_.jpgNơi hợp lưu của Nậm Nơn và Nậm Mộ ở xã Xá Lượng, Tương Dương.
 
Sông Nậm Mộ vào Việt Nam trên địa phận 2 xã Mường Típ và Mường Ải huyện Kỳ Sơn. Đây là địa bàn cư trú của người Mông và người Thái. Sau một chặng đường hàng trăm cây số, dòng Nậm Mộ gặp sông Nậm Nơn tại địa phận xã Xá Lượng huyện Tương Dương. Sông Nậm Nơn bắt đầu từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) vào Việt Nam tại bản Cha Nga (Mỹ Lý – Kỳ Sơn). Sau một quãng rong chơi tạo ra vô số  thác ghềnh, dòng Nậm Nơn mới đến được nơi đã hẹn. Không chỉ tạo ra thác ghềnh, Nậm Nơn còn tạo nên một vùng văn hóa Thái với nhiều phong tục, tập quán độc đáo. 
 
Cứ vào mùa Xuân, cuối tháng Giêng âm lịch, tại ngôi đền Vạn, nơi ngã ba sông Nậm Mộ và Nậm Nơn sum họp, dân bản lại mở hội, mổ trâu tế trời, trai gái kéo nhau đến vui hội ném còn, hội đánh đu, thi viết chữ Thái... Không khí thật linh thiêng và chứa chan nghĩa tình.
 
Ông Lô Văn Tấn, ở bản Xốp Cháo (Lượng Minh – Tương Dương) ở cạnh dòng sông Nậm Nơn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về dòng Nậm Mộ và Nậm Nơn là hai chị em sinh cùng một mẹ. Nậm Mộ là chị, còn Nậm Nơn là em. Rồi một ngày, đất mẹ giao cho chị em nhiệm vụ thiêng liêng phải về góp nước cho biển lớn. Hai người hẹn gặp tại ngã ba sông, nơi có Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào ngày nay. Cô em nhớ lời mẹ dặn nên mải miết chạy. Nó tạo ra lắm thác, nhiều ghềnh trên đường đi. Cũng bởi thế mà sông Nậm Nơn trở nên lắm ghềnh thác đến vậy.
 
Đến điểm hẹn, cô em chờ mấy tháng trời mới thấy cô chị Nậm Mộ tới nơi. Cô em hờn dỗi trách chị: “Chị không nghe lời mẹ dặn hay sao mà đến muộn thế?” Cô chị phân trần: “Tại đi dọc đường chị thấy người dân không có cái ăn nên dừng lại vỡ hoang, bày cho dân làm ruộng nước để họ đỡ đói khổ”. Cô em biết được, cảm kích tấm lòng nhân hậu của chị nên trên đường ra biển, hai người tạo thành vô số bãi bồi phù sa, và đồng ruộng. Người dân đôi bờ nhờ thế được ấm no hơn. Vì thế nên dọc sông Nậm Mộ có những vùng ruộng bậc thang như Na Lượng, Na Chảo (Hữu Kiệm – Kỳ Sơn). Vì vội vã hoàn thành nhiệm vụ mà cô em Nậm Nơn chỉ tạo ra những thác ghềnh chứ không có ruộng nước. Người dân sống dọc sông Nậm Nơn vì thế mà chỉ biết làm rẫy và đánh cá.
 
HỮU VI