(Baonghean) - Trên đường vào làng Tiên Hoa, xã Thanh Xuân (Thanh Chương), có một cồn đất nổi cao cây cối tốt tươi rậm rạp nằm giữa cánh đồng, đó chính là Cồn Ràn - một hình ảnh quen thuộc liên quan tới một sự tích, tín ngưỡng đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây.
Theo các vị phụ lão, dưới thời phong kiến, người dân làng Tiên Hoa có tuổi thọ không cao, người sống lâu nhất cũng chỉ đến 40 tuổi. Chính vì vậy, khi người dân trong làng đi ra bên ngoài học tập, làm ăn hay đi lính cho triều đình, đến tuổi tứ tuần đều xin trở về quê hương để chuẩn bị hậu sự. Một lần nọ, có thầy địa lý trên đường tìm về tổng Bích Triều (nay là xã Thanh Xuân) gặp một người lính cũng đang trên đường về làng Tiên Hoa. Thầy địa lý hỏi về dân cư và cuộc sống của quê hương, người lính thành thật kể lại. Thầy địa lý xin đi theo để tìm hiểu sự tình. Sau nhiều ngày đi khắp vùng đất Tiên Hoa, ông nhận thấy vùng đất này có hình dáng tựa một con trâu to nhưng lại chưa có “ràn” (tiếng địa phương có nghĩa là “chuồng”) để trâu nghỉ, nên trâu hay phá, vì vậy người dân tuổi thọ không cao. Thầy địa lý bày cho dân làng đào đất đắp cao tạo thành một cồn nổi ở giữa cánh đồng, trên đó trồng các loại cây xanh tốt để khắc chế. Quả thực, khi cây cối tốt tươi, thân cao tán lớn, tuổi thọ dân làng Tiên Hoa tăng, thậm chí có nhiều người sống thọ tới ngoại cửu tuần. Mọi người đều nhớ ơn thầy địa lý nọ và gọi cồn đất ấy là Cồn Ràn, không ngừng vun đắp, trồng trọt, bảo vệ để Cồn Ràn ngày càng xanh tốt. Câu chuyện trên còn được người dân làng Tiên Hoa ghi nhớ và luôn xem là hình ảnh biểu trưng của quê hương với niềm tự hào sâu sắc.