(Baonghean) - Những ngày này, người dân vùng rẻo cao các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương lại nô nức rủ nhau vào rừng lấy măng đắng. Mùa măng đắng kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Hiện nay, măng đắng là không chỉ giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua cơn đói ngày giáp hạt mà đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng...
Đắng... một chuyện tình
Ngồi bên bếp lửa hồng, ông Lương Văn Quyên – một già làng ở bản Lưu Phong, xã Lưu Kiền (Tương Dương) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cổ tích về cây măng đắng. Chuyện kể rằng, xa xưa, khi vùng đất nơi con sông Nậm Mộ chảy qua còn rất ít người sinh sống có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Chỉ có một điều, nhà chàng trai rất nghèo mà cô gái lại là con nhà giàu. Hôm gia đình chàng trai sang xin cưới, gia đình nhà gái không bằng lòng nên họ bảo chàng phải mang đủ một trăm nén bạc trắng, 3 con trâu đực to, 10 con lợn béo, 300 cân nếp mới cho đưa nàng về. Biết không thể có đủ chừng ấy tài sản để cưới cô gái, chàng trai đành chấp nhận ra về. Phẫn uất, chàng rời bỏ quê hương băng rừng vượt suối sang vùng đất Ai Lao để kiếm tiền với lời hẹn 3 năm sau sẽ trở về cưới nàng.
Ngày chàng ra đi, nàng ở nhà chờ đợi với hy vọng 3 năm qua mau chàng sẽ trở về đón nàng. Cha mẹ nàng không nỡ ngồi nhìn con chờ đợi một người con trai nghèo hèn không biết sống chết ra sao nơi đất khách quê người nên ép con phải cưới một chàng trai giàu có bản bên nhưng nàng kiên quyết không chịu. Nàng bảo với cha mẹ rằng, nếu hết thời hạn 3 năm không thấy chàng về nàng sẽ đồng ý theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Thời gian đằng đẵng 3 năm cũng đã qua trong sự nhớ nhung chờ đợi của nàng nhưng chàng vẫn chưa trở về. Đến hẹn, nhà trai bản bên kia sang rước nàng về. Nàng ngậm ngùi bảo bố mẹ cho nàng ra sông Nậm Mộ gội đầu trước khi theo chồng. Thế rồi nàng bước đi theo hướng mặt trời lặn mà không biết mình đang ở đâu. Bước chân của nàng dần đưa nàng lên phía núi cao. Đêm giá lạnh và cái đói đã làm nàng gục xuống trên vùng rẻo cao và hóa thành cây tre. Nhưng cây tre này chỉ cho ra những ngọn măng vào mùa Xuân, cây măng có vị đắng như chuyện tình duyên của nàng vậy...
Đặc sản vùng cao
Vào bản Lưu Phong của xã Lưu Kiền (Tương Dương) gặp lúc đoàn người đang tấp nập gùi măng về sau một ngày lao động vất vả, gương mặt ai cũng lộ rõ niềm vui. Anh Lô Văn Xá, bản Lưu Phong phấn khởi: “Đang đầu mùa nên măng dễ kiếm hơn, càng vào cuối mùa càng khan hiếm, phải đi cả ngày mới được một ít”. Hai vợ chồng anh ra đi từ buổi sáng sớm mới lấy được chừng 30 kg măng. Nghe tin vợ chồng anh đi lấy măng về, mấy người trong bản kéo đến, cánh đàn ông nướng măng trên ngọn lửa làm mồi uống rượu; cánh phụ nữ bó măng lại thành từng bó nhỏ chia cho các nhà trong bản; còn mấy em nhỏ đang ngồi bóc những búp măng ăn sống một cách ngon lành. Nhìn cơn mưa xuân lất phất ngoài trời, anh Xá hớn hở bảo: “Trời mưa thế này là măng mọc nhanh lắm đây”.
