(Baonghean) - Trong quá trình phát triển kinh tế, huyện Anh Sơn lồng ghép các chương trình, xây dựng các mô hình khuyến nông, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, điều kiện thực tế của từng địa phương, giúp nông dân tiếp cận với cách làm mới, đạt hiệu quả cao.
Vụ hè thu năm 2014, theo nguồn hỗ trợ kinh phí nông thôn mới, gia đình ông Lô Văn Thủy, Bí thư Chi bộ xóm Nhân Tài, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) chuyển 4 sào đất trồng ngô, lạc không có hiệu quả sang trồng cây bí xanh bằng giống HN999. Mô hình được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ việc ứng dụng chế phẩm phân bón công nghệ nano (nhập khẩu từ Mỹ, được Bộ Nông nghiêp cho phép ứng dụng trên phạm vi cả nước) vào quy trình làm đất, tạo cành, tạo quả của cây bí. Nhờ đó, bí phát triển nhanh, không sâu bệnh, năng suất đạt 1 tấn/sào, với giá bán 5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cho lãi ròng trên 13 triệu đồng trong vòng 3 tháng, tăng 50% so với cây trồng trước đó. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Hiện nay, 32 ha bí xanh chuyển đổi trên đất đồng vệ của xã cho thu nhập gần 4 tỷ đồng/vụ. Người trồng bí đã chủ động được nguồn giống. Thấy hiệu quả, nhiều bản trong xã đã chuyển cơ cấu 2 vụ lúa và 1 vụ bí đông trên đất lúa. Vụ xuân 2015 , bà con các bản Cẩm Lợi, Hạ Du đã mở rộng diện tích hơn 5ha trồng bí xanh trên đất bãi”.
Sau dồn điền, đổi thửa, vụ xuân 2014, xã Tường Sơn đưa vào cơ cấu 40 ha ngô mật độ dày bằng giống C919. Lượng giống sử dụng cho ngô mô hình tăng 0,5kg/sào so với trồng ngô thông thường. Mô hình này được tỉnh hỗ trợ 33% kinh phí, bao gồm giống, phân, lân, kaly... Kết quả, năng suất ngô mô hình đạt 4 tạ/sào, tăng 1,8 tạ/sào, so với ngô canh tác cũ, với giá bán 700 ngàn đồng/tạ, bà con thu về lãi ròng 22 - 25 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với ngô trồng theo phương pháp trước đó. Từ hiệu quả thực tế, xã tiếp tục xây dựng 2 cánh đồng mẫu ngô mật độ dày gồm 30 ha bằng giống DK 6919 và 60 ha ngô C919... Từ hiệu quả mô hình trồng ngô mật độ cao tại xã Tường Sơn, đến nay toàn huyện đã nhân được hàng trăm ha ngô mật độ cao tại xã Tam Sơn (300 ha), Hùng Sơn (40 ha).
Ngô trồng dày được bố trí trên chân đất 2 lúa, đất vệ và ngô vụ 3 tại nhiều xã, năng suất tăng 15 - 20% so với phương thức canh tác cũ. Cùng với cây ngô, mô hình trồng và thâm canh cây bí xanh bằng công nghệ nano (150 triệu đồng/mô hình) được triển khai gần 100 ha tại Cẩm Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn cho năng suất đạt 30 - 40 tấn/ha, mang về doanh thu hàng tỷ đồng/năm từ trồng bí. Mô hình trồng và thâm canh mía giống mới Rốc 16, quy mô 2 ha tại xã Phúc Sơn cho năng suất đạt 82 tấn/ha, thu nhập 62 triệu đồng/ha, lãi ròng 37 triệu đồng/ha, tăng 30% so với quy trình đầu tư cũ. Mô hình cánh đồng mẫu lớn 40 ha lúa chất lượng cao ở Tào Sơn, Lĩnh Sơn tăng 20% giá trị so trồng lúa thường...
