Đa dạng các mô hình
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng trú tại khối Hòa Bắc, thị trấn Thạch Giám là một điển hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Từ năm 2017, gia đình ông quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 2.000m2 để chăn nuôi lợn, gà. Mỗi lứa gia đình nuôi từ 500 - 600 con lợn; 600 - 700 con gà cùng hơn 10 con bò vỗ béo, cho thu nhập từ 200 - 600 triệu đồng/năm.
Ông Dũng chia sẻ: Do đặc thù ở Tương Dương thời tiết khắc nghiệt, lại ở khu vực miền núi cao, giao thông đi lại không thuận tiện, nên chi phí đầu tư xây dựng trang trại cũng như chi phí vật tư, thức ăn chăn nuôi cũng cao hơn so với khu vực miền xuôi. Bản thân ông Dũng sau khi làm xong chuồng trại và nuôi lứa đầu tiên đã gặp rất nhiều khó khăn, cả về vốn, về môi trường, kiến thức, phương thức, kỹ thuật chăn nuôi và tình hình dịch bệnh.
Từ năm thứ hai, thứ ba trở đi thì mới bắt đầu ổn định dần. Hiện tại, trang trại của gia đình ông Dũng không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Tại huyện Tương Dương, việc SXKD của người nông dân được thực hiện trên cơ sở đặc thù của từng khu vực. Chính điều này cũng góp phần tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm SXKD. Ngay như ở xã Nga My - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện, gia đình anh Lo Văn Dân, dân tộc Ơ đu đã biết vươn lên chăn nuôi trâu bò, đem lại giá trị kinh tế cao.
Anh Dân chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011 sau khi được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, anh quyết định mua 1 cặp trâu mẹ và trâu con về nuôi. Sau 4 năm, từ 2 con ban đầu, gia đình anh Dân đã có 7 con trâu để tiếp tục chăn nuôi. Đến nay, vừa bán, vừa mua và vừa nhân giống cho đàn trâu của nhà mình, anh Dân đã có đàn trâu 20 con và 10 con bò.
Nhờ được tập huấn các kiến thức về chăn nuôi, anh Dân còn đầu tư xây dựng chuồng trại theo quy định, lựa chọn địa điểm hợp lý, bảo đảm vệ sinh không ô nhiễm về môi trường. Gia đình cũng tập trung mở rộng diện tích trồng cỏ để có thức ăn cho trâu, bò mà không phải thả rông. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, được tiêm phòng dịch bệnh định kỳ nên đàn trâu, bò của gia đình anh Dân sinh trưởng và phát triển đều, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình từ hộ nghèo vươn lên khá giàu tại địa phương.
Không chỉ dựa vào những cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Tương Dương còn chủ động tìm kiếm các giống cây, con mới để xây dựng mô hình sản xuất cho gia đình mình. Tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, gia đình anh Lương Văn Sa gây bất ngờ với mô hình nuôi dế thương phẩm đem lại giá trị kinh tế cao. Sau khi vay được 100 triệu đồng từ ngân hàng, anh Sa tự mình lên đường tìm đến các trại nuôi dế trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm vững kỹ thuật nuôi dế, anh Sa đầu tư 80 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua con giống về nuôi.
Từ 20 ô nuôi ban đầu, đến nay gia đình anh đã mở rộng lên 45 ô. Ngoài nuôi dế, hiện nay gia đình anh Sa còn nuôi thêm chim cút, đầu tư mua thêm máy cắt, máy nghiền và máy ép thức ăn cho chim cút và dế đảm bảo thức ăn sạch cho vật nuôi, giảm chi phí đầu vào. Nhờ mạnh dạn trong đầu tư, hiện nay mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh Sa có lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi dế và nuôi chim cút.
Chú trọng nhân rộng mô hình
Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Tương Dươngthời gian qua đã được triển khai một cách sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, toàn huyện có 145 làng, bản có tổ chức hội, với tổng số hội viên đến nay là 9.971 hội viên/tổng số hộ nông dân là 15.837, chiếm 62%. Riêng trong vòng 5 năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 201 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 9.820 lượt hội viên nông dân; tổ chức 20 lớp dạy nghề đan lát, dệt thổ cẩm, chăn nuôi bò, trồng ngô, trồng rau an toàn… cho 661 hội viên.
Nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia phong trào, hàng năm Hội Nông dân các cấp dựa trên cơ sở danh sách đăng ký đầu năm và tiêu chí đạt được để ra quyết định công nhận hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, từ đó đề nghị UBND các cấp biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong SXKD giỏi tại địa phương.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, số hộ đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu SXKD giỏi có 431 hộ, trong đó biểu dương tại cấp cơ sở 364 hộ, cấp huyện 62 hộ, bầu chọn dự hội biểu dương cấp tỉnh 5 hộ. Đáng nói, chất lượng hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp có sự chuyển biến rõ nét và thiết thực hơn so với trước. Một số xã có tỷ lệ hộ đạt SXKD giỏi cao như xã Tam Quang, thị trấn Thạch Giám, Nhôn Mai, Tam Thái…
Nhiều hộ nông dân điển hình tiêu biểu SXKD giỏi theo tiêu chuẩn khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới như: Hộ ông Nguyễn Ngọc Dũng ở khối Hòa Bắc, thị trấn Thạch Giám với mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học; hộ ông Trần Phúc Đạo, khối Hòa Bắc, thị trấn Thạch Giám, thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà lưới theo phương thức công nghệ mới; hộ ông Nguyễn Hữu Duệ, Bãi Sở, xã Tam Quang, với mô hình nuôi bò vỗ béo; hộ ông Lô Văn Việt, bản Tân Hợp, xã Tam Thái, với mô hình đóng thuyền phục vụ nhu cầu dân sinh trong và ngoài huyện,...
Cũng theo ông Hậu, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là vấn đề thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong thời gian tới, Hội Nông dân Tương Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD giỏi trong toàn thể nhân dân. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình và đối tượng SXKD phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Đưa phong trào phát triển theo chiều sâu, làm cơ sở cho việc đưa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng mỗi xã có ít nhất một sản phẩm và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và có trên 40% số hộ đăng ký đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi các cấp.
Cùng với đó, thực hiện theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong SXKD. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình SXKD, giữa các hộ nông dân SXKD giỏi với nhau để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường cho nông dân.
Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các hộ SXKD giỏi ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân. Xây dựng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với mỗi vùng. Đồng thời, hằng năm, các cấp hội tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo phấn đấu trở thành hộ nông dân SXKD giỏi.