(Baonghean) - Lâu nay, ngành Y tế có hiện tượng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; trong tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân cũng có hiện tượng gửi đơn hoặc dân trực tiếp lên các cấp từ huyện, tỉnh đến Trung ương, bỏ qua cấp cơ sở.
 
Các bệnh nan y, khó chữa phải chuyển tuyến trên; những vụ việc phức tạp phải trực tiếp các cấp trên giải quyết,... đó là lẽ thường, khỏi phải bàn. Điều đáng bàn là có những vụ việc đơn giản, dân kêu lên cấp trên chỉ vì ở cấp cơ sở "ngâm" lâu quá hoặc giải quyết không thỏa đáng. Thậm chí, có vụ việc do cán bộ cấp cơ sở thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng dân, vi phạm quy định - là đối tượng làm cho dân thắc mắc, thiếu tin tưởng, phải phản ánh với cấp trên. Thực tế đã có những vụ việc ban đầu là "chuyện vặt" nhưng vì giải quyết không dứt điểm, "lâu ngày dày kén", tích tụ, lây lan, tạo ra bức xúc, điểm nóng, phải mất nhiều công sức mới "gỡ rối" và để lại những hệ lụy đáng tiếc.
 
Vậy mà, trong các cuộc giao ban, trong các báo cáo, chúng ta vẫn thường bắt gặp một câu rất chung chung: "Nhìn chung, nhân dân phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận,..." mà không thấy cái "nhìn riêng" nào để thấy được những mặt trái (?). Nói như một đại biểu Quốc hội là "Phải chăng, chúng ta chỉ nghe được những điều mình muốn nghe?".
 
Thông thường, các vụ việc thắc mắc, khiếu kiện xuất phát từ các vấn đề về đất đai, tài chính, thực hiện chế độ, chính sách, công tác cán bộ,... trong đó, phần lớn vẫn là những việc liên quan về đất đai. Muốn giải quyết thấu đáo thì phải "mục sở thị". Tức là cấp nào thì cũng phải đến tận nơi mới giải quyết được một cách thấu đáo. Nếu cấp cơ sở chủ động, tích cực thì sẽ rất thuận lợi, hiệu quả, bồi đắp niềm tin của nhân dân với cơ sở.
 
Chúng ta đã triển khai tuyên truyền, học tập, thực hiện Hiến pháp, các Bộ luật, Quy chế dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước; hiện tại đang quán triệt, thực hiện hai Quyết định 127 và 128 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là một điều kiện và cơ hội tốt để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò, vị thế của mình, thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tổ chức hệ thống chính trị cơ sở của chúng ta khá hùng hậu, chặt chẽ, có cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Ở các thôn xóm, bản, khối phố cũng có đội ngũ cán bộ không ít. Hàng tháng, có hội nghị báo cáo viên, tổ chức sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ; Ở mỗi địa phương đều có tủ sách pháp luật. Hệ thống văn bản luật, dưới luật đều được sao gửi đầy đủ. Báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng internet phổ biến rộng khắp, có nhiều cán bộ cốt cán, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, có quy định ngày tiếp dân, đã tập huấn quy trình hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Đó là những điều kiện tốt để tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở; tạo kỹ năng cho cán bộ giải thích, xử lý những mâu thuẫn từ cơ sở để nhân dân tin tưởng, thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
 
Ổn định an ninh, chính trị, tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân là điều kiện cực kỳ quan trọng để phát triển. Muốn vậy, phải thực sự quan tâm việc hòa giải từ cơ sở, không để "cái sảy nảy cái ung". Vấn đề quan trọng là cán bộ phải biết lắng nghe, quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cầu thị và quyết tâm làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở.
 
Anh Đặng