(Baonghean) - Cuộc gặp giữa Nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến và tôi tuy không hẹn trước nhưng diễn ra thân thiện, cởi mở. Bởi, chính tình yêu cháy bỏng dành cho dân ca trong ông như ngọn lửa ấm nồng khiến cuộc gặp gỡ trở nên thân tình…

images1094474_1.jpgTuyển tập “Lửa trái tim” của nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến được nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo viết lời tựa và đánh giá cao.
Tuyển tập “Lửa trái tim” của nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến được nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo viết lời tựa và đánh giá cao.
Đau đáu Nỗi niềm
 
Tôi ngỏ ý muốn nghe ông chia sẻ về niềm đam mê và những trăn trở về Dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Như
Nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến
được khơi dòng, ông nói về dân ca với tất cả sự say mê... Tôi có cảm giác, với ông, Dân ca ví, dặm như là hơi thở, là mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, chỉ cần chạm đến sẽ tự nhiên tuôn trào. Quê ông ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh, nơi đêm ngày lao xao nhịp sóng biển vỗ bờ. Cái nôi văn hóa Lam Hồng ấy từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn đằm thắm đậm đà tình đất, tình người, từ thuở Nguyễn Du viết Truyện Kiều đến “Ông tổ ca trù” Nguyễn Công Trứ và biết bao danh nhân được lưu danh sử sách. Nhạc sỹ Trần Mạnh Chiến như một nhánh sông nhỏ của mạch nguồn văn hóa đó. Trong câu chuyện ông nhắc mãi mình là người may mắn. May mắn vì được sinh ra và lớn lên trong cái nôi giàu truyền thống; may mắn được thừa hưởng kho tàng dân ca ví, dặm vô cùng giá trị của quê hương để làm chất liệu xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình; may mắn vì có một người cha tuyệt vời. Ông bảo: “Cha ông là một thợ may, nhà nghèo nhưng ham văn nghệ và hát rất hay. Cha đánh trống giỏi, thường xuyên đi hát bội (hát tuồng). Cha là người định hướng cho tôi theo con đường nghệ thuật từ rất sớm”. 17 tuổi, Trần Mạnh Chiến gia nhập Đoàn Văn công Hà Tĩnh với vai trò vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Năm 1967, ông tốt nghiệp Trung cấp Vi-ô-lông sau đó trở về đoàn tiếp tục biểu diễn, giảng dạy và nghiên cứu. Mỗi đợt đi diễn ở cơ sở, ông thường lân la hỏi chuyện những người già, những người am hiểu về dân ca để tìm hiểu, ghi chép. Càng đi sâu nghiên cứu về dân ca ví, dặm ông càng đắm say trước vẻ đẹp của ca từ và giai điệu vừa giản dị, trong sáng vừa sâu sắc, tinh túy. Để thỏa niềm đam mê, ông tiếp tục học Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành Sáng tác – Lý luận nhằm khai thác tốt hơn giá trị nghệ thuật dân gian. Trải qua nhiều chức vụ, vị trí khác nhau, khi là nhạc công, diễn viên, biên kịch, khi là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Triển lãm Hà Tĩnh… ông nhận thấy mình là người có nhiều duyên nợ với dân ca. 
 
Ông vui mừng khi biết Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong dòng xúc cảm của một nghệ sỹ suốt đời đau đáu, tâm huyết với dân ca, bỗng giọng ông chùng xuống: “Vui đó nhưng cũng lo lắng lắm đó!”. Bằng mọi cách chúng ta phải bảo tồn và phát triển nó, phải làm cho nó đẹp hơn, phù hợp hơn với cuộc sống đương đại. Không còn những phường vải, phường củi, cỏ nhưng vẫn còn đó những công nhân dệt vải, những trang trại chăn bò cơ mà? Họ không thể vừa hát vừa làm như người xưa nhưng sau những giờ lao động mệt mỏi họ có thể cất cao tiếng hát. Phải làm sao để sau khi được vinh danh, chúng ta đi đến bất cứ làng quê nào, trường học nào, cơ quan nào cũng được nghe những làn điệu dân ca da diết chứ không chỉ đơn thuần là sân khấu hóa? Phải làm sao để thế hệ trẻ nhận thức và yêu mến dân ca như là báu vật? Trách nhiệm của chính quyền địa phương mà trực tiếp là ngành Văn hóa trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa là rất lớn. Thực tế hiện nay, hệ thống mạng lưới các CLB văn hóa dân gian ở cơ sở rất nhiều nhưng hiệu quả sinh hoạt chưa cao. Sau lũy tre làng kia vẫn rất nhiều cụ ông, cụ bà hát dân ca và truyền dạy cho con cháu, nhiều nam thanh, nữ tú có giọng ca mượt mà lắm. Nhưng chính quyền địa phương đã có chính sách gì để hỗ trợ và khích lệ họ chưa? Ít lắm. Gần như họ phải bỏ tiền túi ra để sinh hoạt, để thỏa niềm đam mê. Và bao giờ thì dân ca trở thành môn học chính trong trường học? Câu hỏi ấy cứ đeo đẳng ông… 
 
