Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 8/12/1961, chuyên cơ mang số hiệu 58482 hạ cánh xuống Sân bay Vinh. Ra đón Bác có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, của Quân khu IV. Từ sân bay về trụ sở của tỉnh, Bác ngồi trên xe U-oat, vẫy tay chào hàng vạn nhân dân thị xã Vinh, huyện Nghi Lộc cùng các địa phương lân cận đứng hai bên đường với cờ hoa vẫy chào Người.
Ngay trong buổi chiều 8/12, Bác có buổi nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An, làm việc với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Tại cuộc nói chuyện, làm việc trên, Bác nhấn mạnh việc củng cố hợp tác xã, nâng cao sản lượng nông nghiệp, đẩy mạnh hơn việc trồng cây, trồng rừng.
Sáng 9/12/1961, tại Sân vận động thị xã Vinh, Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào trong tỉnh về những thành tích đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An, nhắc nhở những việc cần làm để “phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.
Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Thái Lão (Hưng Nguyên) và sau đó Bác về xã Kim Liên, trước tiên là thăm quê ngoại Hoàng Trù. Mảnh đất Hoàng Trù - nơi Người cất tiếng khóc chào đời, sống 5 năm đầu tiên thời thơ ấu, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm của gia đình Bác với ông bà ngoại, dì An và bà con lối xóm... Bác vào thắp hương trong Nhà thờ họ Hoàng, đi quanh vườn và nhận biết chỗ nào được sửa chữa so với ngày Bác còn thơ bé. Người ngồi ở bậc thềm nhà ngang, trò chuyện với bà con và những người bạn tuổi thơ, ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu.
Ở quê nội Làng Sen, cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và một số xã lân cận. Mở đầu, Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”. Cũng như những lời dặn dò ở quê ngoại, Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cũng như lần đầu về thăm năm 1957, lần này Người không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, Bác không bao giờ quên dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi. Bác nói: “Các đồng chí nước ngoài đến thăm, thấy cha mẹ để cho con mình mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc, như thế cha mẹ có xấu hổ không? Phải chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu…”.Còn các cháu nhỏ thì phải chịu khó học hành để lần sau Bác về, thấy mọi người tiến bộ.
Cuối buổi nói chuyện Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Cả ngàn người hòa nhịp kết đoàn cùng Bác dưới bóng cây đa quê hương.
Chiều 9/12/1961, Bác gặp các đảng viên và cán bộ lâu năm, thăm Nhà máy Cơ khí Vinh, thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An.
Ngày 10/12, rời thị xã Vinh, Bác lên máy bay trực thăng nhằm hướng Tây Bắc Nghệ An thăm HTX Vĩnh Thành là HTX nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An, có Chiến sỹ Thi đua toàn miền Bắc Nguyễn Quỹ là Chủ nhiệm HTX. Đúng 7h, chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời, từ từ hạ độ cao rồi đáp xuống bãi đậu Rú Tháp cách lễ đài đón Bác chừng vài trăm mét. Lúc này, tuy đã sang mùa Đông nhưng trời vẫn nắng to, dù trán lấm tấm mồ hôi nhưng Bác vẫn không ngại nắng mà đi thật nhanh như sợ để bà con đợi lâu.
Sau khi ôm hôn và nhận hoa của các cháu thiếu nhi, bắt tay cán bộ huyện, xã đón tại cửa máy bay. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào rồi bắt đầu nói chuyện. Với chất giọng Nghệ ấm áp, lời Bác vang lên trìu mến thiết tha: “Thưa toàn thể đồng bào! Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh ủy về thăm HTX Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu. Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý: HTX Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, HTX Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá...”.Sau đó, Bác dặn dò chỉ bảo tỉ mỉ, cụ thể với bà con về sự quan trọng của nước, phân bón, về thời vụ với cây lúa và các cây trồng khác. Bác khen việc trồng cây của xã, Bác nói: “Trồng cây ở đây khá khá chứ chưa phải thật tốt đâu…”. Rồi Bác nói về những việc rất cụ thể như: Vệ sinh chưa sạch sẽ; Bác khen Ban Quản trị HTX, vấn đề đoàn kết, phải minh bạch, dân chủ trong chia công điểm, HTX phải quan tâm tới người già cả, neo đơn…
Đồng thời, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn. Người căn dặn: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố Hợp tác xã”...
Sau buổi nói chuyện, Bác đi thăm một số nơi ở làng Vĩnh Tuy: nhà trẻ, trại chăn nuôi, thăm hỏi, tặng quà một số người dân. Khi đi qua dãy chuồng trâu, Người bảo: “Phải cho trâu ăn đêm để mai có sức kéo. Làm sao khi cho trâu ăn phải đồng đều một lúc để trâu khỏi mất ngủ”.Khi ghé vào nhà trẻ xóm Vĩnh Phúc, nói chuyện với các chị trông trẻ Bác hỏi thăm ân cần về việc ăn, ngủ của các cháu có đúng giờ giấc không, ăn có đủ chất không… Rồi Bác nói đại ý: Trông giữ trẻ là công việc vất vả, bởi các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó. Bác chúc các cụ trông giữ, chăm sóc tốt các cháu để cha mẹ yên tâm làm ruộng. Rồi Bác ghé thăm ngôi nhà mái tranh của bà Thậm, nhà chị Máy... để thăm hỏi cuộc sống của bà con.
