(Baonghean.vn) - Dẫu biết cái ngày… sẽ đến ! Dẫu rằng khó cưỡng mệnh trời, bởi cái bệnh nan y ấy… Nhưng, mỗi lần gặp Anh – dù ở Toà soạn , hay trên giường bệnh, nhìn vào mắt Anh tuy đã thâm tái nhưng vẫn ánh lên một nỗi khát khao, một niềm tin mãnh liệt. Nguyễn Ngọc Đức - Một nhà báo tài năng, một con người thuỷ chung, một người em mà tôi cảm phục !
Gian truân từ thời niên thiếu, những năm72 - 75 Ngọc Đức sớm phải bươn chải tự lập trên miền đất đỏ Phủ Quỳ, Miền Tây Xứ Nghệ, nơi rừng thiêng nước độc, đã có câu ca “đục nước Lâm La, nhiều ma Phước Lộ…” với những công việc nặng nhọc của người công nhân nông trường. Thân hình vạm vỡ, lăn lộn nắng mưa, lại từng được tôi luyện qua binh nghiệp, chàng trai Nguyễn Ngọc Đức trở nên rắn rỏi, bản lĩnh và tràn đầy nghị lực trong cuộc sống.
Được thừa hưởng ren nghệ thuật từ Thân phụ Nguyễn Ninh – nhà nhiếp ảnh tài hoa nổi tiếng Thị xã Vinh, và người anh ruột Nguyễn Ngọc Cương – bác sỹ “đa năng” và tay chơi “sành điệu” trong thế giới máy ảnh thời đó, Nguyễn Ngọc Đức hăm hở bước đi trên con đường lập nghiệp. Anh được đào tạo làm báo viết, quay phim truyền hình, rồi về công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh Đoàn Nghệ Tĩnh. Cácphóng sự xã hội, phóng sự điều tra, kịch bản phim truyền hình lần lượt ra đời trước sự ngưỡng mộ của bạn bè, đồng nghiệp. Báo Tiền Phong, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An “mê” Anh không chỉ từ những tác phẩm báo chí, mà còn cái đức chịu thương chịu khó, tác phong hoạt bát năng nổ, cái tư chất chín chắn cẩn trọng nhưng rất nhạy cảm, và một cầu thủ dũng mãnh trên sân cỏ !
Ngọc Đức (áo trắng, thứ ba trái sang) ghi âm lời Đảo trưởng Đảo Ngư – Năm 1994 .
Ngọc Đức (áo xanh) cùng tác giả bên mốc Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - 2003
Đã cuối chiều, đoàn Báo Nghệ An từ Lũng Cú hối hả xuôi về Thị xã Hà Giang để kịp mai hành trình đi tiếp Tuyên Quang, Cao Bằng; Ngọc Đức vẫn ngồi trầm tư, bỗng anh quay sang chị Hoa (PV Báo Hà Giang) đề nghị cho ghé vào nghĩa trang liệt sỹ viếng thăm đồng đội. Do thời gian quá hạn hẹp, đoàn vẫn phải tiếp tục hành trình, Ngọc Đức đành xin phép tách khỏi đoàn… Ngày mai gặp lại, Đức khoe: Em đã viếng đồng đội và tìm gặp được bà Mế và gia đình nơi ngày trước đơn vị trú quân, thế là em mãn nguyện rồi anh ạ !
Đức thương vợ, yêu con lắm. Đi xa không bao giờ quên mua quà về, “túi xách này em mua cho Hà (vợ), đầm hoa cho cái “Xiu lớn”, búp bê cho “Xiu em” (2 con gái), còn em - chục cuộn phim chụp ảnh !”
Cái nghiệp làm báo lắm lúc “oan nghiệt”, nhất là lao vào viết phóng sự điều tra, chống tiêu cực, buôn lậu, an ninh biên giới… So với anh em trong toà soạn thời ấy thì nhà Đức ở “heo hút” nhất, “tằng tiệm” nhất. Có một thời gian dài Đức phải dấu nơi ở, số điện thoại bởi những lời hăm doạ trả thù… Thế nhưng, những “Lộ7 kinh hoàng ký” (phóng sự), “Khi ông chủ tịch cùng ăn bánh mỳ” (phóng sự điều tra),Chuyên án Mũi Tên Xanh(ký sự vùng biên),Của chìm của nổi(kịch bản phim)Gió đại ngàn, Khi đàn chim trởvề…vẫn lần lượt xuất bản.
Ngọc Đức (thứ hai phải sang) cùng Đoàn Báo Nghệ An trên đỉnh đèo Pha Đin (Lai Châu - 2003)
Ngọc Đức (thứ tư trái sang) trong lễ ra mắt Chi hội CCB Báo Nghệ An - 2011
Nhưng, không kịp nữa rồi…. Sức đã cùng, lực đã kiệt ! Cậu bé sớm quấn khăn tang ! Mẹ già khóc than con trẻ !
Xin có mấy vần tiễn biệt:
Trẻ thơ khăn trắng trên đầu,
Mẹ già heo hắt khóc sầu con đi…
Lên rừng, xuống bể - hiểm nguy .
Để thương, để nhớ, sầu bi cho đời .
Ngọc Đức ơi !
Ngọc Đức ơi !!!...