Anh Sơn là địa phương có đất đai rộng nhưng điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu vùng màu không có, tâm lý người dân thường lo ngại về đầu ra cho sản phẩm nên chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, những năm qua huyện chủ trương đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao chuyển giao cho bà con nông dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Để đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, điều quan trọng nhất là phải đi từ những việc làm, mô hình cụ thể, thiết thực. Cùng với quá trình đẩy nhanh dồn điền, đổi thửa để tạo ra ô thửa lớn, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa tập trung, năm 2012, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2318/UBND phê duyệt Đề án "Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012 - 2015” nhằm lựa chọn các cây, con chủ lực, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Trên tinh thần các đề án sản xuất hàng năm, huyện đã vận dụng tốt nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép qua chương trình xây dựng NTM để triển khai các mô hình có hiệu quả, kịp thời.
Qua trao đổi, ông Trần Văn Hà - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn, cho biết: Để xây dựng và thực hiện các mô hình cây trồng đạt kết quả, trạm khảo sát kỹ vùng đất, lựa chọn hộ tham gia với phương châm “cầm tay chỉ việc”. Bình quân hàng năm, trạm phối hợp tổ chức trên 50 lớp chuyển giao KHKT, thu hút trên 4 ngàn hội viên tham gia. Hoạt động đó góp phần nâng cao hiệu quả cây trồng nông nghiệp, mở ra cách làm ăn mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. Tại nhiều xã như Cẩm Sơn, Tường Sơn, Hùng Sơn, Phúc Sơn, người dân chủ động sản xuất hàng trăm tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp để thâm canh mía, bí, ngô, chè, lúa. Huyện Anh Sơn đang tiếp tục huy động các nguồn vốn của Nhà nước, huy động sức dân gắn với chương trình xây dựng NTM để đầu tư, nâng cấp đường giao thông, điện lưới nhằm phục vụ cho việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phấn đấu có 1.000ha ngô trồng dày trên đất bãi và đất 2 lúa tại các xã có tiềm năng và từ 200 - 350 ha bí xanh thâm canh năng suất cao. Vụ xuân năm 2015, toàn huyện phấn đấu mỗi xã có 1 cánh đồng mẫu lớn về lúa…
Lương Mai
Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT, đến ngày 30/1/2015, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 38 nghìn ha lúa trong tổng kế hoạch 86 nghìn ha. Trong đó, có 27. 200 ha lúa cấy và 10.579 ha gieo thẳng. Theo đánh giá chung, việc chấp hành các quy trình sản xuất từ gieo, chăm sóc mạ được người dân thực hiện khá nghiêm túc, thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, điều đáng ngại trong sản xuất vụ xuân năm nay là dù đã được cảnh báo trước nhưng nhiều người dân ở một số địa phương vẫn ra mạ và gieo cấy sớm so với lịch thời vụ. Hiện tại, trời đang mưa rét, nhiệt độ chỉ ở mức bình quân 15 - 160C vào ban đêm và gần 200C vào ban ngày, kìm hãm sự phát triển của cây lúa. Thời gian tới, nếu trời nắng ấm, diện tích lúa gieo cấy sớm sẽ có nguy cơ trổ sớm, đúng vào giai đoạn rét cuối mùa, nguy cơ mất mùa có thể xảy ra. Bởi vậy, với những diện tích này, bà con cần tập trung chăm sóc để lúa phát triển mạnh, không để lúa cằn sẽ càng trổ sớm. Cùng với việc tập trung gieo cấy, phủ kín diện tích lúa xuân trước Tết Nguyên đán, bà con cần thường xuyên thăm đồng để theo dõi diễn biến sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên những diện tích lúa mẫn cảm với bệnh như AC5, BC15. Hiện tại, trên một số diện tích lúa cấy sớm ở Hưng Nguyên, TP. Vinh… đã xuất hiện bệnh đạo ôn. “Trong sản xuất vụ xuân năm nay, giai đoạn cây lúa cần được tập trung chăm sóc đợt 1 (15 - 17 ngày sau cấy) trùng vào thời gian nghỉ Tết và kéo dài đến Rằm tháng Giêng, nên bên cạnh việc vui Tết, đón Xuân, bà con cần tranh thủ thời gian ra đồng chăm bón cho cây lúa theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan BVTV từ Chi cục đến các trạm phải thường xuyên bố trí cán bộ từ ngày mùng 2 Tết phải tiến hành đi thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời nếu lúa có sâu bệnh”- ông Lập cho biết. Phú Hương |