(Baonghean) - Trong tọa đàm khoa học "Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế", Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội - Tiến sĩ Phan Chí Hiếu - đã nêu lên đề án mở chuyên ngành đào tạo Luật Biển quốc tế. Đọc tin mà mình khoái chí vỗ đùi đánh đét một cái, như thế này mới là đổi mới trong giáo dục chứ. Nếu giáo dục sớm cải cách theo tư duy này thì có lẽ con số 72.000 người thất nghiệp sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã giảm đi được phần nào. "Tư duy" mà mình nói đến ở đây là gì, và mối liên quan nào giữa đề án mở thêm một chuyên ngành luật mới với việc giảm tỉ lệ thất nghiệp?
Giáo dục phản ánh tình trạng và trình độ phát triển của xã hội. Chẳng thế mà những nước phát triển trên thế giới đều là thiên đường du học, ngược lại, các đất nước thuộc thế giới thứ 3 có nền giáo dục nghèo nàn hơn nhiều. Như vậy, giáo dục và xã hội có mối quan hệ tương tác qua lại không thể tách rời. Xã hội chỉ có một con đường là không ngừng thay đổi và tiến lên, giáo dục cũng vậy. Đó là lý do vì sao các nền giáo dục trên thế giới không ngừng thay đổi. Nền giáo dục non trẻ thì tiếp thu, dung nạp để đa dạng hoá, bổ sung những gì yếu kém. Nền giáo dục già cỗi thì trở mình, bắt kịp với xu thế và nhu cầu mới, không để mình trật khỏi guồng quay của xã hội hiện đại. Nhưng đổi mới thế nào, cải cách ra sao mới là vấn đề mấu chốt.
Lại nói tới đề án cải cách giáo dục đang được nhắc đến gần đây, cụ thể hơn là cải cách sách giáo khoa. Hỏi, vì sao thất bại, bị từ chối ngay từ trứng nước? Có lẽ là vì mang tiếng cải cách nhưng không biết cải cách ở đây là cải cách những cái gì, vì sao lại phải cải cách những cái đó. Phải chăng là thay đổi hình thức? Nếu thế thì vừa rỗi hơi lại vừa lãng phí. Phải chăng là thay đổi tư duy dạy và học? Nếu vậy thì đề án đang tập trung vào công cụ mà xem nhẹ các tác nhân chủ động là người dạy và người học. Cũng như lấy con trâu ra khỏi tay lão nông và đặt ông ta lên chiếc máy cày mà không chỉ vẽ cách lái, tốn công vô ích! Vấn đề là, tư duy của người làm đề án cải cách hình như lại chưa được... cải cách lắm, nên mới xảy ra tình trạng đề án cải cách theo lối ăn xổi ở thì, không phù hợp với nhu cầu và những đổi mới của xã hội.
Ví dụ, nước Pháp là nước có nền y tế phát triển, biểu hiện dễ thấy nhất là giáo dục về y học của họ phát triển. Sàng lọc đầu vào vô cùng khắt khe nhưng đồng thời họ cũng không lãng phí nguồn nhân tài, đa dạng hoá các chuyên ngành đào tạo theo mức độ từ dễ đến khó, quả thật nhiều lựa chọn vô cùng! Như vậy, người có khả năng thì được đào tạo để đảm nhiệm vị trí quan trọng như bác sỹ, dược sỹ, người ít khả năng hơn thì làm mắt xích bé hơn như y tá, y sĩ, hộ sinh,... vô số ngành nghề y tế khác không thể gọi tên vì lý do củ chuối là...chúng không tồn tại ở Việt Nam! Tương tự như thế, hoàn toàn dễ tưởng tượng ra mức độ chuyên hoá, phát triển của giáo dục về công nghệ tại Nhật, về nhà hàng khách sạn và du lịch tại Thụy Sỹ, v.v và v.v. Qua đó có thể thấy, phát triển giáo dục toàn diện nhưng khôn ngoan nhất là xác định mình cần cái gì, mình có thể làm tốt cái gì và đầu tư hơn vào cái đó. Thế nên mới có chuyện ở Hàn Quốc có trường đại học đào tạo game thủ, nghe qua thì buồn cười nhưng trong bối cảnh game thủ là một nghề, một thế mạnh của Hàn Quốc thì tự nhiên thấy cũng là chuyện bình thường!
Quay trở lại với đề án mở chuyên ngành Luật Biển quốc tế, mình cho rằng đây là một chủ trương vừa hợp tình lại vừa hợp lý. Hợp tình ở chỗ, nó thể hiện rõ ràng mà thiết thực nhất cho cái gọi là tinh thần yêu nước. Còn hợp lý là vì đây là vũ khí ta cần và ta thiếu trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc. Hơn hết, đây là bằng chứng của một tư duy cải cách rất tiến bộ: xã hội cầu, giáo dục cung. Để làm được như thế, người cải cách không chỉ cần nhạy cảm với sự thay đổi của xã hội mà cần một cái tâm muốn xây dựng, muốn làm cho mọi thứ tốt đẹp lên...
Nếu mình được cải cách sách giáo khoa, mình chẳng chờ đến đại học đâu mà từ tiểu học đã phải dạy cho các cháu thuộc lòng Công ước Biển ấy chứ! Đùa vui thế thôi, nhưng nếu dạy cho các thế hệ con em chúng ta hiểu bài bản và hữu hình hơn về cái gọi là chủ quyền dân tộc thì cũng tốt chứ sao? Để các em yêu và biết cách yêu nước một cách đúng đắn, thông minh. Và còn phải giáo dục sao cho các em được học những điều mà xã hội cần, xã hội thiếu. Bởi vì nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ thành phá hoại, thế nên đừng để các em đi phá hoại, hay ít ra là... thất nghiệp!
Hải Triều (Email từ Paris)