Người khởi xướng 
 
Ông không nhớ nổi mình đã đặt chân đến bao làng quê, gặp gỡ bao nhiêu nghệ nhân. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm với những cung bậc cảm xúc khác nhau, khơi gợi trong lòng người nghệ sỹ bao điều nghĩ suy, trăn trở. Có lần đi diễn ở một lâm trường ở khu vực miền Tây xứ Nghệ, ông thấy cảnh công nhân vừa hò vừa kéo xe gỗ. Vốn là người am hiểu về dân ca, lại tận mắt chứng kiến ý nghĩa to lớn của dân ca đang sống trọn vẹn, đúng nghĩa trong đời sống người dân, cổ vũ tinh thần lao động và ông tự đặt câu hỏi “sao không phát triển nó lên?”. Từ ý tưởng mơ hồ đó, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ ông nhận thấy điệu hò xứ Nghệ rất độc đáo, có giá trị biểu cảm cao. Vùng quê nào, ngành nghề nào cũng có điệu hò riêng. Từ đó ông lên kế hoạch xây dựng chương trình “Liên hoan nối những câu hò Bắc miền Trung”. Ông lặn lội khắp 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế để tìm hiểu đặc trưng của mỗi một điệu hò. Ban đầu, những người làm công tác quản lý văn hóa ở các tỉnh đều băn khoăn vì sợ nhàm chán. Sau nhiều lần họp bàn rồi đi đến thống nhất dành 2/3 thời gian để biểu diễn những điệu hò cổ, còn 1/3 dung lượng chương trình là những bài hát được phát triển trên nền điệu hò. Sau 4 năm “thai nghén”, ông hoàn thành báo cáo trình với Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, được lãnh đạo cục phê duyệt và cấp kinh phí tổ chức. Chương trình đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 thành công ngoài mong đợi, được đánh giá là mâm cỗ âm nhạc phong phú nhất để những người hoạt động nghệ thuật thỏa sức thưởng thức, cảm nhận. Đến nay, qua 5 đợt  tổ chức, liên hoan nối những câu hò Bắc miền Trung đã trở thành nét văn hóa độc đáo của khu vực. Để mỗi lần nhắc đến Bắc miền Trung, người ta biết đến “Liên hoan nối những câu hò” cũng như Nam bộ có “Hẹn hò chín dòng sông”, Tây Nguyên có “Tháng Ba Tây Nguyên”... Ông vui mừng cho biết Bộ đang có dự định nâng tầm chương trình lên quy mô toàn quốc. Tôi đọc được niềm hạnh phúc ngời lên trong ánh mắt hiền từ của ông. Nhưng với Trần Mạnh Chiến, hạnh phúc lớn nhất của ông là điệu hò quê hương đã có sức lan tỏa mãnh liệt, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của ông cha.
 
Những cung bậc cảm xúc
 
Nói đến nhạc sỹ Trần Minh Chiến không thể không nhắc đến nhạc phẩm “Tìm về nơi ấy” (Đạt giải A Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 1994), “Nơi ấy quê mình” (Huy chương Bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2001 tại Đắc Lắc). Hiện ông đang sở hữu một gia tài âm nhạc hơn 100 tác phẩm đã được in và phát hành. Người ta dễ dàng nhận thấy những âm hưởng Dân ca xứ Nghệ trào dâng trong những tác phẩm của ông. Chất liệu dân gian đã được ông khai thác, tạo nên giai điệu mượt mà, tan chảy trong mỗi ca từ, nhịp phách. Ông bảo: “Dân ca là tài sản chung, ai khai thác được nhiều và sử dụng khéo léo thì người đó thành công. Phải lấy cho được cái tinh hoa của người xưa dựa trên cái nhìn sâu sắc, mới mẻ của con người thời đại mới”.
 
Mỗi một nhạc phẩm là một đứa con tinh thần được sinh ra trong suốt thời gian dài nhọc nhằn thai nghén. Nhạc phẩm “Bác Hồ” được sáng tác để hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010 và đạt giải Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và cảm xúc chín muồi của người nghệ sỹ. Bằng tình cảm và lòng tôn kính vị Cha già dân tộc, tác phẩm của ông đã đưa hình ảnh của Bác – một con người giản dị, mộc mạc, chân lội bùn, tay vác cuốc đến với công chúng một cách tự nhiên như bao người dân xứ Nghệ khác. Nói rồi, ông cất cao tiếng hát khiến tôi lặng người, giọng hát ông mượt và ấm đến lạ kỳ. Dường như, chất giọng ấy, mạch nguồn cảm xúc ấy được xuất khởi từ sâu trong lòng đất quê hương… Thế mới biết thẳm sâu trái tim người nghệ sỹ ấy, ngọn lửa đam mê dành cho câu hát quê hương đang rực cháy đến tận cùng.
 
Nguyễn Lê - Hà An