(Baonghean) - Sử sách tiền nhân mãi còn ghi khắc, Kênh nhà Lê, từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn phò tá nhà Đinh, khi nhận ra vai trò ách hiểm đường thủy trong kế sách giữ nước, từ năm 936 đến 1003, đã cho dân binh, khởi đào từ Hoa Lư (Ninh Bình) nối với Đồng Cổ (Thanh Hóa). Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược Đại Việt (1410-1420), ông ráo riết cho đào thêm, nạo vét, khai thông tuyến kênh dài 220 km vào tận Trấn Nghệ An, làm nên chiến thắng vang dội Bồ Đằng, Trà Lân hào hùng một thuở.
Đổ ra lạch Bạng, men theo chân núi, trườn qua khe Nước Lạnh, tuyến kênh mải miết chảy vào rộng dài thung lũng La Nham, Thần Vũ (Nghi Yên, Nghi Lộc), tạo nên đầm phá lưu vực sông Cấm miên man nước lợ, bốn mặt vách núi bao bọc, chắn gió. Mang tên sông Cấm, nó chia hai dòng, một đổ ra biển Cửa Lò, một xuôi vào Nam với những kênh Phương Tích, Kẻ Gai, Đước, Cửa Tiền, Cầu Đen rồi hòa vào dòng Lam mênh mông sóng nước, tràn ra Cửa Hội.
Từ thời khắc khơi nguồn, trải bao thăng trầm biến cố chống giặc ngoại xâm, tuyến Kênh nhà Lê đã bao lần trở thành những mốc những chuỗi thử thách sinh tử bấy nhiêu thế hệ con yêu của dân tộc đổ xương máu giành giật quyết liệt độc lập tự do, cả khát vọng giờ khắc ráo tạnh, yên bình trong chiến tranh.
Vào năm 1908, thực dân Pháp bước vào khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ 2, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã xuyên qua hơn 100 km trên vùng đất Nghệ An vượt sông Cấm - Kênh nhà Lê chảy dưới thung lũng Thần Vụ - La Nham, để rồi hơn 50 năm sau khi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, cây cầu sắt trở thành đầu mối giao thông cốt tử.
Từ năm 1908 tới tháng 5 năm 1964, cách trước 3 tháng, ngày 5/8/1964 trận mở đầu ném bom xuống miền Bắc, xuống kho xăng, dầu Hưng Hòa, Cảng Bến Thủy, sau nhiều tháng khôi phục hoạt động chạy tàu đường sắt Bắc - Nam, cây cầu đường sắt trên sông Cấm mới có thêm vai trò thông xe cơ giới trên cùng mấy nhịp kết cấu thép chịu lực hiện đại nhất thời bấy giờ. Bao nhiêu năm trước, tuyến đường bộ thiên lý tới đoạn sông chưa đầy 200m chiều rộng này phải nương nhờ con phà gỗ già nua, chở mỗi chuyến chỉ vài chiếc xe, vài chục khách bộ hành bằng sức chống con sào của đôi tay người thủy thủ.
Đứng trên đỉnh núi Voi phía Đông Nam, ở độ cao 200m so với mặt nước biển Cửa Lò, nhìn nuối tầm mắt, lưu vực sông Cấm trắng bạc thủy triều lên với bát ngát cây năn, cây lác, xấp xải cánh cò chạng vạng, ăn đêm.
Sông Cấm chẳng khác gì cổ chai bị xoắn nút đoạn hẹp nhất. Sông ép lòng, đội hai nhịp cầu đường sắt, đường bộ dài hơn 111m vắt qua. Khoảng trống dưới cầu đủ độ cao cho xà lan, thuyền bè qua lại, xuôi biển Cửa Lò, sang Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Gianh, ngược sông Son lên Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Từ bao giờ, từ thuở nào, tuyến kênh chạy dọc Bắc miền Trung, gặp kiến tạo tự nhiên, gặp ý chí khai phá của tiền nhân, của thế hệ cháu con trong gian nan mưu sinh mở đất, lập làng, rồi kiên gan đánh giặc, bảo vệ từng tấc đất đã mang trên mình nham nhở, bầm dập dấu tích chiến tranh và bao nhiêu huyền thoại trên mỗi bến dừng, trên mỗi đoạn qua.
