(Baonghean) - Bức ảnh nhiều màu xám (cây cột, những tấm prô xi măng, dòng suối, những tảng đá, con đường…), nếu thoáng nhìn, có thể bạn sẽ bỏ qua vì có cảm giác như nó không thực sự nổi bật.

Nhưng bạn hãy dừng lại một chút, ngắm bức ảnh kỹ hơn: Hai người phụ nữ đang mang nặng trên vai, trên lưng mình hai tấm prô xi măng. Cái cách họ mang cũng rất đặc trưng của người vùng núi: buộc chằng lên trán làm điểm tựa. Những tấm prô lớn hơn cả cơ thể đã kéo trĩu dáng đi của họ qua con suối nước xiết. Nhìn kỹ hơn nữa, cái bức ảnh có vẻ xám buồn kia đã bật lên một nội dung khác, mạnh mẽ, sắc nét hơn nhiều: Phía dưới là mặt nước, phía trên là bầu trời chang chang nắng, chung quanh là 4 bề núi cao. Trong không gian ấy, con người sinh sống và tồn tại cùng với bao khó khăn, vất vả. Hai nhân vật nữ gùi ngói giữ vị trí trung tâm trong không gian đã thể hiện một nghị lực sống và khát vọng vượt lên khó khăn. Nhân vật của bức ảnh đã trở thành ngọn lửa giữa không gian xám buồn.

Tham gia Giải ảnh “Khoảnh khắc Vàng” của Báo Nghệ An năm 2013, nhà báo Công Kiên (Báo Nghệ An) có 2 bức ảnh được trưng bày, khá ấn tượng với người xem, đó là bức “Vượt tràn sông Giăng”  và bức ảnh “Gùi ngói về bản Con Phen, xã Hữu Khuông, Tương Dương”.
 
Bức ảnh “Gùi ngói về bản Con Phen...” đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi, được chụp trong một chuyến công tác lên vùng Hữu Khuông (Tương Dương). Xã Hữu Khuông nằm giữa lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng thuyền máy, chi phí rất lớn. Chưa kể từ trung tâm xã đến các bản khác, đường đi còn khó khăn, vất vả hơn, vừa phải đi thuyền máy, vừa phải đi bộ, trèo đèo, lội suối.
 
 Một ngày cuối tháng 8/ 2013, nhà báo Công Kiên theo chân một thầy giáo Trường Tiểu học Hữu Khuông về điểm trường lẻ ở bản Tủng Hốc tìm hiểu công tác chuẩn bị cho năm học mới. Qua con suối đầu tiên ở bản, anh dừng chân và ngoái lại phía sau lưng mình. Giữa con suối nước xiết, có hai người phu nữ Khơ mú đang gò lưng mang 2 tấm prô xi măng.
 
Nhà báo Công Kiên kể lại: “Con suối mùa lũ nước chảy mạnh, mồ hôi ướt đầm đìa, 2 chị vẫn nhẫn nại gùi ngói qua suối. Số ngói này thuộc dự án xóa nhà tranh tre tạm bợ của Nhà nước cấp,  được vận chuyển bằng thuyền máy đến đầu xã. Từ đây về các bản, không có cách vận chuyển nào hơn là gùi. Nhìn cái dáng vẻ ấy, khung cảnh ấy, tôi biết chắc mình phải bấm máy. Tôi bấm máy bằng tất cả nỗi xúc động, sự sẻ chia, có cả sự khâm phục nữa”. 5 kiểu ảnh liền nhau, mong mỏi lọt vào một khoảnh khắc ấn tượng. Nhà báo Công Kiên đã chọn được kiểu ảnh lần thứ 3 bấm máy: “Nó không chỉ diễn tả được một khoảnh khắc chân thực, dường như còn diễn tả được những điều tôi muốn nói, về sự nhẫn nại, về nghị lực sống, về nỗi xúc động của mình”. 
 
images910345_b00146.jpg“Gùi ngói về bản Con Phen, xã Hữu Khuông, Tương Dương”. Ảnh: Công Kiên
 
Có thể nói, hình ảnh 2 người phụ nữ gùi ngói qua suối là nét điển hình cho cuộc sống của đồng bào vùng lòng hồ Bản Vẽ. Tác giả bức ảnh kể thêm, ở cái bản nhỏ bé của những người phụ nữ ấy, không có lấy một bóng nhà ngói bởi không có đường vận chuyển. Cuộc sống của bà con vùng này trong  tình trạng “4 không”: không đường bộ, không chợ, không sóng điện thoại và không điện lưới. Vì thế, sức lao động chưa được giải phóng. Mọi công việc đều trông cậy hoàn toàn ở đôi tay, đôi chân, đôi vai... 
 
Không ngạc nhiên, những bức ảnh của nhà báo trẻ này luôn được chụp ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở những khoảnh khắc “đặc biệt”: qua bản “4 không” như ở bức ảnh này, hay qua cầu tràn sông Giăng, nơi mà anh chứng kiến người và xe trâu cũng gắng sức vượt qua dòng nước lũ trong một bức ảnh khác cũng được chọn treo. “Bởi vì từ lâu, tôi được phân công và gắn bó với địa bàn miền núi và bản thân tự xem mình là “phóng viên cắm bản”- tác giả chia sẻ. 
 
Trao giải cho bức ảnh, phải chăng, Ban Giám khảo của cuộc thi “Khoảnh khắc Vàng” có một ghi nhận về sự lăn lộn, dấn thân và cả những đam mê, trăn trở của một nhà báo?!
 
Quỳnh Lâm