Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Nguyễn Duy Thủy – Bí thư Huyện ủy huyện Tân Kỳ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập huyện.

- P.V: Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tân Kỳ được biết đến với miền đất kiên cường bất khuất “xe chưa qua nhà không tiếc”..., đồng chí có thể cho độc giả biết về niềm tự hào này?

- Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Với những khẩu hiệu: “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, quân và dân Tân Kỳ đi đầu trong nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn: đào đắp hàng vạn mét khối đất đá, làm hầm trú ẩn dọc các tuyến đường 15A, 15B; xây dựng các trận địa pháo phòng không bắn máy bay dọc các tuyến đường, sẵn sàng trực chiến suốt ngày đêm, tham gia sửa chữa cầu cống, dẫn đường cho xe trú ẩn, bốc dỡ hàng hóa trên tuyến đường 15A, 15B. Tân Kỳ tự hào với Cột mốc số 0 - điểm khởi đầu của đường chiến lược Trường Sơn huyền thoại, là địa điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Tân Kỳ còn là điểm tập kết của các sư đoàn 316, 324, 304, 312,… và nhiều kho khí tài, quân trang quân dụng bí mật xây dựng tại địa bàn các xã. Đây cũng là nơi sơ tán của Nhà máy đường Sông Con, Nhà máy in Nghệ An, Trường Quân chính Quân khu IV, Trường Sư phạm cấp 2 miền núi Nghệ An, Trường Sư phạm mẫu giáo Nghệ An, Xí nghiệp dược phẩm Vĩnh Ngãi, Công trường 50 với hàng chục đại đội thanh niên xung phong mở đường chiến lược.

Không chỉ bảo vệ quê hương, quân dân Tân Kỳ còn góp phần không nhỏ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đã có 1.286 người con của quê hương Tân Kỳ ngã xuống trên các chiến trường, trên 1400 người đã gửi lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường ác liệt, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

Ghi nhận những cống hiến to lớn cho Tổ quốc, Tân Kỳ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Quân công hạng Ba. Dân quân tự vệ xã Tiên Kỳ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Dân quân tự vệ xã Kỳ Sơn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Đại đội Dân công huyện được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Lực lượng vũ trang huyện liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tân Kỳ và 7 xã: Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Giai Xuân, Tiên Kỳ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 5 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

- P.V: Những thành tựu nổi bật của Tân Kỳ trong những năm gần đây là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:- Hệ thống giao thông trên địa bàn Tân Kỳ đang từng bước được nhựa hóa đến tận trung tâm xã. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. So với một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An, huyện Tân Kỳ có hệ thống đường bộ khá phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đường Hồ Chí Minh, nối Thị trấn Tân Kỳ với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như các tỉnh phía Nam, đoạn chạy qua địa phận Tân Kỳ dài 38 km, nối liền với Quốc lộ 7, Quốc lộ 48; Tỉnh lộ 545 nối Tân Kỳ - Nghĩa Đàn, Đường 15A nối với Đô Lương, Diễn Châu đi Vinh với chiều dài khoảng 90km. Đường liên xã nối từ huyện lỵ Tân Kỳ đi các xã trên địa bàn, và từ các xã trong vùng, có 11 tuyến, với tổng chiều dài gần 200km, phần lớn đã được rải nhựa hoặc bê tông, có chiều rộng từ 4 - 8m, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giao lưu văn hóa, phục vụ sản xuất.

793330_small_94637.jpg

Bà con xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) làm đường giao thông nông thôn.

Từ việc xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thương mại, huyện định hướng ổn định cây lương thực 60 nghìn tấn/năm. Tập trung cao cho cây mía (5.500ha), cây cao su (2.500ha), phấn đấu năm 2015 là 4.500ha. Trong chăn nuôi, Tân Kỳ là huyện có tổng đàn lớn của tỉnh, đàn trâu là 28.146 con; đàn bò 16.316 con, trong đó bò lai sind là 8.202 con, đạt 50,3%; đàn lợn 51.068 con. Đặc biệt, huyện đã quan tâm cải tạo đàn đại gia súc, sind hóa đàn bò, tạo điều kiện tăng chất lượng hóa đàn bò.

- Về Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại: Tăng trưởng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân 12 - 16%/năm. Về thương mại dịch vụ tăng từ 15- 16%/năm. Hệ thống các cụm công nghiệp Đồng Văn, Nghĩa Dũng… đang dần được hình thành. Về xây dựng nông thôn mới: 21/21 xã đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới. Hiện nay, Nghĩa Đồng là xã có số tiêu chí đạt cao nhất (14/19 tiêu chí), có 5 xã đạt từ 10 - 11 tiêu chí, có 1 xã đạt 4 tiêu chí, các xã còn lại đạt 7- 8 tiêu chí.

Năm 2012, tỷ trọng nông- lâm-ngư nghiệp chiếm 36,86%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29,88%, các ngành dịch vụ chiếm 33,25%.

Cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục – đào tạo ngày càng được quan tâm đầu tư đúng mức. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng khởi sắc, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Tất cả 22 xã, thị trấn đều có nhà văn hóa, sân thể thao, điện lưới và hệ thống mạng Internet. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 69,2%, làng văn hóa 138/266, đạt 52%. Chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ. Có 28 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 98,3%. Công tác chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh ngày càng đáp ứng nhu cầu cho nhân dân. Đến nay có 8 xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế.

- P.V: Những thành tựu đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương. Đồng chí hãy cho biết cụ thể hơn về các giải pháp, biện pháp chỉ đạo?

Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Trong những năm gần đây, Tân Kỳ có bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở để đạt được những tiến độ đó là:

- Trước hết là nhận thức: Xác định rõ điểm xuất phát của Tân Kỳ. Khẳng định rõ những tiềm năng lợi thế cũng như những hạn chế để xác định bước đi phù hợp. Trong nông nghiệp, huyện xác định rõ cây chủ lực là lúa, ngô, mía, cao su; vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn để tập trung chỉ đạo phát triển. Là huyện có quỹ đất chủ động nước không cao nên huyện chủ trương ổn định cây lương thực đảm bảo đủ ăn và sản phẩm ngô để làm hàng hóa, từ đó kiên quyết điều hành. Tập trung phát triển cây mía, cây cao su và cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Thực hiện dồn điền đổi thửa để cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc, đẩy mạnh chương trình sind hóa, nâng chất lượng đàn gia súc để nâng cao giá trị.

- Thứ hai: Về công nghiệp, TTCN: Huyện quan tâm xây dựng Làng nghề gạch ngói Nghĩa Hoàn và các làng có nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, khai thác thế mạnh để sản xuất vật liệu xây dựng bằng đất đai khoáng sản sẵn có. Để công nghiệp chế biến mía đường phát huy hiệu quả, Tân Kỳ đã kiên định quy hoạch vùng nguyên liệu mía và vùng trồng, chế biến cao su; đưa giống mới có năng suất chất lượng tốt vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng mùa vụ để tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Đưa công nghệ mới vào sản xuất gạch ngói, đường kính, phân hữu cơ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp.

- Thứ ba là tập trung cao xây dựng cơ sở hạ tầng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tạo thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó mỗi năm huy động cho xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, các công trình phúc lợi hàng trăm tỷ đồng.

- Thứ tư là xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể vững mạnh, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trong xây dựng Đảng vừa nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, củng cố bộ máy, vừa “xóa điểm trắng” về chi bộ, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà, thực hiện phương thức làm việc một cửa, tiếp dân nghiêm túc, tập trung xử lý đơn thư KNTC của nhân dân, tạo ổn định chính trị, an toàn xã hội. Xây dựng hội - đoàn vững mạnh.

- P.V: Những giải pháp mới trong chặng đường tiếp theo là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Duy Thủy:Để Tân Kỳ tiếp tục phát triển bền vững, chúng tôi tập trung 5 giải pháp sau:

- Thứ nhất là định hướng phát triển: Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của huyện, tiến hành xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội. Quan tâm quy hoạch các ngành kinh tế, quy hoạch vùng kinh tế, quy hoạch thị trấn, thị tứ và quy hoạch nông thôn mới. Từ đó xác định rõ bước đi phù hợp.

- Thứ 2: Tạo bước phát triển mạnh về kinh tế. Vừa xác định mặt hàng chủ lực gắn cải tiến kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, từng bước thực hiện công nghệ cao đối với các sản phẩm nông nghiệp như mía đường, bò sữa, cao su. Đổi mới công nghệ sản xuất gạch ngói chất lượng cao, nâng công suất nhà máy đường từ 250 tấn/ngày lên 500 tấn/ngày. Xây dựng các làng nghề và làng có nghề nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân.

- Thứ 3: Tiếp tục chăm lo công tác giáo dục, y tế, văn hóa. Vừa xây dựng điển hình, mũi nhọn trong lĩnh vực giáo dục, y tế (xây dựng Trường THCS Nghĩa Đồng thành đơn vị anh hùng); vừa chăm lo chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thực hiện tốt chính sách xã hội, công tác quốc phòng - an ninh bảo đảm sự phát triển bền vững.

- Thứ 4: Vận động mạnh mẽ việc phát huy nguồn nội lực, tranh thủ nguồn ngoại lực; mời gọi đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của Tân Kỳ.

- Thứ năm: Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó quan tâm nâng cao năng lực bộ máy từ huyện đến xã, vừa phục vụ quản lý xã hội vừa phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Thuận lợi có, nhưng khó khăn còn nhiều, được sự ủng hộ của cấp trên; cộng với sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, sự đồng thuận của nhân dân và sự quyết tâm mới, nhất định Tân Kỳ sẽ có bước phát triển mới đáng phấn khởi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


Trân Châu (Thực hiện)