Cầu Cấm, sông Cấm nằm trong không gian với độ dài chưa tới 8 km nhưng ở vị thế đắc địa, hiểm trở trên trục đường bộ, đường sắt, đường thủy liền kề, giao nhau bỗng chốc trở thành nơi đối mặt thế lực xâm lược, mưu toan hủy diệt với nền KHKT quân sự hiện đại bậc nhất thế kỷ XX và những con người tươi trẻ ra đi từ xóm mạc, góc phố nghèo nàn, trong tay chỉ là cuốc, là xẻng, là xe cải tiến thô sơ. Họ là đội quân hùng hậu bảo đảm giao thông chống Mỹ cứu nước, không chỉ ở cầu Cấm.
Chiến tranh phá hoại hệ thống giao thông miền Bắc mở đầu vào những tháng cuối năm 1964 bằng nhiều tốp máy bay T28, xuất phát từ căn cứ Utapao ( Thái Lan) ném bom Cửa khẩu Noọng Hét, Đồn Biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn), hòng ngăn chặn tuyến vận tải chi viện chiến trường Lào. Đấy còn là cửa ngõ tuyến đường Quốc lộ số 7 dài gần 400 km, nối ngã ba Phủ Diễn, Quốc lộ số 1 với mặt trận B72 do Thiếu tá Nguyễn Hữu Phúc, Tỉnh đội Trưởng chỉ huy cùng Tiểu đoàn Quân tình nguyện 925 sát cánh bên quân dân các bộ tộc Lào đánh kẻ thù chung.
Với tuyến Quốc lộ số 1, chạy dọc các huyện duyên hải Nghệ An dài 84 km, vượt 6 cầu lớn, không quân Mỹ nhằm trọng điểm cầu Cấm, nút thắt thứ 3 sau cầu Hàm Rồng, bến Phà Ghép (Thanh Hóa) bắn phá dồn dập lúc 9 giờ sáng ngày 9/4/1965. Người lính giao thông hy sinh đầu tiên trong đợt đánh phá cầu Cấm là Lê Bá Khường, quê xã Nam Trung, Nam Đàn.
Bọn đầu sỏ hiếu chiến Hoa Kỳ lập kế hoạch đánh phá cả về quy mô và tính chất, cấp độ tàn phá, hủy diệt trọng điểm vượt sông Cấm. Riêng đoạn giao cắt đường sắt, đường bộ, Kênh nhà Lê tại cầu máng dẫn nước 12/9, giặc lái Mỹ đánh theo cách “chà đi, xát lại”, nhằm xóa hẳn khả năng mở đường xế tránh trọng điểm cầu Cấm của lực lượng bảo đảm giao thông. Chúng sục sạo chụp ảnh, đoạn nào giao cắt, chạy sát Kênh nhà Lê là “y chang” bị đủ loại phản lực F4H, F8U, AD6, F105D lao xuống “cắn, xé” cho tơi tả, để lại mặt đường bờ kênh toang hoác những vệt hố bom chồng lên hố bom.
Đầu năm 1965, chúng làm mưa, làm gió, thả sức bắn, phá đoạn đường vốn đã xuống cấp, chưa kịp trải nhựa vì chúng thừa biết lực lượng phòng không chưa đủ sức trải rộng trận địa ngăn chặn. Chúng triệt để lợi dụng ưu thế gần biển, gần căn cứ nổi hàng không mậu hạm để tăng số lượt bay vào đất liền bắn phá. Chúng tự tin cả khi bị bắn cháy, bị thương, chúng vẫn dư sức lết về căn cứ.
