(Baonghean) - Huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn hiện vẫn còn 13 xã chưa có điện lưới, nhiều xã sóng điện thoại chập chờn. Do địa hình giao thông cách trở nên việc vận chuyển công văn, thư tín, báo chí còn nhiều khó khăn. Do vậy để có trên 90% đầu mối có báo đảng và sử dụng hiệu quả là một nỗ lực lớn của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
 
images911031_4.jpgBà con dân bản đến nhà ông Cụt Mắn Nọi - người có uy tín (bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn - huyện Kỳ Sơn) đọc báo đảng
Thời điểm năm 2012, cả huyện chỉ đặt mua 39 số báo Nghệ An, cộng với 168 chi bộ khó khăn được cấp thì vẫn thiếu 129 chi bộ, chưa kể  báo cho các chức danh như quy định. Trong 71 chi bộ trường học chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Na Ngoi cách thị trấn 75 km đặt báo... Hầu hết các chi bộ cơ quan UBND, Đảng bộ huyện, xã, chi bộ trực thuộc đảng bộ đều không có báo. Sau khi “được” điểm danh là đơn vị yếu kém trong việc thực hiện Chỉ thị 11/CT.TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị 03/CT.TU của Thường trực Tỉnh ủy về mua và sử dụng báo đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đưa vào nội dung những việc cần làm ngay trong kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tất cả các tổ chức, đơn vị  đã nghiêm túc thực hiện, trong thời gian rất ngắn, chỉ số phát hành báo đảng đạt trên 90% số đầu mối.
 
Song song với việc phủ kín báo đảng đến tận chi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy còn chỉ đạo các ban chuyên môn, các ngành chức năng như: Ban Tuyên giáo, Đài TT-TH, Phòng Văn hóa, Trung tâm VHTT-TT, Bưu điện... tham mưu, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sử dụng báo, đặc biệt là Báo Nghệ An,  Báo Nhân Dân, Bản tin nội bộ của tỉnh, huyện... trong việc tìm hiểu, nắm bắt và định hướng thông tin trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ đảng từ huyện đến cơ sở, cũng như trong công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm QP-AN địa phương. Xây dựng thói quen, văn hóa đọc trong nhân dân. Qua đó, nhân rộng nhiều mô hình sử dụng báo, tạp chí của Đảng thường xuyên, có hiệu quả như: tủ sách “Học tập và làm theo lời Bác” ở xã Đoọc Mạy, “Giờ đọc báo Đảng” ở xã Nậm Cắn, Tà Cạ, Bắc Lý..., “Phút thông tin” tại các chi bộ thuộc cơ sở...
 
Đồng chí Hà Đình Tín - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý cho biết: “Đầu giờ sáng thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, cả đơn vị tập trung ở phòng họp để sinh hoạt. Giao cho văn phòng lựa chọn đánh dấu thông tin thời sự, những vấn đề bạn đọc quan tâm, các văn bản, chính sách liên quan đăng tải trên báo đảng. Quy định đọc tập trung 30 phút, sau đó các loại báo, tạp chí để lại ở văn phòng, khuyến khích cán bộ, nhân viên mượn đọc và trả lại đầy đủ để lưu trữ... Thông qua việc đọc, nghiên cứu, làm theo nên công tác chỉ đạo điều chỉnh mùa vụ, cây trồng, vật nuôi đều gặp rất nhiều thuận lợi”.
 
Ngoài việc đọc báo tập trung đầu giờ sáng thứ 2 và thứ 6, ở xã Nậm Cắn còn có phong trào đọc báo, tạp chí của Đảng cuối giờ làm việc. Khi các “cầu thủ”  bóng chuyền ra sân thư giãn, tập luyện để nâng cao thể lực, sức khỏe thì những “cổ động viên” còn lại đưa báo, tạp chí ra ngồi đọc, bình luận để chờ nhau cùng về. Bí thư Đảng ủy Lầu Bá Chày khẳng định: “Việc sử dụng báo, tạp chí của Đảng không chỉ trong cán bộ, đảng viên, mà mỗi bản còn có một người có uy tín được cấp báo. Việc sử dụng thường xuyên, đều khắp nên công tác chỉ đạo, vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách dễ dàng hơn trước rất nhiều”.
 
