(Baonghean.vn) - Trong giới giảng dạy và nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, những người yêu quý, lưu giữ các văn bản sử học nước nhà nói riêng, không ai không biết đến tên tuổi nhà sử học Phan Huy Chú (1782- 1849) với bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí.
Phan Huy Chú là con trai của Phan Huy Ích, một nhà nho có danh đậu tiến sĩ đời Lê, ra làm quan triều Tây Sơn. Ông quê ở ấp Yên Sơn, xã Thụy Khê (tức làng Thầy), phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Có ý kiến cho rằng, tuy sinh ra lớn lên tại Bắc Hà nhưng quê gốc của Phan Huy Chú là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (?) Từ nhỏ, Phan Huy Chú đã được học hành cẩn thận, nổi tiếng hay chữ. Năm 1821, vua Minh Mạng nghe tiếng cho triệu ông vào Huế, giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám, mở đầu con đường công danh hoạn lộ tuy có vinh quang nhưng cũng không ít chông gai, cay đắng...
Bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí được Phan Huy Chú bắt đầu biên soạn ngay từ hồi ông còn đi học, đi thi. Đấy là năm Gia Long thứ 8 (1809), nhân có thời gian nhàn rỗi, ông ra công tìm tòi ghi chép trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1809 – 1819. Gần cuối “Bài tựa”, ông bộc bạch: “Ôi, công việc trước thuật, người xưa vẫn phàn nàn là khó... Nay tạm góp nhặt những điều mắt thấy tai nghe để giúp vào chỗ thiếu sót”. Tới năm 1821, đang giữ chức Biên tu Trường Quốc Tử Giám, Phan Huy Chú dâng bản thảo sách này lên vua Minh Mạng, được vua khen và thưởng cho 30 lạng bạc, 1 chiếc áo sa, 30 ngòi bút, 30 thỏi mực.
Ở sách Lịch triều hiến chương loại chí, tác giả ghi chép tỉ mỉ 10 bộ môn được phân loại theo trình tự: Dư địa chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí (làm sổ hộ khẩu, thu thuế, chế độ tiền tệ, ruộng đất), Hình luật chí, Binh chế chí, Văn tịch chí và Bang giao chí. Như vậy, bộ sách không chỉ phong phú, được phân loại hệ thống theo phương pháp khoa học, mà nhìn chung tính chính xác lại cao. Xét về tư tưởng, sách còn tiến bộ do tác giả gần dân, đứng về phía lợi ích nhân dân, người nghèo mà xem xét lịch sử. Cần lưu ý, sách này chỉ nghiên cứu các sự kiện từ triều Lê trở về trước, đặc biệt chú trọng triều Lê, còn triều Nguyễn thì ông tránh đi?!
Ở bộ môn Dư địa chí (quyển I), xuất phát từ quan điểm “của báu một nước, không gì quý bằng đất đai: nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra”, nhà sử học Phan Huy Chú đã trân trọng ghi: “Nước Việt Nam ta, từ đời Hùng Vương dựng nước, chia địa giới, đặt kinh đô, núi sông nước Nam đã có giới hạn ở Sách trời”... “Đời Hùng Vương dựng nước, gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước ta làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, và Cửu Đức. Chỗ nhà vua ở gọi là nước Văn Lang...”. Xin lưu ý, tỉnh Nghệ An thời bấy giờ thuộc bộ Hoài Hoan, và tỉnh Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức.
Ở bộ môn Nhân vật chí (quyển VI), xuất phát từ quan niệm: “Tôi thường nghĩ, dân sinh ra phải có người coi sóc chăn nuôi, thì vua chúa truyền nối phải xét đến hệ thống; đời nào nổi lên cũng có người giúp đỡ thì nên ghi chép công lao của các bầy tôi văn võ”, và “phải ghi chép đầu đuôi thì mới có thể khảo cứu, so sánh các nhân vật xưa nay không thiếu sót”, nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi lại nhân vật lịch sử Hùng Vương như sau: “Hùng Vương là con Lạc Long Quân.
Khi đã lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia trong nước làm 15 bộ. Con trai gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỹ Nương. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Đời nọ truyền đến đời kia được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. Lúc bấy giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng sông không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc. Dân đều vẽ mình, uống nước bằng mũi, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên...”. Xét về thời gian tồn tại và phát triển, thì từ Kinh Dương Vương truyền đến Hùng Vương cộng tất cả là 2622 năm.
Lễ hội Đền Hùng.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ở thế kỉ XV, trong bộ sách Đại Việt sử kí toàn thư (1479) cho biết: Thủy Tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, hiện còn có mộ tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương làm vua vào quãng năm 2879 TrCN (?), lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, rồi đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi vua tự xưng Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là con gái vua Đế Lai, đẻ ra bọc có trăm quả trứng. Trăm quả trứng đó nở thành trăm người con trai, là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha về phía Nam miền biển, và phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua. Thế là Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu, vùng Bạch Hạc- Phú Thọ...
Cột đá thề tại Đền Hùng.
Những tài liệu sử học vừa nêu của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thưvà sau đó của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã giúp chúng ta dễ dàng nhận thấy có một nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng, phôi thai đầu tiên của nước Việt Nam. Nhà nước đó tuy còn đơn giản, nhưng đã có sức cố kết được lòng người. Tình cảm cộng đồng phát triển thành ý thức cộng đồng, tình đồng bào cùng một bọc trứng được biểu hiện rất rõ. Bước đầu, các công dân của nước Văn Lang hiểu được mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên, con người với con người, mối quan hệ vua tôi; nhận ra sức mạnh cộng đồng không chỉ ở lao động sản xuất làm ra cái ăn, cái mặc, cái ở mà cả trong đấu tranh giữ gìn làng bản, nước non trước sự dòm ngó của giặc ngoại xâm!
Có thể nói, với nhà sử học Phan Huy Chú, thì ở lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra am tường, uyên bác dù là Lịch sử, Địa lí, Văn hóa, Giáo dục, Văn học nghệ thuật hay Quân sự, Pháp luật, Ngoại giao... Nhờ vậy, bộ sách đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí xưa nay vẫn được xem là một bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên của nước ta. Những ghi chép của ông về Thời đại Hùng Vương trong sách này, tuy chưa nhiều, nhưng có giá trị căn bản, với thái độ tôn vinh, quý trọng, đáng để các thế hệ hậu sinh trân trọng, biết ơn và tiếp nối.