(Baonghean) - Trên báo Nghệ An Tết Dương lịch 2014 có bài viết trong mục "Góc nhìn người Nghệ" với tựa đề "Nói trạng" của tác giả Nghệ Nhân đăng ở trang 7, là một trong những bài viết được bình chọn trong tuần qua.

1. Mần thật
 
Dưới góc nhìn của “người Nghệ”, một độc giả đã bình về bài viết “Nói trạng” của tác giả Nghệ Nhân một cách dí dỏm, sâu sắc, đầy chất Nghệ.
 
Mở đầu bài viết có đoạn " Ra ngoài, đi mô cũng nghe thiên hạ nói "người Nghệ giỏi giang". Về nhà, lại cũng nghe ta tự hào ngài ta đông, đất ta rộng, dân ta học hành, đỗ đạt cao, ngành nghề chi cũng có ngài nổi tiếng...". Ừ vậy, chỗ này tác giả nói trúng phóc "y xì phoọc" rồi. Thật ra, đi ra ngoài  cũng có đôi người khen giỏi thật, nhưng mà khen xong, chưa kịp phổng mũi thì bị độp một câu gần như lặp lại, vẫn thế " Sao mà đất đấy vẫn nghèo vậy?". Đến cái sự này thì cũng đành mượn đôi câu tự vấn, tự xót của Trương Công Anh có tựa đề "Tính cách và trí tuệ" cũng ở số báo này, bàn về người Nghệ có đoạn "... Người Nghệ An hiếu học, khổ học và học giỏi. Nghệ An được coi là đất học. Nhưng tỉnh táo mà xem xét lại thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo. Tại sao vậy? Học giỏi mà làm ăn không ra? Học giỏi mà lại nghèo? Có phi lý không?...". Phi lý quá "chơ răng nựa". Tự trào chán chê "ngài ta đông, đất ta rộng, dân ta học hành, đỗ đạt cao, ngành nghề chi cũng có ngài nổi tiếng...", ngoảnh lại vẫn thấy một ông tên là "nghèo lâu năm" đứng lù lù đằng sau lưng, đuổi kiểu chi cũng không chạy, hét kiểu chi cũng nỏ đi.
 
Chuyện trạng như đã nói, là cho vui, lấy tiếng cười mà qua cơn bĩ cực. Nói trạng, thì lại là cách nói bông đùa, cho qua, thiếu trách nhiệm. Bà con ta vẫn hay ví "Nói lắc xắc như ác xắc vô bụi", có lẽ là chỗ này đây. Bởi cứ "Mẹ hát con khen hay" mãi, cuối cùng sự thật vẫn là "...Giỏi mà sao đến tận bây giờ vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% so với cả nước". Trong đoạn đầu, bằng cách viết có chút trào lộng đôi chút của góc nhìn người Nghệ, nhưng rồi tác giả lại trầm ngâm mà xót xa "Tinh anh thì phải phát tiết ra ngoài, biến thành các kết quả, hiện vật, con số cụ thể chứ!". 
 
Qua vài chút chấm phá, tác giả tư lự khi sự thật "xứ Nghệ - đất học" là hiển nhiên, là không phải "nói trạng", bao nhiêu tên tuổi lớn rạng danh nhờ hun đúc khí thiêng của chốn "địa linh, nhân kiệt" Hoan Diễn mà thành, nhưng "tại mần răng đất Nghệ cứ mãi lẹt đẹt, lận đận ở tốp cuối của 64 tỉnh, thành phố, mắc mớ ở lộ mô?". Mắc ở lộ mô? Tác giả cũng tự lý giải luôn, đó là "mắc ở con ngài ta rồi". Đúng vậy, và cũng rõ ràng là chẳng ai hơi đâu mà nhảy vô chốn này ngăn cản người Nghệ làm giàu cả. Thực ra, nói nôm na theo kiểu @ bây giờ thì tính "tự sướng" có lẽ là một thuộc tính khó gỡ của người Nghệ rồi.
 
Chúng ta phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng, cái gì hay, đẹp thì vơ vào là của mình. Đến lúc nhắc sang chuyện đói, nghèo, lạc hậu thì im bặt, ngó lơ ngó láo mô trên rú rồi đổ cho thiên tai, lũ lụt, rồi cơ chế trói buộc chứ không thì "Đây choa mô hại". Kiểu rứa! Mà rứa lại nghĩ mà buồn. Đến đây, tác giả hạ một kết luận khá hay về điểm yếu của người Nghệ, mà điểm trúng "tổ con nhền nhện" luôn, ấy là "Sự năng động, sáng tạo phần lớn là ở trên lý thuyết mà thôi. Mạnh là mạnh về mảng lý luận mà yếu ở khâu vận dụng vào thực tế...". Vậy thì rõ ràng là "nói trạng" rồi. Nói hay nhưng làm "ất ơ", hay đổ lỗi. Bệnh của ta đã được tác giả chỉ ra là vậy.
 
