(Baonghean) - Hàng chục người láng giềng tìm tới gia đình nạn nhân khi nghe tin anh Sơn tử vong ở xứ người vào chiều 13/4. Nhìn ngôi nhà ngói đồ sộ ba gian tương đối khấm khá với mái che kiên cố, ai cũng xót xa, ái ngại cho một gia đình đầm ấm yên vui bỗng phút chốc lâm vào cảnh tang gia bối rối chỉ vì am hiểu pháp luật có hạn...
Có mặt tại nhà chị Hồ Thị Nhâm, sinh năm 1971, trú tại xóm 6, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu vào trưa 16/4, chúng tôi đã thấy rất đông bà con láng giềng đến chia buồn về cái chết của chồng chị là anh Hồ Cảnh Sơn, sinh năm 1968, vừa tử vong tại Ăng-gô-la sau hơn 6 tháng lưu lạc tại xứ người để mong… đổi đời. Anh trai của nạn nhân xin phép được giấu tên và cũng không cho chúng tôi ghi bất cứ hình ảnh nào về cảnh tang gia bối rối của gia đình, bởi anh bảo “để bình tâm lại, khi thi thể Sơn được đưa về nước sẽ cho chụp”.
Tuy nhiên, anh cũng không ngần ngại cung cấp cho chúng tôi biết quá trình “xuất khẩu chui” của em trai mình dẫn đến tử vong vì “chỉ muốn mau giàu và tin vào người thân ở bên đó”. Anh trai của nạn nhân Hồ Cảnh Sơn cho biết: Học xong lớp 7, Sơn ở nhà làm ruộng và xây dựng gia đình với chị Hồ Thị Nhâm vào năm 1990. Năm 1994 thì sinh cháu gái đầu lòng là Hồ Thị Hồng, năm 1996 sinh con thứ hai là Hồ Cảnh Thắng, tiếp đó năm 1999 sinh cháu thứ 3 là Hồ Cảnh Tiến. Cuộc sống của gia đình ở nông thôn tuy vất vả, nhưng ngược lại người dân Quỳnh Lương với bản tính chịu thương, chịu khó, mùa nào rau nấy, trồng và bán tận ngọn nên hai vợ chồng Sơn, Nhâm cũng có kinh tế, gom góp làm được nhà kiên cố.
Năm 2012, khi con gái đầu bước vào học Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, con thứ bước vào học lớp 10 và con út học lớp 7 thì kinh tế gia đình có phần túng thiếu. Tuy nhiên, cũng chưa đến nỗi đứt bữa. Dịp này người nhà quen biết bà Đào Thị Lan Hương, quê Nam Định, định cư tại Ăng-gô-la, bà Hương hứa sẽ bảo lãnh cho Sơn được sang Ăng-gô-la lao động với lời hứa sẽ có thu nhập cao và với chi phí 140 triệu đồng. Ngày 2/10/2012, Sơn đã lên đường sang Ăng-gô-la làm việc và chỉ hơn 6 tháng thì anh đã tử vong do căn bệnh sốt rét. Nhận được hung tin, gia đình đã liên lạc với bà Hương và anh Cường (người dắt mối) để tìm cách đưa thi thể anh Sơn về nước thì bà Hương bảo đang vận động quyên góp ủng hộ tiền để khoảng 15 ngày sau thi hài người xấu số được đưa về quê.
Mặc dù không cho phép chụp ảnh và cung cấp tên của mình, nhưng khi chúng tôi hỏi có biết việc đi lao động tại Ăng-gô-la như trên là rất mạo hiểm và lao động bất hợp pháp, xuất khẩu “chui”, thì “so với những người khác thì số tiền chi phí còn cao hơn, từ 200 triệu đến 250 triệu đồng cho một suất đi Ăng-gô-la, nhưng vì chỗ quen biết nên bà Hương chỉ lấy 140 triệu đồng, chúng tôi vẫn cảm ơn bà ấy. Còn việc khi Sơn ốm đau bà Hương còn nhiệt tình chăm sóc thuốc men, sau khi Sơn tử vong, bà ấy còn vận động quyên góp tiền để đưa thi thể về nước nên chúng tôi vẫn không hề oán trách bà ấy. Hơn nữa, bà Hương hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội người lao động Việt Nam tại Ăng-gô-la”, anh trai của nạn nhân Sơn cho biết.
Rõ ràng biết là lao động bất hợp pháp, xuất khẩu “chui”, nhưng am hiểu có hạn, người dân vẫn lao vào như con thiêu thân để mong chóng được đổi đời, để lại hậu quả con mất cha, vợ mất chồng như gia đình nạn nhân Hồ Cảnh Sơn không chỉ làm gia đình tan nát, mà vô tình đã tiếp tay cho một nhóm người sống bằng đồng tiền phi pháp của người lao động để nạn nhân lãnh hậu quả. Điều đáng nói là họ, những thân nhân của người bị chết vẫn chưa kịp tỉnh ngộ nhận ra rằng chính những người đưa họ sang xứ người khi chưa được pháp luật Việt Nam cho phép là những kẻ làm ăn phi pháp.
Lẽ ra họ phải lên án, đằng này họ vẫn còn mang ơn thì lại càng đáng trách. Được biết, đến thời điểm này, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, trên địa bàn Nghệ An đã có 5 lao động tử vong tại Ăng-gô-la bằng đường xuất khẩu “chui”, trong đó có hai nạn nhân thi thể đã được đưa về nước. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn có ý định đi vào… chỗ chết. Bởi cho đến thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa cấp giấy phép cho bất cứ doanh nghiệp nào đưa người sang Ăng-gô-la lao động. Hơn nữa, qua đường ngoại giao, giữa Chính phủ hai nước cũng chưa có chính sách nào đưa lao động Việt Nam sang Ăng-gô-la làm việc nên cái “Phó chủ tịch Hiệp hội người lao động Việt Nam tại Ăng-gô-la” như người nhà nạn nhân Hồ Cảnh Sơn cung cấp chỉ là trò lừa đảo.
Đáng thương hay đáng trách?
Xuân Bảy (Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu)