phan_van_thiet2767555_6122021.png

“Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, biên giới; địa hình trắc trở, phức tạp; dân cư được bố trí co cụm dọc các bìa rừng, triền đồi, khe, suối. Việc đi lại học tập của học sinh vùng này vô cùng khó khăn; nếu đến điểm trường trung tâm phải mất cả ngày trời. Từ đặc thù đó, ngoại trừ thị trấn, ở 20 xã còn lại, các trường tiểu học đều có điểm trường lẻ với tổng 105 điểm.

Việc tổ chức các điểm trường lẻ sẽ tạo thuận lợi cho các cháu bậc tiểu học không phải đi xa, tuy nhiên, công tác quản lý cũng như chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo khác có những hạn chế nhất định. Đặc biệt, theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vào năm học 2022 - 2023 tới đây, học sinh lớp 3, 4 và 5 bậc tiểu học sẽ có thêm 2 môn học bắt buộc là Tin học, tiếng Anh. Để tổ chức dạy 2 môn học bắt buộc này thì cần phải chuyển tất cả học sinh ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm mới có thể đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên để giảng dạy.

Song khó khăn lớn nhất là khi chuyển học sinh các điểm trường lẻ về, các trường trung tâm sẽ không đáp ứng được về cơ sở vật chất, bao gồm phòng học có thể tăng từ 5 phòng lên 7 - 10 phòng/trường; rồi đến nhà ở nội trú cho học sinh, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác cũng phải được xây dựng thêm. Bên cạnh cơ sở vật chất, hiện nay đối với bậc tiểu học, tỉnh chưa có chủ trương xây dựng trường phổ thông bán trú nên chưa có các cơ chế, chính sách đãi ngộ.

Từ thực tiễn đặt ra, đề nghị tỉnh cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các trường tiểu học vùng miền núi cao như Kỳ Sơn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; đồng thời có chủ trương xây dựng trường tiểu học dân tộc bán trú. Gắn với đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Ngoại ngữ và Tin học, đáp ứng đủ cho các trường học. Như Kỳ Sơn hiện nay, giáo viên môn Tin học và tiếng Anh bậc tiểu học đang thiếu nhiều, mới chỉ có 2 giáo viên Tin học/33 trường tiểu học và 12 giáo viên Ngoại ngữ/33 trường tiểu học”.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân; đặc biệt là giống, vật tư sản xuất nông nghiệp tăng; trong khi đó giá tiêu thụ nông sản không những không tăng mà còn giảm sâu, thậm chí có thời điểm không tiêu thụ được. Đơn cử như thức ăn chăn nuôi lợn từ 12 nghìn đồng/kg tăng lên 17 - 18 nghìn đồng/kg, nhưng giá lợn hơi lại giảm xuống 60 nghìn đồng/kg, có thời điểm giảm sâu chỉ 45 - 50 nghìn đồng/kg. Tương tự giá đầu vào đối với lúa tăng, nhưng đầu ra giảm, từ 700 - 720 nghìn đồng/tạ xuống còn 620 nghìn đồng/tạ, có thời điểm không tiêu thụ được.

Để sản xuất nông nghiệp có tính bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính sách cần hướng đến các nội dung cụ thể, như hỗ trợ tư vấn liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao…

“Mấy năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Thanh Chương được đầu tư xây dựng và nâng cấp khá đồng bộ. Tuy nhiên, mật độ tham gia giao thông của người và các phương tiện cũng tăng lên. Đặc biệt là xe quá khổ, quá tải chạy thường xuyên vào ban đêm, không kể ngày mưa hay nắng trên tuyến Quốc lộ 7B và tuyến đường liên xã, làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hiện tại trên tuyến đường này, ở một số đoạn đã bị lún, sụt, bong tróc nhựa và đá, tạo các ổ gà, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành cần có biện pháp, giải pháp xử lý quyết liệt và triệt để hơn tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra hiện nay”.

“Trên địa bàn thôn 13, xã Quỳnh Vinh có 2 dự án: Dự án Khu đô thị Xi măng Hoàng Mai diện tích 23,2 ha (thu hồi từ năm 2018 đến nay chưa xong gồm các thôn 9,12,13); Dự án Khu nhà biệt thự, khách sạn cao cấp và kinh doanh cây cảnh tại xã Quỳnh Vinh diện tích 2,7 ha (có kế hoạch từ năm 2012 có thôn 13).

Các dự án đó được đánh giá là động lực phát triển kinh tế, tạo cảnh quan đô thị cho địa phương, nhưng nhiều năm nay, việc đền bù cho người dân trong vùng dự án chưa xong, chưa triển khai thi công hạng mục nào, trong khi đó, đất của người dân bị thu hồi không sản xuất được, gây lãng phí. Nhân dân địa phương mong muốn Nhà nước cần quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án tạo cảnh quan đô thị, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Việc đặt tên các tuyến đường là hết sức cần thiết nhằm chỉnh trang diện mạo đô thị để từng bước hoàn thiện các tiêu chí thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Việc làm này còn có ý nghĩa rất lớn, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương, tôn vinh những nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong tiến trình dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng.  

Tuy nhiên, hiện nay, phường Vinh Tân còn diễn ra thực trạng “nhà không số, phố không tên”. Đơn cử như khối Tân Phượng còn 3 tuyến đường chưa có tên; các khối xung quanh như Tân An, Vĩnh Mỹ cũng chung tình trạng tương tự, không có tên đường, không có số nhà. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị và nhu cầu giao dịch của người dân. Do vậy, người dân đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành rà soát đặt tên đường, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao dịch kinh tế, giao lưu văn hóa, xã hội”.