(Baonghean) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, sản lượng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân và các cơ chế hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở.
Theo chân anh Lê Đình Quang - Phó Ban Nông nghiệp, phụ trách Bảo vệ thực vật kiêm khuyến nông viên của xã Phúc Thành (Yên Thành) để tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, hết lòng vì công việc của những người làm công tác khuyến nông. Vừa xuống thăm ruộng ngô trồng thử nghiệm giống mới tại xóm 1, lại tất tả đến kiểm tra tổng thể mô hình phân bón qua lá cho cây ngô vụ xuân ở xóm 4. Anh cũng không ngần ngại vào tận chuồng nuôi gia súc, gia cầm của các hộ dân để nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi và hướng dẫn thêm cách phòng, chống dịch bệnh theo mùa vụ. Anh còn chủ động phối hợp với các đoàn thể, tham mưu cho UBND xã xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với từng thời vụ, từng năm. Nhờ hiệu quả của công tác khuyến nông, mà nông dân trong xã ngày càng có trình độ thâm canh các loại cây trồng chủ lực là lúa, ngô...
Anh Lê Đình Quang chia sẻ: “Làm công tác khuyến nông cơ sở là phải bám đồng, lội ruộng cùng với người nông dân để hướng dẫn, giúp họ thực hiện sản xuất, đảm bảo theo kế hoạch, mùa vụ. Kể cả những lúc đi chơi quanh xóm, tôi cũng tranh thủ tuyên truyền giúp bà con áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Bên cạnh đó cũng phải lắng nghe ý kiến từ chính những người dân để có cách truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phù hợp, bà con nghe dễ hiểu để yên tâm áp dụng làm theo”.
Tại xã Phúc Thành, hệ thống khuyến nông cơ sở được Trạm Khuyến nông huyện đánh giá hoạt động khá hiệu quả. Ngoài việc tham mưu cho trạm, UBND xã xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn KHKT cho nông dân. Cán bộ khuyến nông xã còn phối hợp hài hòa với đội ngũ khuyến nông viên thôn, xóm thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo sâu bệnh kịp thời. Riêng trong năm 2014, hệ thống khuyến nông và Ban Nông nghiệp xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu có giá trị; phổ biến, chọn giống cây, kỹ thuật thâm canh, giúp tăng năng suất các loại cây trồng.
Tại xóm Yên Trung đã chuyển đổi được 8ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đạt năng suất 50 tạ/ha, chuyển 8 ha lúa sang trồng đậu cao sản… phối hợp với Trạm Khuyến nông, các công ty giống cây trồng xây dựng thành công các mô hình thử nghiệm giống ngô lai PAC 999, 669, 339 quy mô 5ha; mô hình thử nghiệm phân bón qua lá Lactofol cho cây ngô vụ đông trên diện tích 2 ha; mô hình thâm canh ngô nếp tím vụ đông trên quy mô 1ha... Kết quả thử nghiệm 3 giống ngô lai, năng suất cao hơn giống ngô đối chứng (C919) từ 30 - 40 kg/sào. Mô hình phân bón qua lá năng suất trên mô hình thử nghiệm đạt 56,7 tạ/ha, cao hơn 4,7 tạ/ha so với đối chứng, lãi đạt 25.840.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng gần 5.000.000 đồng/ha… Theo nhận xét của lãnh đạo xã, các mô hình này cần nhân rộng cho những vụ tiếp theo và trồng trên các vùng đất khác nhau vì đây là giống ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí thuốc BVTV.