Măng đắng là loại măng cùng họ với măng nứa, tre, giang… nhưng có đặc điểm chỉ mọc ở vùng cao, có khí hậu lạnh. Măng đắng mọc sâu trong lòng đất bền bỉ, kiên cường như thử thách ý chí của những người đi tìm nó. Những vật dụng để hái măng được người dân mang theo là cuốc, dao và thuổng. Không đơn giản như măng tre chỉ việc chặt ngang mà muốn lấy được măng đắng phải đào sâu xuống đất. Già làng Lương Văn Quyên ở xã Lưu Kiền (Tương Dương) bảo rằng: “Đưa được củ măng đắng về đến nhà không đơn giản chút nào đâu. Khi gà vừa gáy sáng đã phải xách thuổng lên rừng, hì hục đào mãi mới đầy được bế. Về đến nhà cũng là lúc con gà đã lên chuồng đi ngủ”.
Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay, có vị đắng pha lẫn vị ngọt khi ăn. Loại măng đắng này mọc nhiều trong vùng rừng núi cao không phải đào bới như các loại khác. Còn loại măng to như bắp chân người lớn thì phải đào sâu xuống lòng đất mới lấy được. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn. Anh Lô Văn Xá bảo rằng, không phải ai cũng phân biệt được các loại măng đắng. Loại to cũng có loại đắng và không đắng. Hầu hết các loại này người Thái đều gọi là “nỏ khốm” nhưng “nỏ khốm” có vỏ màu tím thì ít đắng hơn. Còn loại “nỏ khốm” vỏ có màu vàng thì dù nằm trong đất hay khi đã lên cao vẫn rất đắng. Do vậy, khi mua măng, người mua có thể tùy theo sở thích của mình để chọn măng, nhưng tốt nhất là lúc mua nên hỏi kỹ người dân loại nào đắng, loại nào không.
Trời mùa Xuân se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng của bà con dân bản thưởng thức món măng nướng thật khoái. Anh Lô Văn Xá bảo: “Người ở xuôi mang măng về không biết chế biến thế nào chứ món truyền thống của bà con ở đây là các món luộc, nướng trên than củi hoặc nấu canh lá lốt. Trong đó món măng đắng nướng trên than củi là món được ưa thích nhất”. Vừa nhấm nháp món măng nướng vừa nghe anh thao thao bất tuyệt, về các món măng đắng mà người dân thường chế biến như một ẩm thực gia chuyên nghiệp của vùng cao, chúng tôi đi hết thú vị này đến bất ngờ khác.
Theo anh, khi đốt lửa, chọn những loại củi cho nhiều than, lúc than đã đượm là lúc mang những củ măng đắng đưa vào ủ kín. Đợi đến lúc lớp vỏ măng bên ngoài cháy đen, dùng tay bóp nhẹ phần ngọn của măng thấy mềm thì đó là lúc măng đã chín. Hương vị măng đắng quyện với vị của than củi thơm nồng nàn khó cưỡng.
Còn về món măng luộc, theo anh, người xuôi về thường róc hết vỏ rồi cắt nhỏ ra mới luộc. Làm như vậy thì mất hết vị ngon ngọt của măng. Muốn có được món măng luộc ngon thì khi đưa măng về phải để cả vỏ rửa sạch, sau đó cho vào nồi luộc để giữ được chất ngọt và hương vị nồng nàn của măng rừng.
Dọc Quốc lộ 7 từ địa bàn huyện Tương Dương lên đến Thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn mùa này, dân bản bày bán rất nhiều măng đắng. Giá 1 kg măng đắng đầu mùa khoảng từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng, ra đến thị trấn có thể đắt hơn nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua. Có người mua về để ăn, có người mua về để làm quà. Chia tay bà con dân bản khi đã được thưởng thức đặc sản núi rừng, chúng tôi cũng mỗi người mua một ít măng đắng về làm quà cho người thân ở dưới xuôi. Lúc lên xe để về, mấy chị trong bản Lưu Phong còn dặn theo: “Về nhà nhớ làm măng ăn liền, đừng để quá 3 ngày sẽ không ngon nữa đâu”. Nhìn những củ măng mang theo lòng chợt thấy vui như trẻ nhỏ được quà, càng thấy yêu hơn núi rừng và con người miền Tây xứ Nghệ.
Đào Thọ