(Baonghean) - Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 để thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Theo đề nghị của Bộ LĐTB&XH đã được Chính phủ chấp nhận, từ năm 2016, mỗi năm sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thêm 4 tháng tuổi cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Từ năm 2020 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình tương ứng.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH thì đến năm 2021, nguồn thu BHXH trong năm không đủ chi trả phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ; đến năm 2034 thì nguồn kết dư cũng không còn, quỹ BHXH hoàn toàn cạn kiệt, người về hưu không được nhận lương hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu được chứng minh là hợp lý bởi tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng. Năm 1990, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 66 tuổi, hiện nay đã tăng lên 75 tuổi. Kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại thời điểm 2012 cho thấy: Có khoảng 40% người Việt Nam nghỉ hưu vẫn làm việc thường xuyên đến 65 tuổi, trong khối lao động phi chính thức (lao động tự do) tỷ lệ này là 70%. Như vậy, tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam đều tăng, trên 60 tuổi vẫn còn khả năng lao động, bởi vậy tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý.
Tuy nhiên, khi tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri rất băn khoăn. Có ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Còn đối với công nhân lao động trực tiếp trong môi trường độc hại, nhất là lao động nữ thì tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp.
Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thì nữ công nhân không đủ sức khỏe làm việc đến 55 tuổi, hàng chục nghìn công nhân cao su chỉ có thể làm việc đến 45 tuổi. Từ thực tế đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với đối tượng là công nhân lao động trực tiếp và lao động nữ.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo “lực cản” trong cải cách hành chính. Một trong những biện pháp tinh giản bộ máy hành chính là giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm; tăng tuổi nghỉ hưu thì đề án của Bộ Nội vụ giảm 100.000 công chức, viên chức trong 6 năm không thực hiện được. Mặt khác, nếu quản lý không chặt chẽ thì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc nhưng vẫn kéo dài thời gian hưởng lương; trong khi đó lực lượng lao động trẻ được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng ngày càng khó tìm việc làm.
Dù gặp những khó khăn trên đây nhưng để duy trì, ổn định quỹ BHXH thì tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp bắt buộc. Nhưng cùng với đó phải phát huy tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH. Các doanh nghiệp phải phát huy tinh thần trách nhiệm của chủ sử dụng lao động để mua BHXH đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Nhà nước phải có giải pháp mạnh để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng BHXH như hiện nay. Để ổn định quỹ BHXH thì tỷ lệ lao động bắt buộc mua BHXH phải đạt 78% trở lên nhưng hiện nay mới được 20%, ngành BHXH phải có biện pháp tuyên truyền vận động và chế tài thích hợp để tăng tỷ lệ lao động mua BHXH. Đối với công nhân lao động trực tiếp, nhất là lao động nữ, nếu bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu thì chủ sử dụng lao động và cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động khi kéo dài thời gian làm việc. Đối với những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, khi tăng tuổi nghỉ hưu phải phát huy tinh thần trách nhiệm để làm việc có hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian hưởng lương Nhà nước nhưng làm việc cầm chừng.
Thực hiện chế độ BHXH là biện pháp bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội. Bởi vậy, duy trì, ổn định và tăng trưởng quỹ BHXH là một nhiệm vụ chiến lược, trong đó tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một giải pháp. Phải kết hợp tăng tuổi nghỉ hưu với nâng cao trách nhiệm xã hội thì mới đạt được hiệu quả.
Trần Hồng