Tiếp đó, khi vào thăm Nhà thương, Bác hỏi thăm sức khỏe của 3 người hậu sinh và căn dặn chị Tâm (phụ trách): “Cháu cố gắng học tập thêm nữa, nâng cao và trau dồi tay nghề để phục vụ bà con ngày một tốt hơn”.
Từ Nhà thương, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương trở lại rú Tháp nơi chiếc trực thăng đang chờ đợi Người tiếp tục lên thăm Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn.
Nông trường Đông Hiếu - một trong những lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh. Ban Tổ chức bố trí sẵn một chiếc Volga để Bác đi thăm đồi cà phê, nhưng Bác lại chọn chiếc GAT 69 lấm lem bùn đất đang đậu ở ngoài sân. Chiếc GAT 69 rời trụ sở Nông trường tiến lên đồi cà phê. Khi thấy giữa những luống cà phê trồng xen lạc, Bác khuyến khích: Các chú làm rất tốt, cần tiến hành nhân rộng diện tích cà phê xen canh trồng lạc để lấy ngắn nuôi dài.
Trong thời gian Bác lưu lại ở Nông trường Đông Hiếu, lãnh đạo Nông trường bố trí cho Bác nghỉ trưa ở phòng Giám đốc nhưng Bác từ chối mà vào nghỉ ở phòng của Thư ký Công đoàn.
Buổi chiều, Người đến sân Nông trường Đông Hiếu gặp mặt hàng ngàn công nhân, nông dân vùng lân cận, những ngưới khi biết tin Bác Hồ về thăm đã tề tựu bên trụ sở Nông trường. Tại đây, Bác đã ân cần căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân về cải tiến công cụ để tăng năng suất lao động, về thi đua, và về vai trò của Đảng ủy, chi bộ, Đoàn thanh niên, cán bộ, đảng viên trong công tác, học tập và lao động. Bác dặn dò: “Để phát triển sản xuất, Nông trường phải hỗ trợ HTX và đồng bào địa phương. Ngược lại, HTX và đồng bào Đông Hiếu cũng phải giúp đỡ Nông trường. Nếu chúng ta giữ được mối đoàn kết thì sẽ thành công,nhất định thành công!”.
Sau khi tặng huy hiệu cho 3 cán bộ và công nhân tiêu biểu, Người giơ chiếc túi đựng huy hiệu, nói to cho mọi người cùng nghe: “Bác mong anh, chị em công nhân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến cải thiện sản xuất, đem đến hiệu quả lao động cao hơn, góp phần phát triển và xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp. Những người nào làm tốt, Bác sẽ tặng Huy hiệu Bác Hồ’’...
Lúc này, trời đã về chiều, Bác cùng những người tháp tùng lên máy bay. Đứng trước cửa chiếc trực thăng, Người vẫy chào hàng ngàn bà con cũng đang giơ hai tay chào tạm biệt Người. Nhiều người rưng rưng nước mắt. Người trở lại thị xã Vinh để ra Thủ đô Hà Nội vì còn biết bao công việc đại sự quốc gia đang chờ Bác xử lý...
Một chuyến đi về quê ngắn, chỉ có vài ngày mà lịch trình làm việc của Bác dày đặc : Người đến những nơi cần đến, gặp những người cần gặp, quan tâm đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, Người chú trọng nhắc nhở các đảng viên, cán bộ nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, người luôn dành sự quan tâm ưu ái cho trẻ em, người già, phụ nữ. Những lời khuyên bảo và động viên của Người trở thành nguồn cổ vũ lớn lao, tạo thêm sức mạnh và là động lực để nhân dân thi đua phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đồng thời, từ lời dạy của Bác đặt ra những vấn đề mới mẻ về vị trí, trách nhiệm của Nghệ An trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tròn 60 năm, kể từ mùa Đông năm 1961, lần thứ hai cũng là lần cuối cùng quê hương đón Bác về thăm nhưng những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim và tâm hồn của người dân.
Những nơi Bác về thăm là các “địa chỉ đỏ” luôn phát huy tốt giá trị, nhất là giá trị giáo dục truyền thống về nguồn gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Những tình cảm và những lời căn dặn quý báu của Người đã được cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, các địa phương có dấu chân Bác đến nói riêng luôn khắc ghi, trở thành kim chỉ nam, nguồn động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh kiểu mẫu của cả nước như Bác hằng mong muốn...