Tuy nhiên, để đánh đổ quan niệm đáng buồn này, đồng thời chứng minh cho thiên hạ thấy chúng ta không tự hào suông, cần nhất ở chính mỗi người trên mảnh đất "nắng lắm, mưa nhiều" này phải biết đạp bỏ tư duy cũ không thương tiếc, không vương vấn kiểu "dẫu lừa ngó ý còn vương tơ lòng". Cái gì cũ, "trạng trò, hươu vượn", cho qua đứt đoạn để vươn tới bằng tất cả cầu thị, nghiêm túc và chân thành học hỏi. Thì đây, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị là một cơ hội cho chúng ta, những "Nghệ nhân" nhìn lại và tự khẳng định. Cũng là một cơ hội để không phụ lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu khi Người đã viết trong bức thư "Gửi BCH Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An" ngày 21/7/1969, trước ngày Người ra đi chưa đầy 2 tháng: "...Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc...". 
 
2. “Nói được, làm được”. 
 
Đây là một lời bình ở một góc độ khác dành cho bài “Nói trạng” của tác giả Nghệ Nhân. Bài viết được mô tả rất cụ thể chi tiết một vấn đề về con người xứ Nghệ. Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta được bài viết thể hiện, đó là: Người xứ Nghệ luôn giỏi giang, tài ba trong mọi lĩnh vực, nhưng tại sao cuộc sống vẫn luôn nghèo nàn. Phải chăng còn một vấn đề mắc mớ gì ở đây, hay người Nghệ chỉ giỏi giang trên sách vở mà khâu vận dụng vào thực tế không làm được. 
 
Người xứ Nghệ có nhiều điểm mạnh trong tính cách, nói rộng ra là nhân cách, khó pha lẫn với một vùng miền nào khác. Đó là ý chí vượt khó, khắc phục hoàn cảnh, giàu chí tiến thủ, luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi, quen chịu đựng gian khổ, làm việc rất cần cù và sinh hoạt rất tiết kiệm. Bên cạnh đó người Nghệ luôn thể hiện tinh thần kiên cường, nghị lực không chịu khuất phục trước thiên tai, bão lũ hay một hoàn cảnh khó khăn nào khác. 
 
Về học vấn con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành, thành đạt trên con đường khoa cử, trong các triều đại phong kiến còn lưu danh sử sách, nhiều học giả, tên tuổi văn hóa lừng danh trong thời hiện đại, đó là niềm tự hào không phải vùng đất nào cũng có được. 
 
Nghệ An cũng là tỉnh đất rộng, người đông, có đủ sông, núi, biển cả, có đầy đủ yếu tố thuận lợi “nỏ thua chi ai” về cơ sở  hạ tầng. Người xứ Nghệ đi ra ngoài được nhắc đến sự giỏi giang, rất đoàn kết, luôn có tinh thần giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau nhất là trong cơn hoạn nạn, coi trọng tình nghĩa xóm làng thân thuộc. 
 
Đất nước hôm nay đang trên đà đổi mới và hội nhập. Lẽ đương nhiên người Nghệ cũng có sự đổi mới và hội nhập nằm trong trào lưu chung của đất nước, đồng thời vẫn thể hiện những bản ngã của mình. Người Nghệ cũng sẽ tiếp nhận được nhiều cái hay cái đẹp, đồng thời cũng phải chấp nhận ở mức độ nhất định những “cái dở” từ bên ngoài mang lại. Thế nhưng ta cũng chỉ nói như “nói trạng” thôi mà chưa thể hiện được một cái gì. Do vậy để phát huy truyền thống đẹp đẽ để phát triển đó thì người Nghệ cần phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, để tận dụng lợi thế “tiềm năng sẵn có” của mình, bứt phá vươn lên. Để làm được điều đó, cần tạo điều kiện để các nhân tố điển hình được phát huy nhân rộng. Xóa bỏ những tập tính xấu, khắc phục những điểm yếu để thích nghi theo hướng hiện đại, chuẩn mực, văn minh. Chú trọng phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện để con em học hành làm vẻ vang truyền thống quê hương, nên có chính sách khuyến khích “rải thảm đỏ” thế nào cho phù hợp để những nhân sĩ trí thức xứ Nghệ trở về bằng nhiều cách khác nhau, giúp đỡ quê hương. 
 
Cánh cửa đã mở với nguồn mở đó là  Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Như bài viết đã nêu thì đây là một sự ưu ái lớn của Trung ương dành cho tỉnh ta với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để phát  huy tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo của người dân xứ Nghệ. Mong rằng với cơ hội này sẽ được nắm bắt không để trôi tuột. Để chứng tỏ rằng, ngài Nghệ “nói được, mần được”
 
Người Xây Dựng