Những năm gần đây, hệ thống khuyến nông cơ sở ở huyện Nghĩa Đàn hoạt động tương đối ổn định, cán bộ khuyến nông chuyên trách xã có trình độ chuyên môn đang dần được trẻ hóa. Theo ông Bùi Quốc Tuấn - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nghĩa Đàn: Hiện trên địa bàn huyện có 25 khuyến nông viên cấp xã và 311 khuyến nông viên thôn, xóm. Hàng năm, trạm tổ chức từ 10 - 12 lớp tập huấn cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Mỗi khuyến nông viên đều được giao thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá mô hình khuyến nông tại địa phương mình; phối hợp với trạm tập huấn, hội thảo mô hình cho bà con nông dân… Năm 2014, trạm đã chỉ đạo khuyến nông viên cơ sở phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của người dân; xây dựng thành công các mô hình trình diễn, như áp dụng mật độ hợp lý kết hợp công nghệ tưới phun mưa cho mía nguyên liệu trên quy mô 1 ha tại xã Nghĩa Hiếu; qua đánh giá, năng suất mô hình đạt 82 tấn/ha, lãi thuần 26.000.000 đồng, tăng 30% so với các trồng đại trà. Mô hình chăm sóc mía LK 92 – 11 trên diện tích 2 ha, năng suất đạt 81 tấn/ha, tổng thu đạt 64.000.000 đồng/ha, cho lãi thuần tăng 18% so với cách sản xuất đại trà. Hay mô hình chăn nuôi gà thịt giống mới theo hướng VietGAP với quy mô trên 1.000 con, tỷ lệ sống trên 95%, gà đạt trọng lượng bình quân 2,2 – 2,5 kg/con; lãi từ mô hình tăng hơn 17% so với chăn nuôi bình thường…
Hiện, toàn tỉnh có 468 xã, phường có sản xuất nông nghiệp, được bố trí mỗi xã một cán bộ khuyến nông viên trên cơ sở 1 trong 2 chức danh Bảo vệ thực vật hoặc Thú y xã. Công việc chính của mỗi khuyến nông viên xã là chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sản xuất đảm bảo khung thời vụ, đặc biệt là các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng tâm của từng huyện. Bên cạnh đó, khuyến nông viên còn là lực lượng nòng cốt thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi, báo cáo chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn kịp thời có biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Mỗi khuyến nông viên còn là một tuyên truyền viên tích cực, là “cầu nối” đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đến với người nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu và mùa vụ sản xuất ở cơ sở, hỗ trợ tích cực cho nông dân ứng dụng vào sản xuất thực tế tại gia đình, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất đạt hiệu quả. Khuyến nông viên còn thường xuyên tư vấn cho nông dân hiểu rõ về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm tăng giá trị, giá thành sản phẩm.
Đánh giá về vai trò của lực lượng này, ông Cao Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cho biết: “Đội ngũ khuyến nông viên cơ sở chính là những người bạn của nhà nông, am hiểu ruộng đồng nên dễ dàng truyền đạt những thông tin, kiến thức của khoa học kỹ thuật tới nông dân. Vì vậy, từ nhiều năm qua, khuyến nông cơ sở chính là cánh tay đắc lực của ngành nông nghiệp trong việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con từ đó đưa ra được những chủ trương, cách làm đúng mang lại hiệu quả góp phần tăng dần thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Tuy nhiên, ở một số địa phương cán bộ khuyến nông viên cơ sở chưa thực sự say mê với công việc, thiếu chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến nông; sự phối hợp hoạt động với các tổ chức, ngành, đoàn thể trên địa bàn chưa cao. Chức danh cán bộ khuyến nông xã thiếu ổn định, do thay đổi nhiều nên thiếu kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông. Chuyên môn chủ yếu của khuyến nông viên cơ sở hiện nay mới tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi; các lĩnh vực khác như thủy sản, lâm nghiệp… chiếm tỷ lệ khá ít”.
Nền nông nghiệp đang ngày càng phát triển và thu được nhiều thành tựu quan trọng với việc ứng dụng khoa học, sản xuất những cây, con giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Nhưng để triển khai áp dụng thành công vào thực tế của từng địa phương đòi hỏi người nông dân phải nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất, chăn nuôi. Để thực hiện được điều đó, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở đóng vai trò quan trọng, giúp bà con nông dân có những mùa vàng bội thu.
Ngọc Anh