Sau ngày 9/4/1965, tập đoàn Không quân Ráp số 7 thuộc hai hạm độ, căn cứ Guy Am, Cò Rạt, Utapao ồ ạt đánh phá hầu hết 174 cầu, nhà ga, các bến phà Nam Đàn, Sông Hiếu, Đô Lương, Mường Xén, Hoàng Mai, Bến Thủy. Đánh mở rộng các mục tiêu tập kết xe, chân hang nhưng chúng vẫn “cầm canh” trút bom xuống tọa độ cầu Cấm. Đường vận tải hàng vào mặt trận từ ngả nào, hướng nào, các đoàn xe của Tổng cục Hậu cần, Binh trạm 10 Bắc Hàm Rồng, đoàn xà lan Hồng Hà, đoàn ca nô lai dắt xà lan KT66, Công ty thuyền nan Thanh Hóa vẫn phải vượt tuyến độc đạo cầu Cấm, Bến Thủy.
Không thể quên, đoàn thuyền nan 200 chiếc, đoàn thuyền gỗ 200 chiếc của Thanh Hóa chở hàng quân sự vào Nghệ An gặp nạn ngày 21/4/1966 trên Kênh nhà Lê, đoạn chảy qua Diễn Hùng, Diễn Vạn. Bọn phản lực AD6, F8U từ Cửa Vạn bay vào quay vòng bắn tên lửa, vãi bom sát thương như vãi trấu xuống khúc kênh chưa đầy 200m, chiều rộng khoảng 10m. Chúng say mồi, đánh phá 2 ngày không tiếc bom, đạn. Tổn thất quá lớn. Hơn 253 thuyền hàng với 453 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men dụng cụ quân y và 13 thủy thủ bị bom, rốc két, đạn 20 li tiêu hủy. Cả đoạn kênh tắc ngẹn xác thuyền, xác người, khét lẹt nồng nặc hơi bom. Bà con và dân quân các xã Diễn Vạn, Diễn Hùng, Diễn Hoàng lao xuống cứu người, cứu hàng cũng bị thương vong 51 người.
Suốt ngần ấy năm, tôi cứ day dứt một câu hỏi, sao không dựng Bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ vận tải thủy trên Kênh nhà Lê tại khúc sông bi tráng, máu lửa này mà lại dựng ở đoạn kênh Bắc cầu Cấm. Những đồng đội của liệt sỹ đoàn vận tải thuyền nan Thanh Hóa hy sinh tại Kênh nhà Lê đến nay vẫn còn day dứt. Bà con Diễn Vạn, Diễn Hùng, Diễn Hoàng từng cứu nạn, cứu thương, cứu hàng, khâm liệm, chôn cất liệt sỹ vẫn còn sống bao nhiêu người, làm sao họ có thể nhầm lẫn địa danh khốc liệt ấy. Đâu chỉ có liệt sỹ đoàn thuyền nan Thanh Hóa. Từ năm 1965 đến tháng 9/1972, để chuyển hàng chục vạn tấn hàng quân sự vào mặt trận, trên tuyến kênh không lúc nào ngớt tiếng bom đạn này, kể từ làng Ngọc Trà ( Lạch Bạng, Thanh Hóa) vào tận Cửa Sót, (Hà Tĩnh), Cửa Gianh, sông Son (Quảng Bình) đã có bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ, thủy thủ, xã viên hợp tác xã ngã xuống dòng kênh máu lửa. Họ thuộc đơn vị đoàn vận tải Hồng Hà, Binh trạm 10, Đoàn xà lan KT66, Hợp tác xã vận tải An Bình( Quỳnh Lưu), Diễn Thành, (Diễn Châu)…
Chưa có tượng đài cao xứng tầm tri ân các anh hùng liệt sỹ vận tải đường thủy thì hãy khắc tạc tượng đài trong lòng người dân suốt dặm dài tuyến kênh thời máu lửa và cho cả các thế hệ trẻ hôm nay!
Văn Hiền