Ông Cụt Mắn Nọi - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Nậm Cắn, là người có uy tín ở bản Noọng Dẻ  được cấp báo đảng theo Quyết định của Chính phủ phấn khởi: “Từ ngày được cấp báo đảng nhà mình vui lắm, đêm mô bà con cũng sang chơi, họ cũng hỏi mình nhiều chuyện, vì vậy, ngày mô mình cũng đọc để biết mà trả lời cho bà con. Người dân tộc mình rất thích những bài viết về gương người tốt việc tốt, hay các điển hình  làm kinh tế, những phong tục, tập quán của đồng bào. Báo của mình họ mượn nhiều lắm, nhà May Lý mượn về để nghiên cứu mô hình nuôi lợn đen, ông Lương Phò Phăn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của bản mượn về để chuẩn bị họp hội. Ông Khàng Khăm Phăn, và Lương Phò Kiềng, chi hội nông dân mượn về để xem các mô hình trồng khoai sọ và nuôi dúi… Nhờ cán bộ chuyển lời của mình cám ơn Đảng, Nhà nước và Báo Nghệ An”.
 
Trong 71 chi bộ trường học của Kỳ Sơn có 40 trường và điểm trường ở cách xa trung tâm huyện trên 70 km như xã Keng Đu, Na Ngoi, Mỹ Lý; trên 50 km như Đọoc Mạy, Bảo Thắng, Bắc Lý, Mường Ải... Trời mưa, bùn sục lầy lội, xe ô tô không thể đi được, phương tiện xe máy đi lại rất khó khăn, nhiều đoạn phải dắt bộ, có thời điểm còn bị cô lập; sóng điện thoại chập chờn,... việc sử dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Vì vậy, báo  giấy được xem là kênh thông tin hữu ích. Dù việc nhận công văn, thư tín, báo chí còn chậm (trời mưa, lũ có khi cả tháng mới được nhận) nhưng thực hiện công văn chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện, 100% chi bộ trường học đều thực hiện nghiêm túc. Phòng Giáo dục còn xây dựng các mô hình đọc, quản lý hay, hiệu quả trong trường học như: đọc báo 15 phút đầu giờ, trong thời gian chờ tiết dạy, đổi báo luân phiên nhau giữa các lớp, các tổ chuyên môn trong nhà trường; Thông tin, bình luận, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt… Ngành Giáo dục còn khuyến khích, tuyên truyền các cán bộ, giáo viên viết báo, đưa tin về hoạt động dạy và học ở Kỳ Sơn, gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi, những địa chỉ đỏ về các trường hợp khó khăn đặc biệt cần giúp đỡ để xã hội quan tâm, hỗ trợ... 
 
Việc sử dụng báo đảng ở nhiều trường học đã thành nề nếp, trở thành điển hình của huyện  như: Trường PTDT bán trú - THCS Hữu Kiệm; Trường THCSDT nội trú; Trường Tiểu học Nậm Cắn 1... Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THCSDT nội trú Trần Thị Châu chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm, báo, tạp chí của Đảng là kênh thông tin chính thống, vì vậy việc sử dụng báo đảng ở trường chúng tôi đã thành thói quen, nề nếp. Hàng ngày, tại phòng chờ, cán bộ, giáo viên đọc báo, cập nhật thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, dân số để phục vụ công tác giảng dạy, sau đó đưa về thư viện để lưu trữ. Mỗi tháng sinh hoạt chi bộ, giao cho cấp ủy phụ trách, điểm báo, tờ tin của huyện, tỉnh trong khoảng 30 phút. Ngay cả dịp nghỉ hè, chúng tôi vẫn đặt mua đầy đủ để cán bộ, giáo viên trực đọc”. 
 
Đồng chí Vi Hải Thành - Bí thư Huyện ủy khẳng định:”Qua việc chỉ đạo có hiệu quả công tác phát hành và sử dụng báo, tạp chí của Đảng, các chi, đảng bộ cơ sở, đơn vị hành chính sự nghiệp, LLVT toàn huyện đã có bước tiến bộ rõ rệt trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin dư luận xã hội. Kịp thời xử lý, uốn nắn, định hướng những sai lệch trong nhận thức và tư duy của cán bộ, đảng viên; xác minh và giải quyết kịp thời, triệt để đạt kết quả tốt”. 
 
Từ cách làm hiệu quả trong việc chỉ đạo đặt mua và nhân rộng mô hình sử dụng báo đảng hiệu quả ở Kỳ Sơn, Ban Biên tập Báo Nghệ An tặng giấy khen cho 3 đơn vị có thành tích xuất sắc là: Đảng bộ huyện; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Đảng ủy xã Nậm Cắn. 
 
Đạm Phương