(Baonghean) - Tổng kết vai trò của phân bón trong sản xuất lúa, từ trước, cha ông ta đúc kết “lúa có phân, như thân có của”.
 
Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh vai trò quan trọng của phân trong thâm canh cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Đối với lúa, phân bón góp phần tăng năng suất 40%. Còn yếu tố giống tăng 30%, bảo vệ thực vật (BVTV) 20%, cơ giới 10%. Như vậy  phân bón là yếu tố quan trọng nhất trong thâm canh, nâng cao năng suất lúa. Đồng thời cũng chiếm tỷ lệ cao trong chi phí sản xuất lúa. Bà con chúng ta cũng cần hiểu lượng phân bón cho lúa được cây hấp thu rất thấp, hay nói cách khác là hiệu suất của phân bón không như bà con mong muốn. Theo số liệu của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt, hiệu suất sử phân bón của nước ta rất thấp, đối với phân đạm chỉ 45 - 50%, phân lân  25 - 35% và kali 60%.
 
Còn ở Nghệ An, hiệu suất sử dụng phân còn thấp hơn. Kết quả chương trình “Bón phân cân đối cho cây lúa” hợp tác giữa Viện Lân và kali châu Á Thái Bình dương với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An từ năm 1995 - 2001, qua thí nghiệm sử dụng về bón với cây lúa, cây vừng, cây ngô trên các loại đất chính ở Nghệ An, cho thấy, phân bón cho lúa góp phần nâng cao năng suất 35 - 42%; về hiệu quả sử dụng phân bón của cây lúa chỉ đạt 35 - 40% đối với phân đạm, 20 - 25 % đối với phân lân và 50 - 55%  đối với kali.
 
Tại sao lại có sự chênh lệch đó, theo chúng tôi, do thời tiết ở Nghệ An khắc nghiệt. Vụ đông xuân thường có rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng của cây lúa, nhất là phân đạm. Vụ hè thu nắng nóng, gió mùa Tây Nam, có khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 - 400C. Thậm chí có nơi như Quỳ Châu, Tương Dương đạt 40 - 410C. Điều này đã làm phân bị bốc bay nhanh.
 
Để nâng cao hiệu quả phân bón, chúng tôi xin trao đổi với bà con một số thông tin về “Bón phân cân đối hợp lý” cho cây lúa vụ xuân như sau: Trước hết bà con cần hiểu tác dụng của một số phân bón chính trong thâm canh lúa.
Phân hữu cơ:
 Có 2 loại phân hữu cơ tự nhiên như phân trâu bò, phân của các loại gia súc và phân hữu cơ vi sinh được chế biến thông qua con đường lên men các sản phẩm hữu cơ. Cả hai loại này chủ yếu cung cấp cho đất một lượng chất hữu cơ góp phần tăng độ phì của đất. Ngoài ra còn cung cấp một số khoáng chất trung lượng và vi lượng khác rất cần cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.
 
Phân vô cơ: 
 
Phân đạm: Có nhiều loại phân đạm, như: Urê - CO(NH2), Sulphatamon (NH4S04),  Nitratamon (NH4NO3). 
 
Phân lân: Phân lân tự nhiên như Apatit, photphorit, loại này khó hòa tan. Phân lân chế biến như Super lân, lân nung chảy. Nên nhớ lân chủ yếu lấy từ thiên nhiên. 
 
Phân kali: Chủ yếu hình thành từ thiên nhiên. Có hai loại phân kali thường được dùng trong nông nghiệp, kali sulphat (K2S04), Kali clorua (KCl)
 
Phân phức hợp: DAP (NH4)2HPO4, có tỷ lệ lân 45% lân, 16% đạm.
 
Phân NPK hỗn hợp: có tỷ lệ NPK khác nhau. Hiện nay có những loại phân NPK chuyên dùng cho từng loại cây trồng khác nhau.
 
