Ở giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000, chiếc áo số 10 thuộc về tiền đạo Văn Sỹ Thủy. Với chiếc áo số 10 sau lưng, cầu thủ sinh năm 1974 đã cùng SLNA gặt hái được rất nhiều danh hiệu cao quý. Bên cạnh những danh hiệu mang tính tập thể như vô địch Giải vô địch quốc gia 2000, vô địch V.League 2001 hay vô địch Cúp quốc gia 2002, Văn Sỹ Thủy còn giành được danh hiệu Vua phá lưới tại Giải vô địch quốc gia 2000, với tổng cộng 14 bàn thắng. Tính đến thời điểm hiện tại, Văn Sỹ Thủy là cầu thủ duy nhất của SLNA đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở giải đấu danh giá nhất Việt Nam.

bna_bl_anh_13075126_2242020.jpgVăn Sỹ Thủy từng có nhiều năm sở hữu chiếc áo số 10. Ảnh tư liệu Quang Minh

Sau khi người đàn anh Văn Sỹ Thủy chia tay SLNA (cuối năm 2003), Phạm Văn Quyến chính là gương mặt có vinh dự được khoác lên chiếc áo số 10 huyền thoại. Không phụ lại kỳ vọng của Ban huấn luyện SLNA và người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ, cầu thủ sinh năm 1984 đã thi đấu vô cùng ấn tượng trong 2 mùa giải liên tiếp (2004 - 2005). Có lẽ, tiền đạo mang biệt danh “cậu bé vàng” là chủ nhân xuất sắc nhất của chiếc áo số 10 của SLNA, suốt hơn 4 thập kỷ tồn tại. Tiếc rằng, cuối năm 2005, Phạm Văn Quyến lại dính vào vụ án bán độ tại Bacolod (Philippines) và phải rơi vào vòng lao lý.

Việc Phạm Văn Quyến phải thụ án, khiến chiếc áo số 10 của SLNA trở thành vô chủ. Bước vào mùa giải 2006, Ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ đã quyết định trao chiếc áo này cho ngoại binh Achinike sở hữu. Đây là ngoại binh đầu tiên có vinh dự được khoác lên chiếc áo số 10 của đội chủ sân Vinh. Tuy nhiên, Achinike cũng chỉ trụ lại SLNA được một thời gian ngắn, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Kết thúc vòng 4 V.League 2006, Achinike bị SLNA thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Chiếc áo số 10 của SLNA phải để trống đến hết mùa giải năm đó.

Thời còn thi đấu cho SLNA, Phạm Văn Quyến luôn mang chiếc áo số 10. Ảnh tư liệu

Đầu mùa giải 2007, nhận thấy chiếc áo số 10 của đội nhà không có đồng đội nào lựa chọn, tiền vệ Oliveira đã đề đạt nguyện vọng muốn được sở hữu nó lên Ban huấn luyện SLNA và ngay lập tức được chấp thuận. Tại mùa giải ấy, Oliveira thi đấu không thật sự xuất sắc ở vị trí tiền vệ cánh trái. 2 bàn thắng là tất cả những gì mà cầu thủ người Brazil làm được cho đội bóng xứ Nghệ. Hiện tại, Oliveira đang làm việc ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ B.Bình Dương, trên cương vị HLV trưởng của đội U19.

Người tiếp theo khoác chiếc áo số 10 của SLNA tại mùa giải 2008 là tiền đạo Opara, cựu cầu thủ Huda Huế. Được sát cánh với Lê Công Vinh trên hàng tiền đạo, Opara đã thi đấu khá năng nổ và hiệu quả. Ngoài 7 bàn thắng ghi được cho đội bóng xứ Nghệ, Opara còn làm tốt vai trò khuấy đảo, kéo giãn hàng phòng ngự đối phương để tạo cơ hội lập công cho các đồng đội. Thành tích ghi 11 bàn tại V.League 2008 của Lê Công Vinh, có công không nhỏ của ngoại binh Opara. Đó cũng là mùa giải duy nhất Opara khoác áo SLNA.

Bước vào mùa giải 2009, chiếc áo số 10 lại thuộc về Phạm Văn Quyến. Nhưng khác với lần trước, cầu thủ người Hưng Nguyên đã không còn “mặc vừa” chiếc áo này nữa. Càng thi đấu, Phạm Văn Quyến càng thể hiện sự uể oải, nhạt nhòa. “Cực chẳng đã”, đầu mùa giải 2012, Ban lãnh đạo SLNA đã phải để cựu tiền đạo U23 Việt Nam đầu quân cho Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, theo hình thức cho mượn. Mùa giải 2012 hạ màn cũng là thời điểm Phạm Văn Quyến chính thức hết hạn hợp đồng với đội bóng quê hương.

Phạm Văn Quyến gia nhập The Vissai Ninh Bình, chiếc áo số 10 của SLNA được trao cho tiền đạo Plaza. Dẫu vậy, ngoại binh từng có 2 năm khoác áo Navibank Sài Gòn lại không chứng tỏ được gì nhiều. Theo thống kê, tại V.League 2013, Plaza chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn thắng. Một thành tích quá thất vọng. Bởi thế, đội bóng xứ Nghệ đã không giữ Plaza lại để thi đấu ở mùa giải tiếp theo, bất chấp họ đã từng gửi chân sút người Trinidad - Tobago “tu nghiệp” ở Navibank Sài Gòn suốt 2 năm trời.

Trần Phi Sơn khá thành công cùng chiếc áo số 10. Ảnh tư liệu

Ngoại binh Plaza ra đi, tiền vệ trẻ Trần Phi Sơn là chủ nhân mới của chiếc áo số 10. Trong 3 mùa giải liên tiếp (2015 - 2017), “Ronaldo Việt Nam” đã chứng tỏ được sự trưởng thành vượt bậc. Những pha đảo chân như “rang lạc”, những pha đi bóng tốc độ, lắt léo của chàng tiền vệ người Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm mê đắm các cổ động viên bóng đá xứ Nghệ. Nhờ sự xuất sắc của Trần Phi Sơn, chiếc áo số 10 như được hồi sinh, sau bao năm lang bạt qua nhiều cầu thủ khác nhau. Không ngoa khi nói rằng, ngoài Phạm Văn Quyến ở giai đoạn 2004 - 2005 ra, chưa có gương mặt nào “mặc vừa” chiếc áo số 10 của SLNA như Trần Phi Sơn.

Hồ Tuấn Tài là chủ nhân của chiếc áo số 10 ở 3 mùa giải gần nhất. Ảnh tư liệu

Kể từ khi Trần Phi Sơn chia tay sân Vinh (cuối năm 2017), chiếc áo số 10 của đội bóng xứ Nghệ đang thuộc quyền sở hữu của tiền đạo Hồ Tuấn Tài, em họ của Phạm Văn Quyến. Đánh giá một cách công bằng, với những gì đã và đang làm được, cầu thủ sinh năm 1995 hoàn toàn xứng đáng với chiếc áo số 10 của SLNA, ít nhất là ở thời điểm này. Hy vọng, Hồ Tuấn Tài sẽ thi đấu xuất sắc, góp phần giúp đội bóng quê hương gặt hái được những thành công./.