Hiệu quả sau chuyển đổi, dồn điền đổi thửa
Gia đình bà Trần Thị Tuất, xóm Vĩnh Thanh là một trong những hộ có diện tích mía lớn nhất trên địa bàn xã Tân Xuân (Tân Kỳ) với 2,5 ha. Tuy nhiên, để có được diện tích như ngày hôm nay, gia đình bà đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi những diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả sang trồng mía theo khuyến cáo của Công ty CP Mía đường Sông Con và chính quyền địa phương.
Bà Tuất nhớ lại: “Ngày trước cánh đồng phía sau nhà tôi chủ yếu trồng lúa 1 vụ và trồng các cây màu như đậu, lạc, ngô, sắn. Trong khi lúa chỉ đủ phục vụ ăn hàng ngày thì những cây trồng khác cũng không được giá trên thị trường, bán với giá rẻ, không bõ công chăm sóc nên cũng đành phải làm thức ăn chăn nuôi. Vợ chồng đành phải làm thêm những công việc phụ để có thể trang trải. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi diện tích này sang trồng mía và toàn tâm toàn ý chăm sóc, gia đình đã có nguồn thu ổn định vì mía đạt chất lượng tốt, đầu ra được đảm bảo, phía công ty thu mua toàn bộ…”
Cách đó không xa, những cánh đồng mía thẳng tắp của gia đình ông Nguyễn Vinh Ba, xã Tân Xuân cũng khiến nhiều người phải trầm trồ. Ông Ba chia sẻ: Cây mía bén duyên với gia đình trên 10 năm nay, lúc bắt đầu trồng nhà tôi chỉ có vài ba thước, trồng tự phát, không có vùng trồng tập trung dẫn đến việc thu hoạch manh mún, chất lượng mía mỗi ruộng mỗi khác, giá cả bấp bênh. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng mía, hiệu quả đã được cải thiện rõ rệt khi mía sinh trưởng đồng đều, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng khiến năng suất mía tăng lên, thu nhập khá hơn nên ai cũng phấn khởi”.
Xã Tân Xuân là một trong những vùng mía trọng điểm của huyện Tân Kỳ với diện tích trên 400ha với gần 1.000 hộ trồng đều ở các xóm. Với quyết tâm xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, Công ty CP Mía đường Sông Con đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công 2 cánh đồng mẫu lớn, mỗi cánh đồng có diện tích 50ha tại 2 xóm Vĩnh Thanh và Yên Xuân. Năng suất mía tại đây đạt trung bình 61 tấn/ha, cao hơn mức trung bình chung của toàn huyện, cá biệt có những cánh đồng được chăm sóc tỉ mỉ, chất đất tốt nên đã cho năng suất mía đạt đến gần 100 tấn/ha.
Chấp hành tốt quy trình chăm sóc mía
Để có được những thành quả như vậy, bên cạnh việc chung sức, đồng lòng của người dân trong việc chấp thuận dồn điền đổi thửa, xây dựng những cánh đồng mía tập trung còn là sự ý thức về việc nghiêm túc chấp hành quy trình chăm sóc mía tuyệt đối. Tại mỗi xã đều có cán bộ nông vụ của công ty bám trụ, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật sát sao cho người dân.
Ông Nguyễn Khắc Hùng – Cán bộ nông vụ của công ty phụ trách xã Tân Xuân cho biết: Do đặc thù của công việc nên chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ mà quanh năm bám trụ với người dân trên các cánh đồng, từ thời điểm xuống giống vụ mới đến khi thu hoạch để đảm bảo cây mía sinh trưởng, phát triển với chất lượng tốt nhất. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc mía nên việc kết nối giữa cán bộ nông vụ với người dân, người dân với công ty đã được cải thiện rõ rệt, những thông tin tuyên truyền, chỉ đạo từ phía công ty đều đến được với người dân kịp thời, nhanh chóng.
Việc chuyển đổi diện tích đất cao cưỡng kém hiệu quả sang trồng mía và tập trung xây dựng các cánh đồng mía tập trung đã được công ty thực hiện nhiều năm trở lại đây và đã đạt được nhiều kết quả. Công việc này đã giúp xóa bỏ tình trạng trồng mía manh mún, nhỏ lẻ, tăng thêm thu nhập cho người trồng mía, giúp bà con tiết kiệm được thời gian, chi phí chăm sóc mía. Phía công ty cũng thuận lợi hơn trong việc đầu tư hạ tầng cho các vùng trồng mía, đưa các máy móc khủng vào sản xuất mía - điều mà trước đây, khi trồng nhỏ lẻ không thể thực hiện được.
Trongthu hoạch mía năm trước, công ty hợp đồng 1 máy thu hoạch mía về phục vụ bà con. Hiệu quả cho thấy, trên 10 nghìn tấn mía được thu hoạch bằng máy, giải bài toán về nhân công và chi phí cho nhiều hộ trồng mía với diện tích lớn. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người trồng mía. Trước tình hình đó, vụ thu hoạch mía năm nay, công ty sẽ hợp đồng 2 máy thu hoạch mía về phục vụ bà con ngay từ đầu vụ, nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía và giảm chi phí cho người trồng mía trong quá trình thu hoạch.