Về nhu cầu đạm, lân và kali của cây lúa: Để đạt 10 tấn thóc và 8 tấn rơm rạ, cây lúa lấy đi từ đất khoảng 218kg đạm, 31 kg lân, 258 kg kali nguyên chất tương đương 474kg Ure, 180 kg Super lân, 516 kg kali. Giai đoạn cây lúa cần đạm nhất là đẻ nhánh phân hóa đòng. Cây lúa không được cung cấp đạm đầy đủ sẽ còi cọc, phát triển chậm, lá có màu xanh nhạt đến vàng từ chóp lá. Nếu thiếu trầm trọng, năng suất thấp, hàm lượng protein ít, chất lượng gạo kém. Cây lúa được bón đầy đủ lân tăng khả năng hấp thu đạm, rễ phát triển mạnh, đẻ tập trung, chống chịu rét, ra hoa nhiều, tỷ lệ thụ phấn cao, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Thiếu lân rễ phát triển kém, thiếu nhiều lá và thân có nhiều vết tím tía, thân thon mảnh, lá nhỏ có màu xanh đậm.
 
Kali xúc tiến quá trình quang hợp, tăng khả năng hút đạm của cây lúa. Bón đầy đủ kali giúp cây lúa cứng, chống đổ tốt, tăng khả năng chịu rét, chống sâu bệnh tốt, tăng tỷ lệ hạt chắc, tăng năng suất và chất lượng. Thiếu kali lá có màu vàng dọc theo lá, tỷ lệ lép cao, gạo dễ bị gãy. Cây lúa cần kali ở giai đoạn phân hóa mầm hoa
 
Về tỷ lệ thích hợp cho cây lúa: Tỷ lệ đạm và kali bón cho lúa là 1:1. Khi tìm hiểu về vấn đề này, đa số nông dân chưa quan tâm đến tỷ lệ các loại phân khi bón. Ông Phạm Lạc ở xóm 2 xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên cho biết, đầu tư phân bón cho 1 sào như sau: 25kg NPK-8:10:3, 7kg urê, 3kg kali. Nếu theo số lượng này thì tỷ lệ NPK chỉ có 1:0,5:0,4. Theo chúng tôi, đối với lúa lai nên tăng lượng kali để có tỷ lệ NPK khoảng 1:0,6:0,8 là phù hợp.
 
Kỹ sư: Phan Bùi Tân
(CTV)
Về phương pháp bón: Bón phân không đơn thuần là kỹ thuật mà là nghệ thuật bón phân. Đặc biệt phân đạm, đây là vấn đề nhạy cảm vì không nắm chắc kỹ thuật bón sẽ không có tác dụng, thậm chí gây hậu quả xấu. Vì vậy bón phân cho lúa vụ xuân cần căn cứ vào những nội dung sau:
 
Thực hiện “3 nhìn” khi bón phân, nhất là phân đạm
 
Nhìn trời: Khi bón phân nên quan sát thời tiết vì nó ảnh hưởng rất lớn đến hấp thu phân bón của cây lúa. Khi nhiệt độ dưới 16 - độ C tuyệt đối không được bón đạm. Ngược lại khi rét bón kaly thì có tác dụng tốt.
 
Nhìn đất: Những chân ruộng sâu trũng có nhiều mùn thì nên giảm lượng đạm mà tăng vôi và lân.
 
Nhìn cây: Trước khi bón phân nên quan sát màu sắc của lá lúa. Nếu lá lúa xanh đậm là thừa đạm. Nếu lá lúa có màu vàng toàn bộ là thiếu đạm. Nếu vàng từ mép lá là thiếu kali.
 
Về liều lượng bón qua các thời kỳ: Đạm bón lót 40 - 50%, thúc đẻ nhánh 50%, bón đón đòng số đạm còn lại. Lưu ý nếu qua sát thấy lá lúa xanh đậm không cần bón đạm. Lân và NPK bón lót 100%.  Bón vôi trước khi bón lân. Kali bón khi lúa đẻ 40%, số còn lại bón thúc đòng.